Không để các HTX tự bơi
Ông Trần Văn Cứng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh An Giang cho biết, An Giang là một trong 5 địa phương sản xuất lúa gạo lớn nhất cả nước nói chung, tại đồng bằng sông Cửu Long nói riêng (cùng với Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang, Sóc Trăng). Chỉ riêng năm 2023 này, An Giang dự tính sản xuất được 4,1 triệu tấn lúa. Tuy nhiên, chưa bao giờ người nông dân An Giang cảm thấy tự tin cây lúa có thể mang lại ấm no và giàu có cho mình.
Điều đáng nói, với diện tích canh tác lớn, An Giang nói riêng và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã thành lập được rất nhiều HTX nông nghiệp nhưng quy mô còn rất khiêm tốn, hoạt động manh mún, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa gạo cũng chưa đồng bộ, liên kết với doanh nghiệp còn khó khăn, nhất là khâu bao tiêu sản phẩm. Do vậy, nếu cứ để các HTX tự bơi như hiện nay, chắc chắn ngành lúa gạo Việt Nam sẽ bị các nước láng giềng như Campuchia, Thái Lan hay Ấn Độ, Bangladesh vượt mặt.
Với mong muốn tạo điều kiện cho HTX nông nghiệp, đặc biệt là HTX lúa gạo tại các địa phương phát triển theo hướng hàng hóa bền vững, từ đó thúc đẩy ngành lúa gạo của cả nước vươn tầm khu vực nên tại Hội nghị Ban Thường vụ Liên minh HTX Việt Nam lần thứ 12, nhiệm kỳ 2020-2025 tổ chức ngày 30/11, nhiều đại biểu cho rằng, mô hình HTX nông nghiệp, trong đó có HTX lúa gạo đang hoạt động ở nhiều địa phương đang chưa xứng tầm với xu hướng liên kết sản xuất, liên kết tiêu thụ theo chuỗi giá trị.
Do đó, việc thành lập Liên đoàn HTX lúa gạo là cần thiết. Được biết, Liên minh HTX Việt Nam cũng đang xây dựng phương án này. Theo ông Trần Văn Cứng, nếu làm được việc này thì các HTX lúa gạo sẽ không còn phải tự bơi tìm đầu ra, không lo câu chuyện khó khăn trong ký kết tiêu thụ lúa gạo với các doanh nghiệp xuất khẩu, sẽ có được cơ chế chung trong điều phối sản xuất/tiêu thụ sản phẩm (từ lúc gieo xạ, thời vụ, giống lúa cho tới kế hoạch bao tiêu…).
Liên đoàn HTX sẽ có vai trò hỗ trợ HTX, nông dân
Mới đây, Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 đã được phê duyệt, do đó việc thành lập Liên đoàn HTX lúa gạo nhận được nhiều sự quan tâm.
Theo Chủ tịch Liên minh HTX An Giang, sản xuất lúa ở An Giang và nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long từ lâu luôn rơi vào tình trạng giá cả không ổn định do yếu tố mùa vụ. Năm nay, giá lúa gạo Việt Nam vươn lên đứng đầu thế giới cả về sản lượng và giá cả, gạo Việt Nam đi thi cũng đứng đầu thế giới khiến ngành lúa gạo tạo được tiếng vang. Chính vì vậy, rất cần thành lập mô hình Liên đoàn HTX lúa gạo nhằm hỗ trợ HTX phát triển theo quy mô lớn, nâng cao được giá trị của cây lúa và đích đến cuối cùng là nâng cao thu nhập cho người dân trồng lúa. “Nên nghĩ đơn giản, việc thành lập Liên đoàn HTX lúa gạo nhằm mục tiêu duy nhất là hỗ trợ người dân, đồng thời coi đây là hình mẫu để xem xét phát triển mô hình này”, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh An Giang chia sẻ.
Đồng tình với kiến nghị này, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân đánh giá, Liên đoàn HTX là mô hình mới tại Việt Nam nhưng có thể là câu trả lời cho bài toán thu hút thành viên tham gia HTX. Ý tưởng này cũng đang được Liên minh HTX xây dựng phương án và muốn nghe thêm nhiều ý kiến từ các địa phương.
Nhìn nhận ở góc độ doanh nghiệp xuất khẩu gạo, trước thực trạng phát triển chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam dù đang đi đúng hướng nhưng chưa bền vững, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) cho rằng, nghiên cứu thành lập Liên đoàn HTX sản xuất lúa gạo là cần thiết vì trong Nghị quyết 20 về kinh tế tập thể, HTX đã định hướng điều này. Tuy nhiên, trong Luật HTX chưa có đề xuất thành lập Liên đoàn HTX nói chung, Liên đoàn HTX lúa gạo nói riêng, nên các cơ quan luật pháp cần nghiên cứu để đề xuất những kiến nghị cụ thể cho mô hình này.
“Trước tiên, nên thành lập đề án Liên đoàn HTX lúa gạo, Liên đoàn HTX tiêu dùng, từ đó giúp các địa phương có cái nhìn tổng thể và cũng là cơ sở để có lộ trình cụ thể phát triển mô hình này một cách phù hợp”, Tổng giám đốc Saigon Co.op đề xuất. Cùng chung với nhận xét này, nhiều đại biểu cũng cho rằng, để thành lập được mô hình Liên đoàn HTX lúa gạo, cần nhìn vào thực tiễn tồn tại của HTX lúa gạo đang gặp phải. Đây chính là lí do cần thành lập Liên đoàn HTX thay vì thêm một tổ chức hữu danh vô thực không hỗ trợ được gì mà thêm “vướng víu”.
Ghi nhận các ý kiến đề xuất, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân cho biết, Liên đoàn HTX lúa gạo là mô hình mới ở Việt Nam. Muốn biết xem mô hình này hoạt động hiệu quả hay không, Liên minh HTX Việt Nam sẽ phối hợp với các bộ ngành tổ chức các hội thảo, hội nghị để thảo luận, đồng thời học hỏi kinh nghiệm từ các nước có mô hình Liên đoàn HTX phát triển để sớm hoàn thiện đề án về vấn đề này.