Những “Hai Lúa” miền Tây xuất ngoại đánh bạc thường là thua trắng, phải cầm cố tài sản mang theo người để có tiền chơi tiếp. Đến khi hết cả tài sản, những “con cháu thằng Bần” cầm cả mạng của mình để lấy tiền chơi bài.

TIN BÀI KHÁC


Chuyến xuất ngoại đau buồn


Một ngày cuối tháng 7-2011, tôi trở lại các casino bên kia cửa khẩu Bình Hiệp (huyện Mộc Hoá, Long An). Mục đích chuyến đi của tôi là tìm hiểu nạn “cầm mạng” lấy tiền đánh bạc đang gây xôn xao dư luận sau vụ “lá thư có ngón tay” ở tỉnh Bến Tre. Đến thị trấn Mộc Hoá, một người quen có “số má” ở casino cho tôi biết, sau vụ “Liễu casino” (bà Thuý Liễu - vợ của nhà báo Hoàng Hùng), khách đi casino giảm mạnh, thời gian gần đây đã phục hồi dần, tuy vẫn thấp hơn nhiều so với trước.

Xe đưa đón miễn phí - một hình thức thu hút các con bạc
Các cơ quan quản lý cửa khẩu Bình Hiệp đang thực hiện biện pháp mạnh để ngăn chặn nạn qua biên giới đánh bạc, đó là lập danh sách những người thường xuyên qua casino để báo về địa phương và gia đình họ. Đã có trường hợp người chồng suốt ngày lo làm ăn, nhờ giấy báo của chính quyền mới biết vợ mình thường đi casino...

Do sự quản lý qua lại của khẩu “phiền phức” như vậy, nên thời gian gần đây, phần nhiều các con bạc chọn cách đi “chui”. Một chiếc xe ôm đã chở tôi đi đường “chui” theo ngả Tầm Đuôn. Vừa qua khỏi ngã ba Bình Hiệp, cách cửa khẩu chừng nửa cây số, xe rẽ vào con đường liên ấp cây cối um tùm, chạy ngoằn ngoèo chừng 3 – 4 cây số đến một bến sông.

Chiếc xuồng máy thiếu mọi trang bị bảo hiểm đã chở hơn 10 khách ngang qua con sông rộng khoảng 30m, phía bên kia là đất Campuchia. Lên bờ, một chốt kiểm soát thu phí mỗi người 115.000 đồng - cao hơn chi phí qua cửa khẩu (từ 50.000 - 100.000 đồng).

Từ bến sông, chúng tôi đi bộ khoảng 1 cây số để vào tới khu vực casino. Trên đường đi, tôi tranh thủ hỏi chuyện một “con bạc” trạc 50 tuổi. Thật bất ngờ, khi người đàn ông tên M ở huyện Cái Bè (Tiền Giang) cho biết, ông sang casino không phải để đánh bạc, mà là để “chuộc mạng” đứa con trai.

Ông kể, cậu con trai tên N của ông đã có vợ con, bị bạn bè rủ rê sang casino đánh bạc, thua sạch túi, đã “cầm mạng” để đánh tiếp. Anh ta đã gọi điện thoại về nhà xin vay tiền qua chuộc “mạng”. Vợ chồng ông M đã phải vay nóng 70 triệu đồng để qua chuộc con. Ông M than: “Lần đầu tiên tôi xuất ngoại, nhưng rất đau buồn”.

Tôi xin làm “người nhà” của ông M để tiếp cận bọn “cầm mạng” các con bạc. Ông M cho biết, theo lời hẹn qua điện thoại, ông cầm tiền đến căngtin của casino 333, sẽ có người đến liên hệ cho “chuộc mạng” con. Tôi và ông M vào căngtin gọi nước uống. Thật lạ là họ không lấy tiền nước, không cần biết là chúng tôi có đánh bạc hay không.

Khoảng 15 phút sau, một phụ nữ tới hỏi chúng tôi: “Có phải mấy anh là người nhà anh N?”. Ông M gật đầu. Người phụ nữ hỏi tiếp: “Ông có mang đủ 70 triệu đồng?”. Ông M lại gật đầu. Người phụ nữ nói: “Xin ông trao tiền rồi ra ngoài kia đón con”.

Tôi chen vào: “Có gì chắc là em tôi sẽ được thả sau khi giao tiền”. Người phụ nữ trả lời: “Chúng tôi làm ăn uy tín, anh an tâm”. Tôi không chịu thua: “Chúng tôi cần nói chuyện với N”. Chần chừ một lúc, bà ta bấm điện thoại, nói nhỏ gì đó, rồi trao điện thoại cho chúng tôi. Ông M nói vài câu với con, xong móc túi lấy tiền, vừa trao, ông vừa nói run run: “Tiền đây, xin mấy người cho tui rước nó về”. Người phụ nữ đếm nhanh xấp tiền, xong vừa đi nhanh vừa nói: “Ông ra chỗ kia đón con”.

Tôi và ông M ra phía trước, không phải đợi lâu, N đã xuất hiện từ phía dãy nhà trọ. Gặp con, ông M không một tiếng la rầy, chỉ hỏi: “Con có sao hôn?”. Người con nước mắt rưng rưng trả lời: “Con hổng sao, con xin lỗi ba!”.

Tôi xin “cầm mạng”

Chia tay cha con ông M, tôi lân la vào các sòng bạc. Trong bộ dạng thất thểu của kẻ thua bạc, tôi ra cổng sau của casino nhờ người vệ sĩ chỉ giúp chỗ vay tiền. Người vệ sĩ bấm điện thoại, chưa tới 1 phút sau đã có người đàn ông tới đon đả chào mời. Ông ta đưa tôi vào căn phòng tạm bợ phía sau casino. Sau vài lời hỏi han quê quán, hoàn cảnh, ông ta hỏi tôi cần vay bao nhiêu.

