Ngôi làng Pili với hơn 400 cư dân du mục và nông dân nằm nép mình trên ngọn núi Pamir giáp ranh giữa Trung Quốc, Tajikistan và Afghanistan. Cứ một năm bốn lần, 80 học sinh (từ 6 tới 17 tuổi) từ ngôi làng này lại phải vượt qua con đường cheo leo trên vách núi ở độ cao 300 m để tới được lớp học.
TIN BÀI KHÁC:
Anh phá âm mưu tấn công liều chết ở Libya thế nào?
Nhà Trắng bị tấn công bằng AK-47
Con đường cheo leo mà các em nhỏ ở làng Pili phải đi qua để tới trường.
Ngôi trường của bọn trẻ lại cách đó gần 200 km, trong đó có tới nửa quãng đường không thể sử dụng bất cứ phương tiện giao thông nào để di chuyển ngoài cách đi bộ hoặc cưỡi lạc đà.
"Chỉ có một con đường duy nhất để tới làng và bạn phải trèo qua triền núi"-Su Qin, hiệu trưởng trường nội trú Taxkorgan cho biết. "Ngôi làng hoàn toàn biệt lập. Những con đường chỉ dẫn bạn ra xa hơn mà thôi".
Vì thế, mỗi năm bốn lần, trước và sau khi nghỉ hè, đông, một nhóm giáo viên lại được cử tới để đưa học sinh tới trường. Phải mất ít nhất hai ngày và một đêm để đi bộ, đôi khi bọn trẻ đến trường khi học kỳ mới đã bắt đầu cách đó một tuần.
Chặng đường nguy hiểm nhất là đi qua vách núi chỉ rộng vài chục cm ở độ cao 300. Các giáo viên phải đưa lần lượt từng em nhỏ vượt qua quãng đường này mà không hề có thiết bị an toàn nào hỗ trợ.
Tiếp đó, các em học sinh phải vượt qua bốn con sông chảy siết bằng một sợi dây cáp dài chừng 200 m và những chiếc cầu tạm được ghép từ những miếng gỗ đơn. Thường thì các giáo viên sẽ cõng những em nhỏ nhất trên lưng để vượt qua chặng đường gian nan này. Mặc dù đã hết sức cẩn trọng nhưng thỉnh thoảng vẫn có em bị rơi xuống dòng nước lạnh giá.
"Trên thực tế, hầu hết các bậc phụ huynh nghĩ rằng việc này sẽ khiến bọn trẻ dẻo dai hơn và có được những kinh nghiệm tốt"-cô Su cho biết. "Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một vài người cấm con đi học. Họ bị tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài nên không hiểu được tầm quan trọng của kiến thức đối với cuộc sống của bọn trẻ như thế nào".
Cô Su cũng cho biết thêm trong 2 năm qua không hề có tai nạn đáng tiếc nào xảy ra trên đường tới trường. "Chúng tôi đảm bảo rằng đội ngũ giáo viên và chính quyền địa phương đã nâng cao tinh thần trách nhiệm để có thể bảo vệ tốt nhất cho các em học sinh".
"Mùa đông sẽ an toàn hơn vì bọn trẻ có thể bước trên sông băng. Chúng không cần phải trèo qua vách núi và đi đường vòng"-cô Su nói. "Thỉnh thoảng các em cũng có thể cưỡi ngựa hoặc lạc đà".
Guo Yukun, bí thư đảng uy địa phương cho biết con đường tới làng Pili đang được xây dựng. Tuy nhiên do địa hình khó khăn nên phải tới cuối năm 2013 mới có thể hoàn thành. "Nhiệm vụ chính của chúng tôi là đảm bảo cho 80 em học sinh tiểu học và trung học tới từ làng Pili đến trường an toàn".
Sầm Hoa (Theo Telegraph)