Ngày 20/3, tại hội thảo do Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia tổ chức, bác sĩ chuyên khoa II Ngô Văn Tuất, Trưởng phòng Phòng Điều trị Tâm thần phân liệt, chia sẻ: "Người bệnh tâm thần phân liệt nếu không được điều trị sẽ rơi vào trạng thái 'nhặt lá, đá ống bơ' mà dân gian chúng ta hay gọi".

Ông cũng cho biết bệnh hay xảy ra ở người trong độ tuổi lao động. Tuy nhiên, một trường hợp khởi phát sớm (ở lứa tuổi vị thành niên) hoặc muộn hơn (sau 40 tuổi).

Làm việc bình thường nhờ điều trị tốt

Trường hợp đầu tiên là một nữ nhà báo 50 tuổi, sống tại Hà Nội. Nhờ điều trị bệnh tốt, bệnh nhân vẫn có thể làm việc bình thường. Bác sĩ Tuấn cho biết bệnh nhân thi thoảng có đợt cấp tính phải vào viện. Do đã được bác sĩ tư vấn về các dấu hiệu bệnh tái phát nên khi có biểu hiện bất thường, người phụ nữ này nhập viện điều trị ngay. Nhờ đó, thời gian ở viện chỉ vài ngày, tình trạng sức khỏe cải thiện nhanh. Sau đó, chị vẫn quay về làm việc bình thường.

Một trường hợp khác là bệnh nhân nam H.K. (32 tuổi, quê Nam Định) làm công việc tự do.  Anh có tiền sử khỏe mạnh, tính cách hiền lành, hướng nội. 

Khoảng 2 năm nay, người nhà thấy bệnh nhân ít nói hơn, chậm chạp, ít giao tiếp ngay cả với anh em, họ hàng. Khi gia đình có các cuộc vui, anh K. đều né tránh. Hằng ngày, anh ở nhà dọn dẹp nhà cửa, ít đi làm nhưng tình trạng ngày càng nặng hơn. Anh hay ở nhà một mình, không tiếp xúc với ai, dễ cáu gắt, nói chuyện lẩm bẩm một mình. Ban đêm, bệnh nhân không ngủ và cho rằng có người giám sát, muốn hại mình. Đôi khi, bệnh nhân tỏ ra sợ hãi, đập phá đồ đạc.

Bác sĩ Tuất thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Phương Thúy

Tại viện, bác sĩ chẩn đoán anh bị tâm thần phần liệt. Sau khi sức khỏe ổn định, anh K. được xuất viện. Tuy nhiên, sau một thời gian điều trị ngoại trú, nghĩ mình đã khỏi nên anh dừng thuốc. Khoảng 2 tháng trước, bệnh nhân gặp khó khăn trong công việc. Tình trạng căng thẳng khiến anh lại có xuất hiện dấu hiệu bất thường, phải tiếp tục điều trị bằng thuốc an thần kinh.

Biện pháp chữa trị

Tiến sĩ, Bác sĩ Vũ Thy Cầm, Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia, cho biết tâm thần phân liệt là bệnh loạn thần nặng, tiến triển từ từ có khuynh hướng mãn tính khiến khả năng làm việc, học tập của người bệnh ngày càng giảm sút. Người bệnh khó hòa nhập với gia đình và xã hội. Bệnh nhân có các đợt loạn thần, khả năng tái phát rất cao.

Theo chuyên gia này, nhiều phương pháp điều trị bệnh như sử dụng thuốc an thần kinh, các liệu pháp tâm lý, điều biến não... Tuy nhiên, bệnh nhân cần tuân thủ dùng thuốc và các biện pháp chăm sóc khác để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất. 

Bác sĩ Tuất cho biết người mắc tâm thần phân liệt không được điều trị sẽ dẫn tới nhiều hậu quả như nguy cơ kháng trị, đáp ứng thuốc kém, tăng nguy cơ tự sát. Ở giai đoạn cấp, bệnh nhân thường bị hoang tưởng ảo giác, thậm chí kích động tấn công những người xung quanh. Vì vậy, bệnh nhân cần được đưa tới các cơ sở y tế sớm để điều trị kịp thời.