Tôi hỏi lại: “Ông có thể cho vay nhiều nhất bao nhiêu, lãi suất thế nào?”. Quan sát bộ dạng tôi một lúc (như để thẩm định khả năng trả nợ), ông ta nói: “Mười ngàn đôla, lãi 10%/tháng”, rồi ông ta đưa cho tôi mẫu giấy vay nợ, trong đó, ngoài tên tuổi người vay và người cho vay, số tiền vay, thời hạn trả, còn có “điều khoản” tối quan trọng là: “Nếu đến ngày hẹn tôi không trả được số tiền nêu trên thì tôi đồng ý ở lại khi nào tôi trả xong nợ tôi mới về”.

Cảnh đánh bạc trong casino
Cuối tờ giấy còn có câu: “Khi viết giấy này tôi hoàn toàn khoẻ mạnh, tỉnh táo và tự nguyện không chịu áp luật (viết sai chữ “lực”) nào...”. Tôi hỏi: “Nếu tôi thua sạch, rồi không tiền trả thì sao?”. Ông ta vừa cười vừa nói: “Anh được ở đây ăn nghỉ đàng hoàng, đợi gia đình đem tiền qua trả rồi về”. Như để khoe sự làm ăn uy tín của mình, người đàn ông rút ra mấy tấm giấy mượn tiền nói: “Đây, mấy vụ tôi cho vay vừa giải quyết xong...”.

Tôi tranh thủ ghi nhớ tên, địa chỉ vài “khách hàng” ghi trong giấy. Tôi tiếp tục khai thác: “Nghe nói nếu tôi mượn mà không có tiền trả, các ông sẽ cắt thận tôi bán trừ nợ...”. Người đàn ông cười nói: “Người ta đồn vậy thôi. Làm gì có chuyện “bất nhơn” đó. Mà có bao nhiêu đâu, vài trăm triệu ai mà hổng có. Tui chưa khi nào gặp trường hợp mượn mà không chịu trả”. Tôi khai thác tiếp: “Nếu tôi không có tiền trả, trong thời gian chờ đợi, mấy ông nhốt tôi ở đâu?”.

Dường như câu hỏi ấy của tôi hơi “lộ” nên người đàn ông có vẻ dò xét. Sau đó, ông ta nói rằng đang có chuyện cần phải đi. Tôi cũng thấy hơi “lạnh gáy” nên đi nhanh qua casino Darling kề bên. Bây giờ tôi mới có thời gian quan sát các casino. So với cách đây 6 tháng, bây giờ các casino đầu tư tươm tất, sạch đẹp hơn, nhưng khá vắng khách. Các trường gà không còn ồn ào, sôi động như trước. Ngoài Darling và 333, ở đây còn 2 casino khác là Rubi và Lucky.

Ba lần “bán mạng”

Theo tên tuổi, địa chỉ đọc được ở casino 333, tôi tìm đến thị trấn Tân Trụ (huyện Tân Trụ, tỉnh Long An). Cái tên P.T.N không lạ gì đối với người dân Tân Trụ. Anh mới 20 tuổi, không nghề nghiệp ổn định, cha mẹ là lao động nghèo. Không phải một, mà đến ba lần N đi casino thua sạch túi, phải “cầm mạng”, cha mẹ anh phải vay mượn, bán ruộng đất qua casino chuộc con về. Bà V.T.T - mẹ của N - cho biết, khi N bị giam giữ đến lần thứ ba, bà đã chạy vạy khắp nơi nhưng không kiếm đâu ra số tiền 3.000USD để trả nợ chuộc con, nên bà tắt điện thoại, tới đâu thì tới.

Nhưng cuối cùng tình thương của người mẹ đã buộc bà lại chạy vay tiền. Theo lời kể của N, ngày 26-5-2011 anh cùng bạn bè đi đánh bạc casino. Khi thua hết tiền, anh đã vay 30 triệu đồng và cũng thua hết. Ngày 30-5, bà T đã cùng chồng mang tiền qua biên giới chuộc con về. Chỉ vài ngày sau, N tiếp tục lén đi casino để “gỡ” và lại diễn ra cảnh cũ. Sau 3 lần “lỡ dại”, có lẽ người thanh niên nông thôn này đã “tỉnh ngộ”, thề với gia đình sẽ không dám trở lại casino.

Đến thị trấn Tân Hưng (huyện Tân Hưng, Long An), tôi không khó để hỏi thăm về người thanh niên tên P - là con của hai vợ chồng đều là bác sĩ. P đã đi casino và thua sạch túi, phải “cầm mạng” với giá 200 triệu đồng. Sau khi được gia đình bỏ tiền ra chuộc đem về, “cậu ấm” tỏ ra ăn năn hối hận, tự cạo trọc đầu để “tu thân”. Thế nhưng, khi tóc chưa kịp mọc lại thì người ta đã thấy P có mặt bên casino...

Tại thị trấn Tân Thạnh (huyện Tân Thạnh, Long An), cậu học sinh THPT tên T cũng vì “ham vui” theo bạn bè sang casino chơi, đến nỗi phải có tên trong xấp giấy nợ “cầm mạng” 100 triệu đồng...

Chuyện đi casino đánh bạc thua cháy túi phải “cầm mạng” đang làm cho nhiều gia đình nông thôn khốn khổ. Đó không còn là chuyện cá biệt, mà ngày càng lan rộng, phổ biến, dù chính quyền các địa phương đã rất cố gắng ngăn chặn. Có lẽ câu chuyện này đang đòi hỏi những cách giải quyết căn cơ hơn, so với những biện pháp hành chính không thật hiệu quả hiện nay.


(Theo Lao Động)