Tình cảm nơi công sở dễ nảy sinh nhưng không dễ che giấu

Dưới đây là một số lưu ý của CareerBuilder:

Bị phân tán tư tưởng

Bạn đến công ty với mục tiêu dành nhiều thời gian cho công việc, nhưng nếu bạn và “crush” dễ dàng nhìn thấy nhau, ngồi làm việc cùng nhau, trò chuyện với nhau thì những ý nghĩ lãng mạn có thể sẽ khiến dòng suy nghĩ về công việc bị gián đoạn. Càng gặp họ nhiều, bạn càng dễ bị thu hút. Khi đó, có thể công việc không còn là mối ưu tiên cho thời gian nơi công sở.

Rủi ro về cảm xúc

Tình yêu dễ khiến bạn hành động cảm tính. Vì vậy, hãy suy nghĩ kỹ trước khi bạn leo lên “chuyến tàu lượn” cảm xúc nơi công sở, đặc biệt nếu bạn là người nhạy cảm. Sẽ có những giai đoạn mối quan hệ không suôn sẻ khiến 1 trong 2 hoặc cả 2 bên bị tổn thương. 

Chưa kể bạn có thể bị người ngoài nghi ngờ về động cơ tình cảm của mình: liệu bạn có thực sự trong sáng, hay bạn hẹn hò để đạt được quyền lợi nào đó trong công việc? Hoặc ngược lại, bạn có cư xử khách quan, chuyên nghiệp, hay bạn sẽ giúp người yêu bạn được ưu đãi hơn? Sự thành công của bạn có thể sẽ bị nhìn sai lệch.

Vi phạm chính sách của công ty

Một số công ty có quy định về việc cấm nhân viên hẹn hò với đồng nghiệp, nhà cung cấp, khách hàng hoặc đối tác. Vì thế hãy kiểm tra trước khi bạn bắt đầu mối quan hệ. Khi bạn cố tình đặt mối quan hệ lên trên quy định, có nghĩa bạn cũng nhận thức được những hậu quả có thể xảy ra với sự nghiệp. Thực tế, đây không phải là điều phổ biến trên thị trường việc làm hiện nay, nhưng ở một số ngành nghề đặc thù, bạn phải chấp nhận hoặc ra khỏi công ty.

 Bị “buôn chuyện” về mối quan hệ cá nhân là điều bạn cần đề phòng

Tránh xa cấp trên

Như những thông tin ở trên, có thể thấy hẹn hò với cấp trên hoặc cấp dưới trực tiếp của bạn không phải là ý tưởng hay. Bởi vì đây là nơi xung đột lợi ích rõ ràng nhất. Chẳng hạn, thật khó để khách quan khi đánh giá hiệu suất cho người bạn đang hẹn hò. Hoặc người yêu bạn đồng thời là cấp trên không muốn mọi người nghĩ rằng bạn đang được ưu ái quá mức nên thậm chí còn ‘mạnh tay’ với bạn hơn khi cần kỷ luật. Tất nhiên không phải không có những mối quan hệ đơm hoa, kết trái ngọt, nhưng phương án an toàn nhất khi bạn không muốn hy sinh cả tình yêu và sự nghiệp là bạn hoặc người yêu của bạn xin chuyển sang nhóm khác.

Giữ bí mật

Thông thường, nếu bạn nghiêm túc với mối quan hệ đó, bạn sẽ muốn giữ bí mật. Nhưng điều đó cực kỳ khó thực hiện nơi môi trường công sở, khi cả hai có cơ hội chạm mặt nhau hàng ngày. Việc giữ bí mật trong tình huống đó sẽ khiến cả hai rơi vào tình trạng căng thẳng, mệt mỏi và ức chế. 

Nếu mọi người phát hiện ra điều đó, thì tiêu chí hàng đầu bạn nên nói với họ là: bạn có quyền giữ bí mật đời sống cá nhân, và bạn mong mọi người tôn trọng điều đó.

Đặt ranh giới cho người yêu

Trong công sở không khó kiếm những cặp đôi bị trêu chọc, “đẩy thuyền” để hẹn hò với nhau. Nhưng nếu mọi người phải chứng kiến cảnh tình cảm quá nhiều và quá bạo dạn nơi công sở, phần đông sẽ cảm thấy khó chịu và thấy không được tôn trọng, vì môi trường công sở đã không còn sự chuyên nghiệp cần thiết. 

Vì thế, để tránh rơi vào bầu không khí nhạy cảm, bạn nên thiết lập ranh giới với người yêu. Hai bạn nên cởi mở ngay từ đầu về các nguy cơ có thể xảy ra nếu công khai tình cảm, cũng như cách đối mặt với các phản ứng tiêu cực. Để căng thẳng công việc không ảnh hưởng đến mối quan hệ và ngược lại, bạn cũng cần có các quy tắc về thời điểm và thời lượng mà hai bên nói chuyện về công việc khi đang ở bên nhau.

Nếu bạn chia tay

Không phải chuyện tình cảm nào cũng suôn sẻ và bạn nên chuẩn bị tinh thần. Đặc biệt trong trường hợp bạn đã công khai mối quan hệ với mọi người, hãy cập nhật thẳng thắn rằng hai bạn không còn bên nhau nữa. Và dù có khó chịu đến đâu, bạn cũng cần cư xử bình thường, cũng như không nói xấu hay đề cập những tội lỗi của người kia. Bạn cũng nên nghĩ đến việc điều gì sẽ xảy ra nếu người yêu cũ công khai yêu đương một đồng nghiệp khác? Nếu cảm thấy quá khó xử hoặc đau khổ khi tiếp tục làm việc cùng nhau, thì rời bỏ công việc hoặc ít nhất là chuyển sang một bộ phận khác sẽ là việc nên cân nhắc. 

Vĩnh Phú