- Mỗi năm nhà nước chi hàng ngàn tỷ đồng nhưng số tiền đó chỉ đủ rà phá khoảng 2.000ha/năm. Với khả năng đó, phải 300 năm nữa mới có thể dọn sạch 6,6 triệu ha đất còn ô nhiễm bom mìn ở Việt Nam.

Đây là phát biểu của Trung tướng Nguyễn Đức Soát, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Chủ tịch Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam trong chương trình hỗ trợ nạn nhân bom mìn tại Vị Xuyên, Hà Giang hôm 6/2.

Theo Trung tướng Nguyễn Đức Soát: “Nhà nước đã chi hàng ngàn tỷ đồng cho việc rà phá bom mìn, hàng trăm tỷ hỗ trợ gia đình các nạn nhân hàng năm. Song số tiền đó chỉ đủ để rà phá khoảng 2000 ha/năm. Với khả năng đó, phải 300 năm nữa mới có thể dọn sạch 6,6 triệu ha đất còn ô nhiễm bom mìn tại Việt Nam”.

Với chủ đề "Xuân về trên bãi mìn xưa", Hội đã phối hợp với Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng tỉnh Hà Giang tiến hành đo, lắp 35 bộ chân tay giả cho nạn nhân bom mìn trên địa bàn huyện Vị Xuyên và trao hơn 100 phần quà cho học sinh nghèo trường Trung học cơ sở xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên.

Cách TP Hà Giang chỉ hơn 20 km, Vị Xuyên là một trong nhiều địa danh khác ở Việt Nam hiện nay đang chịu ảnh hưởng nặng nề của ô nhiễm bom mìn.

Chiến tranh đã qua đi hàng thập kỉ trên mảnh đất này, thế nhưng hôm nay bom mìn vẫn như tử thẩn thầm lặng rình rập nơi đây.

{keywords}
Anh Lục Xuân Ngọc (Thanh Thủy, Vị Xuyên, Hà Giang), một trong các nạn nhân đang được các bác sĩ chỉnh hình đo lấy mẫu lắp chân giả

Người dân cho đến hôm nay vẫn ngày ngày đối mặt với hiểm nguy, có người bỏ mạng vì vô tình dẫm phải bom mìn, người thì vì khai thác bom mìn làm phế liệu mà mất chân, cụt tay.

{keywords}
Đại tá Phan Đức Tuấn dạy cho các em học sinh về cách phòng tránh bom mìn

{keywords}
Nạn nhân Bồn Văn Hòn (51 tuổi, Nậm Ngặt, Vị Xuyên, Hà Giang) bị cụt cả 2 chân được trao tặng xe lăn.

Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Giang, đến hết năm 2014, trên địa bàn tỉnh có 395 người là nạn nhân của bom mìn còn sót lại sau chiến tranh, trong đó 230 người đã tử vong.

Minh Đức