Cách trồng và chăm sóc
Là loại cây ưa trồng trên đất tơi xốp, đất màu mỡ nên trước khi trồng cây hạnh phúc nên trộn đất với xơ dừa, đất thịt cùng với các loại phân vô cơ để tăng chất dinh dưỡng cho cây.
Nếu trồng trực tiếp trên đất, nên đào hố rộng gấp 3 lần đường kính cây, sâu bằng chiều cao của bầu cây. Sau khi xé bọc bầu cây, đặt cây xuống hố và lấp đất lại nhưng không nên nén đất quá chật.
Còn khi trồng cây hạnh phúc trong chậu nên lưu ý chọn loại chậu có khả năng thoát nước tốt. Trước khi đặt cây vào chậu nên lót một lớp đất nền khoảng 1/3 chậu. Đặt cây vào giữa chậu rồi lấp đất lại như thông thường.
Để có một chậu cây hạnh phúc để bàn nhỏ nhắn, gia chủ có thể nhân giống bằng phương pháp chiết cành. Khi chiết cành nên chọn cành cây tươi tốt rồi khoanh vỏ đắp bầu. Lúc nào thấy cành ra rễ thì tiến hành cắt và trồng vào chậu.
Hoa của cây hạnh phúc. (Ảnh minh hoạ) |
Với cách trồng nào thì cũng cần phải tưới nước đều đặn để duy trì độ ẩm cho cây. Thường xuyên quan sát đất trồng để điều chỉnh lượng nước tưới cho phù hợp. Tránh để khu vực gốc cây quá khô dễ dẫn tới héo cây hoặc quá nhiều nước khiến cây bị úng.
Nếu trồng cây ngoài trời thì mỗi ngày tưới nước 1 lần vào sáng sớm hoặc chiều tối. Còn nếu trồng trong chậu và đặt ở nơi thiếu sáng thì 1 tuần chỉ nên tưới nước 3 lần.
Về ánh sáng, khi trồng trong chậu không nên đặt cây hạnh phúc ở nơi thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Để kích thích cây trồng quang hợp, mỗi tuần nên cho cây phơi nắng sớm khoảng 1 giờ đồng hồ.
Trong điều kiện nhiệt độ từ 18 đến 28 độ C, cây hạnh phúc sẽ sinh trưởng và phát triển tốt. Với nhiệt độ hơn 40 độ C, cây sẽ bị mất nước và khô héo dần.
Cách xử lý khi cây bị sâu bệnh
Về dinh dưỡng cho cây hạnh phúc, vì có sức sống mãnh liệt nên gia chủ không cần phải bón phân quá nhiều cho cây. Có thể bón phân NPK trộn thêm mùn cưa cho cây, mỗi lần bón phân cách nhau khoảng nửa năm. Khi cây ra hoa nên bón ít phân Kali, sau khi cắt hoa thì nên bón thêm phân vô cơ hỗn hợp DAP.
Cũng như các loài cây khác, trong quá trình sinh trưởng, cây hạnh phúc không tránh khỏi các bệnh như rệp sáp, đốm lá, héo rũ, rụng lá, thối rễ… Khi đó, gia chủ nên cắt bỏ những cành bị bệnh. Trường hợp cây bị rệp nặng nên sử dụng thuốc sâu nộp hấp để phun xịt.
Lợi ích của cây hạnh phúc
Có hình dáng đẹp với cành lá xum xuê, cây hạnh phúc thích hợp để trang trí ở mọi nơi trong nhà, từ phòng khách, bàn làm việc, tiền sảnh, hành lang cho đến sân vườn hoặc sân thượng. Ngoài ra, cây hạnh phúc cũng có thể trang trí ở nhà hàng, quán cà phê.
Bên cạnh việc mang lại cảm giác tươi mới, tràn đầy năng lượng, cây hạnh phúc còn giúp cho không khí được thanh lọc, loại bỏ những bụi bẩn gây ô nhiễm. Với những ý nghĩa đó, cây hạnh phúc thường được dùng làm quà tặng cho bạn bè, người thân trong các dịp lễ như tân gia, khai trương.
Những cây hạnh phúc kích thước nhỏ trồng trong chậu rất thích hợp trang trí trên bàn. (Ảnh minh hoạ) |
Tuỳ vào kích thước và có bao gồm chậu hay không, trên thị trường hiện nay đang rao bán cây hạnh phúc với nhiều mức giá khác nhau.
Theo khảo sát, cây hạnh phúc có chiều cao khoảng 1m chưa bao gồm chậu có giá dao động từ 390.000 đồng đến 400.000 đồng. Những cây nhỏ hơn được trồng trong chậu thích hợp để bàn có giá bán thấp hơn, từ 150.000 đồng/cây đến 180.000 đồng/cây.
Những cây có chiều cao khoảng 1,2m thích hợp trang trí ở phòng khách, tiền sảnh, hành lang… và chưa bao gồm chậu có giá bán từ 700.000 đồng/cây đến 800.000 đồng/cây.
Có mức giá cao hơn, từ 900.000 đồng đến 1.100.000 đồng, là những cây có chiều cao hơn 1,2m, có chậu sứ và đĩa lót sứ. Mức giá này đã bao gồm nơ hoặc thiệp chúc mừng cho khách hàng mua để tặng dịp tân gia, khai trương.
Quang Đăng (tổng hợp)