Nhanh chóng, tiện lợi

Xã Sơn Tân (Sơn Tây) có trên 90% dân số là đồng bào dân tộc Ca Dong. Để tạo thuận tiện cho người dân trong việc giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), UBND xã chỉ đạo bộ phận một cửa tích cực hỗ trợ người dân nộp hồ sơ trực tuyến.

Anh Đinh Văn Quang, ở thôn Đắk Be, đến bộ phận một cửa xã Sơn Tân đăng ký giấy khai sinh cho con. Tại đây, anh Quang được hướng dẫn nộp hồ sơ trực tuyến. “Tôi không rành việc nộp hồ sơ trực tuyến, nhưng được cán bộ một cửa của xã hướng dẫn tận tình, nên việc nộp hồ sơ trực tuyến rất nhanh chóng và tiện lợi. Người dân không phải chờ đợi lâu như trước”, anh Quang chia sẻ. 

Quảng Ngãi 1.jpg
Cán bộ bộ phận một cửa xã Sơn Tân (Sơn Tây) hướng dẫn người dân sử dụng các tiện ích trong giải quyết thủ tục hành chính trên điện thoại thông minh. Ảnh: K.NGÂN

Năm 2023, xã Sơn Tân đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng chỉ số CCHC của huyện Sơn Tây. Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Tân Hồ Xuân Đạt cho biết, xã luôn tạo điều kiện để cán bộ, công chức học tập, nâng cao kiến thức về công nghệ thông tin nhằm theo kịp tiến trình CĐS. Đồng thời, thành lập tổ công nghệ số cộng đồng tại các thôn để hỗ trợ người dân thực hiện các dịch vụ hành chính công, thanh toán không dùng tiền mặt; thành lập các nhóm Zalo ở từng lĩnh vực để chủ động, thống nhất trong chỉ đạo, điều hành. Các văn bản chỉ đạo đột xuất đều được gửi qua hệ thống thư điện tử hoặc nhắn tin qua Zalo để cán bộ, công chức xã và cơ sở kịp thời nắm bắt, triển khai thực hiện.

Tại bộ phận một cửa huyện Sơn Tây, hệ thống máy tính, máy in, máy scan, máy đọc mã vạch... được trang bị đầy đủ. Huyện tập trung thực hiện CCHC đồng bộ trên các lĩnh vực. Trong đó, chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin và mạng lưới viễn thông từ huyện đến xã. Việc hiện đại hóa bộ phận một cửa đã góp phần nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC. Năm 2023, huyện Sơn Tây xếp thứ 2 trong bảng xếp hạng chỉ số CCHC của tỉnh và đứng đầu các huyện miền núi. Trong 10 tháng năm 2024, huyện tiếp nhận 5.254 hồ sơ và đa phần các hồ sơ được giải quyết trước hạn và đúng hạn; tỷ lệ số hóa hồ sơ khi tiếp nhận và số hóa kết quả giải quyết đạt gần 100%.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Đinh Trường Giang, ngoài các tổ công nghệ số cộng đồng ở cơ sở, huyện cũng thành lập tổ công nghệ số gồm các thành viên am hiểu công nghệ thông tin và các chính sách pháp luật để hỗ trợ các xã và bộ phận một cửa của huyện giải quyết TTHC. Huyện luôn xác định việc CCHC gắn với CĐS là khâu quan trọng nhằm giảm thiểu chi phí, công sức cho người dân, doanh nghiệp. Việc nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong hoạt động của bộ máy hành chính luôn được huyện chú trọng.

Quyết tâm cao

Huyện Ba Tơ đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trên các lĩnh vực, đưa các tiện ích của CĐS đến với người dân, doanh nghiệp, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền. Trong đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương của huyện đã chủ động, tích cực ứng dụng dữ liệu số trong quản lý và điều hành. Việc sử dụng hệ thống thông tin giải quyết TTHC được chú trọng.

Hiện nay, hệ thống quản lý văn bản và điều hành dùng chung được triển khai đồng bộ, liên thông văn bản điện tử giữa cơ quan Đảng, Nhà nước trên địa bàn huyện với tỉnh; tỷ lệ xử lý văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường mạng cấp huyện đạt 90%, cấp xã đạt 80%. Trên 95% văn bản được ký số khi phát hành văn bản điện tử. Điều này góp phần đảm bảo thông tin phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền được tốt hơn.  

Quảng Ngãi 2.jpg
Người dân xã Ba Vì (Ba Tơ) đến làm các thủ tục hành chính tại UBND xã. Ảnh: BS

Theo Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Phạm Giang Nam, trong năm 2024, huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp quyết liệt, cụ thể nhằm đạt các mục tiêu CĐS, trong đó có các mục tiêu phát triển kinh tế số, xã hội số. Nhờ đó, kinh tế số, xã hội số trên địa bàn huyện đang từng bước được hình thành và phát triển, nhiều hình thức kinh doanh, dịch vụ mới dựa trên nền tảng số được ra đời. Người dân, doanh nghiệp đã hình thành thói quen thực hiện dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, ứng dụng các nền tảng số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của huyện hoạt động ổn định, duy trì kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Việc tiếp nhận và trả kết quả 100% bằng hình thức trực tuyến đã làm thay đổi nhận thức của người dân về CĐS. Giờ đây, người dân ngồi tại nhà vẫn nộp hồ sơ đề nghị giải quyết TTHC trực tuyến thông qua ứng dụng VNeID trên điện thoại thông minh có kết nối Internet.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND huyện Ba Tơ, đến nay, tỷ lệ hồ sơ phát sinh dịch vụ công trực tuyến một phần đạt 100% và toàn trình đạt 99,6%; tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến trên toàn huyện đạt hơn 94%, đứng vị trí thứ 4/13 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Tỷ lệ hồ sơ TTHC được giải quyết đúng và trước hạn tại bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã đạt 97%. Hiện nay, 100% cơ quan nhà nước cấp huyện và cấp xã đều triển khai chữ ký số liên thông 4 cấp.

Cán bộ phụ trách bộ phận một cửa xã Ba Vì (Ba Tơ) Nguyễn Bá Tài cho biết, để nâng cao nhận thức của người dân về CĐS, xã đẩy mạnh truyền thông với nhiều hình thức phong phú. Trong đó, tổ công nghệ số cộng đồng tập trung tuyên truyền về CĐS, góp phần nâng cao kỹ năng tiếp cận công nghệ thông tin của người dân để thực hiện việc nộp hồ sơ trực tuyến thông qua ứng dụng VNeID trên điện thoại thông minh. Hiện nay, phần lớn người dân có tài khoản định danh điện tử mức độ 2; hầu hết người dân khám, chữa bệnh BHYT có sử dụng căn cước công dân gắn chíp hoặc VNeID. Xã cũng đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các hộ kinh doanh bán lẻ trên địa bàn xã ứng dụng các nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt như: Viettel Pay, VNPT Money, Agribank Banking, Zalo Pay...

Với sự quyết tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các huyện miền núi đang từng bước tháo gỡ khó khăn, thu hẹp khoảng cách số giữa các vùng miền và mang đến nhiều tiện ích cho người dân, doanh nghiệp nhờ công nghệ số.

Theo B.SƠN - K.NGÂN (Báo Quảng Ngãi)