Beefurni đặt mục tiêu phát triển kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới dài hạn bằng cách đăng ký và phát triển thương hiệu riêng, mang các sản phẩm gỗ nội ngoại thất Việt Nam ra thị trường quốc tế trên Amazon.

Xuất khẩu gỗ là thế mạnh của Việt Nam 

Mỗi năm, ngành gỗ Việt Nam xuất khẩu trung bình trên 10 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 5 trên thế giới về chế biến, xuất khẩu gỗ. Ghi dấu ấn từ các sản phẩm thô đến sản phẩm có tính hoàn thiện cao, Việt Nam hiện là một trong các nhà xuất khẩu gỗ hàng đầu thế giới vào Mỹ. Thị trường xuất khẩu đồ gỗ Việt đã được mở rộng đến 120 quốc gia và vùng lãnh thổ vào năm 2022, trong đó Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất của Việt Nam.

Thông qua nhiều hoạt động sôi nổi hàng năm như hội chợ, triển lãm thương mại quốc tế, các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ, nội ngoại thất trong nước đã tìm kiếm các cơ hội kết nối với đối tác nước ngoài, tạo điều kiện cho ngành này phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam đa phần mới chỉ tập trung gia công cho thương hiệu khác hoặc xuất khẩu bán buôn hơn là khai thác tiềm năng xuất khẩu bán lẻ trực tiếp cho khách hàng ở thị trường nước ngoài. Kết quả là việc ngành gỗ nội - ngoại thất Việt đứng trước thách thức chậm chuyển đổi do thiếu kinh nghiệm và nguồn lực để chuyển mình trong giai đoạn số hóa sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, đặc biệt trong giai đoạn đại dịch khi chuỗi cung ứng truyền thống đứt gãy, gián đoạn.

Nhìn thấy và muốn “giải bài toán” này, Beefurni - doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ nội ngoại thất Việt Nam, đã hòa vào dòng chảy thương mại điện tử xuyên biên giới, tự phát triển và xây dựng thương hiệu riêng, tiếp cận trực tiếp với khách hàng, tạo giá trị bền vững cho doanh nghiệp, từ đó giúp doanh nghiệp tiến hành chuyển đổi số, bắt kịp với thời đại công nghệ hiện nay.

Ngành gỗ Việt Nam xuất khẩu trung bình trên 10 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 5 trên thế giới về chế biến, xuất khẩu gỗ.

Hành trình từ gia công đến xuất khẩu và làm chủ thương hiệu

Tiền thân là một nhà sản xuất, Beefurni có bề dày kinh nghiệm trong gia công sản phẩm đồ gỗ nội ngoại thất cho khách hàng nước ngoài. Tuy nhiên, doanh nghiệp luôn trăn trở khi nhìn thấy thực tế dù bán được hàng nhưng sản phẩm của họ không có giá trị thương hiệu, không trực tiếp nắm bắt được thị hiếu người dùng và thị trường mà phải thông qua các đối tác mua hàng sỉ. Giai đoạn đại dịch cũng đặt ra thách thức sinh tồn cho doanh nghiệp sản xuất khi các đơn đặt hàng giảm, quy trình vận hành xuất nhập khẩu gián đoạn, Beefurni được thành lập với mục tiêu tự xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình, tìm hướng tiếp cận khách hàng quốc tế, mở ra một hướng kinh doanh mới thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới. 

Theo anh Nguyễn Phú Vương, trưởng nhóm Marketing của Beefurni trên kênh Amazon, có ba yếu tố quyết định thành công của doanh nghiệp khi kinh doanh trên Amazon. Thứ nhất, đó là xây dựng được thương hiệu riêng của mình. Thứ hai, liên tục cải tiến sản phẩm dựa vào phản hồi trực tiếp của khách hàng với lợi thế nắm toàn bộ quy trình sản xuất. Thứ ba, cung cấp trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng để từ đó nhận được những đánh giá tích cực, gia tăng tệp khách hàng trung thành quay trở lại mua sắm. 

Về sản phẩm, từ việc nghiên cứu thói quen mua sắm của khách hàng trên Amazon và hiểu về cách thức vận hành thương mại điện tử xuyên biên giới, Beefurni chọn các sản phẩm gỗ gia đình nhỏ gọn, có thể tối ưu kích thước khi đóng gói và vận chuyển, gồm phụ kiện nhà bếp như thớt gỗ, giá kệ gỗ, bàn ghế gỗ gấp gọn, vỉ gỗ lót sàn ngoài trời để kinh doanh trên Amazon. 

