Trong 12 tháng qua, Nguyễn Trọng Hoàng (24 tuổi), hiện là nhà tư vấn truyền thông tự do tại Hà Nội, có 7 lần thay đổi công việc. Nơi Hoàng gắn bó lâu nhất là 3 tháng, còn rời bỏ nhanh nhất chỉ sau 3 tuần.
“Năm vừa rồi, mình có nhiều biến động về sức khỏe tâm lý, dẫn đến sức khỏe thể chất cũng suy kiệt nhiều. Tất cả đến từ việc mình đòi hỏi quá nhiều ở một công việc như môi trường phải lớn, phát triển, bình đẳng, tự do giờ giấc, lương thưởng, bảo hiểm tốt… nhưng quên mất bản thân thực sự cần và thích gì”, Hoàng nói với Zing.
Thực tế, Hoàng không tự hào khi nhảy việc liên tục. Nhưng cùng lúc, Hoàng không hối tiếc vì tất cả đều đóng góp vào sự trưởng thành, giúp hiểu rõ mong muốn, thế mạnh của bản thân.
Giảm gắn kết
Hoàng không phải người trẻ duy nhất tham gia làn sóng nhảy việc trong thời gian qua.
Trong cuộc khảo sát “Microsoft’s Work Trend Index” với 30.000 người lao động ở 31 quốc gia vào tháng 12/2021, hơn 40% cân nhắc rời bỏ công việc đang làm để tìm kiếm môi trường mới.
Theo dữ liệu của Anphabe từ quý II đến hết quý III/2020, nhiều nhân sự tại Việt Nam ngày càng giảm gắn kết với công ty. Điều này diễn ra liên tục trong vòng 5 năm, từ 71% năm 2016 xuống còn 53% năm 2020. Có 35,1% người lao động nuôi ý định nhảy việc vào năm 2021, trong khi năm 2018 tỷ lệ này là 24%.
Một nghiên cứu khác của CareerBuilder năm 2021 cho thấy Gen Z (những người sinh từ năm 1997 trở đi) dành trung bình 2 năm 3 tháng cho một công việc, trong khi Millennials (1981-1996) làm lâu hơn mức đó 6 tháng, Gen X (1965-1980) gắn bó 5 năm và Baby Boomer (1946-1964) duy trì khoảng 8 năm.
Trọng Hoàng nhảy việc liên tục trong năm qua để xác định điều bản thân mong muốn. Ảnh: NVCC. |
Sau 7 lần nghỉ việc trong một năm qua, bên cạnh hiểu rõ mong muốn của bản thân và cải thiện sức khỏe tâm lý, Hoàng còn nhận ra giá trị của sự tử tế và cống hiến.
“Mình sẵn sàng trả giá để theo đuổi mong muốn, thừa nhận bản thân sai để làm lại, bước chậm lại để đi được xa hơn. Đến bây giờ, mình tin bản thân đang ở vị thế khá cân bằng, ổn định và sự kiên trì góp phần lớn tạo nên điều đó”.
Tuy vậy, khi ứng tuyển công việc mới, Hoàng không ghi 7 lần nhảy việc gần nhất vào CV. Lý do là Hoàng cảm thấy bản thân chưa đóng góp được gì đáng kể cho các công ty cũ.
Ngoài ra, theo Hoàng, HR có thể e ngại tuyển dụng người nhảy việc liên tục.
“Mình tôn trọng và chấp nhận mọi quyết định từ nhà tuyển dụng. Về bản thân, mình thẳng thắn chia sẻ những gì bản thân có. Với mình, nhà tuyển dụng có quyền chọn ứng viên và ứng viên cũng có quyền chọn nhà tuyển dụng”.
Theo Hoàng, người trẻ nên nhìn nhận chuyện nghỉ việc dưới góc độ thẳng thắn, công bằng. Trước khi đưa ra quyết định, họ phải hiểu bản thân mong muốn và cần gì để chọn hoặc nhảy việc hay không. Bên cạnh đó, dù thời gian gắn bó ngắn hay dài, đóng góp hết mình cho công ty cũng là điều nên làm.
Thị trường lao động thay đổi
Trao đổi với Zing, chị Phạm Linh, phụ trách chi nhánh một công ty chuyên nhập khẩu và phân phối thực phẩm cao cấp tại Việt Nam, cho biết chị không ngạc nhiên nếu gặp ứng viên nhảy việc 6-7 lần/năm trong quá trình tuyển dụng.
Theo chị Linh, với ứng viên nhảy việc quá dày trong thời gian ngắn, người làm tuyển dụng nói chung thường e ngại. CV đó sẽ gây chú ý cao nhưng lại được xếp sau các hồ sơ khác trong danh sách ứng viên được lựa chọn phỏng vấn.
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, thị trường lao động thay đổi rất nhiều. Quan điểm về tuyển dụng và cách đánh giá ứng viên cũng có nhiều điều mới.
“Đã xa rồi cái thời ai cũng muốn tìm công việc ổn định. Khái niệm ổn định càng trở nên mơ hồ, có thể kìm hãm sự phát triển năng lực và sức sáng tạo nếu đó là sự ổn định không đúng chỗ”, chị nói.
Với chị Linh, trúng tuyển vào nơi mong muốn chỉ là bước đầu tiên trong hành trình phát triển. Bởi vậy, khi làm việc một thời gian mà thấy môi trường không phù hợp, không hoặc ít có cơ hội phát huy điểm mạnh của bản thân, khó có sự kết nối tích cực giữa đồng nghiệp và lãnh đạo thì dù có đãi ngộ tốt, người lao động cũng nên dũng cảm tìm mảnh đất mới.
“Bản thân tôi không có định kiến với ứng viên nhảy việc. Khi gặp CV phù hợp nhưng lịch sử thay đổi công việc liên tục, tôi sẽ bỏ nhiều thời gian hơn để trao đổi, nắm bắt nhiều thông tin nhất có thể. Nếu lý do nhảy việc lại là điểm mạnh công ty đang có hoặc có thể đáp ứng, cơ hội trúng tuyển không bị ảnh hưởng”, chị nói.
Chị Phạm Linh cho rằng người lao động nên chuyển đổi môi trường làm việc nếu không hài lòng với công việc hiện tại. Ảnh: Phương Lâm. |
Chị Linh không khuyến khích nhảy việc 6-7 lần/năm. Bởi nếu người lao động biết rõ điểm mạnh bản thân, có định hướng, tìm hiểu kỹ công việc và công ty nơi ứng tuyển, họ sẽ không phải nhảy việc nhiều.
Về phía doanh nghiệp, việc không ngừng đào tạo, bồi đắp cho nhân viên về cả nghiệp vụ, phúc lợi và tinh thần là rất quan trọng để tránh tình trạng nghỉ việc ồ ạt.
Chị Linh đánh giá thị trường lao động đã có bước ngoặt lớn kể từ trong và sau dịch, cùng với sự phát triển của công nghệ số tạo điều kiện cho nhà tuyển dụng và ứng viên tiếp cận gần nhau, nhanh chóng và chất lượng hơn.
“Những doanh nghiệp có bộ phận nhân sự nhạy bén thay vì tìm cách giữ chân nhân viên thì đã có những chiến lược thu hút và phát triển nhân sự chất lượng để họ tự nguyện gắn bó và không ngừng học hỏi để phát triển cùng doanh nghiệp. Ứng viên nhảy việc ít hay nhiều không còn là tiêu chí ảnh hưởng nhiều đến quyết định tuyển dụng nữa”, chị kết luận.
(Theo Zing)