Beefurni chọn các sản phẩm gỗ gia đình nhỏ gọn, có thể tối ưu kích thước khi đóng gói và vận chuyển, gồm phụ kiện nhà bếp như thớt gỗ, giá kệ gỗ, bàn ghế gỗ gấp gọn...

Beefurni đặt mục tiêu phát triển kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới dài hạn bằng cách đăng ký và phát triển thương hiệu riêng, mang các sản phẩm gỗ nội ngoại thất Việt Nam ra thị trường quốc tế trên Amazon - nền tảng có lợi thế lớn về khách hàng, tính chuyên nghiệp và tỉ lệ chuyển đổi cao. Beefurni đã tham gia chương trình Brand Registry - Đăng ký thương hiệu trên Amazon để bảo vệ quyền sở hữu thương hiệu, xây dựng lòng tin và sự gắn bó của khách hàng đối với thương hiệu. Doanh nghiệp cũng chú trọng đầu tư hình ảnh, sản xuất các video minh họa tính năng, lợi ích và cách thức sử dụng tối ưu sản phẩm, tận dụng các giải pháp quảng cáo giúp tăng sự hiện diện của thương hiệu, thu hút sự chú ý của khách hàng khi tìm kiếm sản phẩm, từ đó từng bước tăng tỉ lệ chuyển đổi từ khách xem thành khách hàng trên Amazon.

Beefurni dành nhiều thời gian lắng nghe khách hàng và đo lường phản hồi thị trường, từ đó đánh giá mức độ đáp ứng của các sản phẩm hiện có với mong muốn của khách hàng để điều chỉnh thiết kế, kích thước và đặc tính của sản phẩm. Qua Amazon, Beefurni có thể đọc các phản hồi trực tiếp của khách hàng, từ đó cải tiến sản phẩm nhanh chóng, rút ngắn thời gian từ 6 tháng nếu bán hàng qua trung gian phân phối xuống còn 1 tháng khi là nhà sản xuất trực tiếp kinh doanh sản phẩm từ thương hiệu của mình. Không dừng lại ở đó, Beefurni còn cung cấp chính sách bảo hành tối thiểu 365 ngày cho các sản phẩm có lỗi liên quan đến khâu sản xuất của nhà máy. Đây cũng là lợi thế cạnh tranh vượt trội so với các nhà phân phối khác khi Beefurni chủ động trong cả sản xuất và kinh doanh. 

Trong 10 tháng đầu năm 2022, kết quả kinh doanh của Beefurni đã tăng gần 300% so với cùng kỳ năm trước. Không phụ thuộc hoàn toàn vào các đơn hàng gia công sỉ, với lượng đơn hàng từ Amazon, công suất của nhà máy đã tăng lên đáng kể, kế hoạch sản xuất trong nhà xưởng cũng ổn định hơn, đáp ứng nhu cầu công việc tốt hơn cho công nhân. So sánh với giai đoạn mới gia nhập thương mại điện tử xuyên biên giới, chi phí kho bãi, vận chuyển, thời gian và nguồn lực để vận hành trong thời điểm hiện tại cũng đã được Beefurni tối ưu hơn trước, tận dụng những dịch vụ hiệu quả và các chương trình dành cho nhà bán hàng trên Amazon. 

“Mục tiêu của Beefurni là phủ sóng thương hiệu trên khắp nước Mỹ, sau đó mở rộng việc bán hàng trên Amazon đến các khu vực khác như UK hoặc Singapore hay Nhật Bản trong thời gian tới”, anh Nguyễn Phú Vương, đại diện Beefurni cho biết.

Câu chuyện của Beefurni phản ánh một bức tranh chuyển đổi của các nhà sản xuất truyền thống tại Việt Nam, chủ động tìm hướng đi mới để thích nghi với môi trường kinh doanh toàn cầu trong giai đoạn chuyển đổi số mạnh mẽ. 

Nguyễn Thái Khang, Nguyễn Xuân Ngọc, Trần Thị Thu Hằng, Nguyễn Mạnh Hưng, Bùi Bình Minh