Cần Giờ là huyện duy nhất của Thành phố Hồ Chí Minh tiếp giáp với biển, có bờ biển dài 23km. Hệ thống sông ngòi chằng chịt, đem lại cho Cần Giờ lợi thế phát triển các ngành nghề khai thác và nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp, sản xuất muối, gắn với các dịch vụ du lịch sinh thái sông, biển và nghỉ dưỡng.

Nghị quyết về Định hướng phát triển huyện Cần Giờ đến năm 2030 do Thành ủy TP Hồ Chí Minh ban hành ngày 26/9/2022 có mục tiêu tổng quát là xây dựng và phát triển huyện Cần Giờ trở thành thành phố biển mang đặc trưng của một thành phố tăng trưởng xanh, thông minh, thân thiện môi trường, trong đó du lịch sinh thái nghỉ dưỡng chất lượng cao là mũi nhọn, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội phát triển nhanh, đời sống người dân nâng cao, bộ máy quản lý nhà nước tại địa phương được tổ chức tinh gọn, hiệu quả. 

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, huyện Cần Giờ cơ bản trở thành thành phố nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh ở tầm khu vực. 

22 can gio.jpg
Đến năm 2030, huyện Cần Giờ cơ bản trở thành thành phố nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái chất lượng cao

Để đạt mục tiêu nêu trên, Nghị quyết cũng đề ra một số giải pháp chủ yếu, trong đó triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển bền vững Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2030 - 2040, để Cần Giờ trở thành một hình mẫu về sự hài hòa giữa bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái tự nhiên với nâng cao sinh kế và chất lượng sống cộng đồng dân cư, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và tăng trưởng kinh tế xanh, bền vững. Lập, triển khai kế hoạch đề cử vùng đất ngập nước ven biển huyện Cần Giờ trở thành vùng ngập nước có tầm quan trọng quốc tế trong bảo tồn hệ sinh thái biển, ven biển. Triển khai hiệu quả các chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu, chống xâm thực, xói lở bờ biển, ngập lụt, xâm nhập mặn trên cơ sở ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, đặc biệt là áp dụng các mô hình thông minh có khả năng thích ứng, chống chịu với thiên tai.

Có cơ chế, chính sách thu hút đội ngũ các nhà khoa học, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư tham gia, đồng hành cùng chính quyền địa phương trong quản lý, bảo tồn, phục hồi, phát triển diện tích rừng ngập mặn…. Quản lý, khai thác hiệu quả các mô hình sinh kế bền vững từ các nguồn lợi tự nhiên trong Khu Dự trữ sinh quyển.

Bên cạnh đó là triển khai thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển kinh tế biển, từng bước định hình và thúc đẩy các ngành kinh tế chủ lực. Phát triển kinh tế Cần Giờ trên cơ sở phát huy thế mạnh đặc thù của địa phương ven biển, trong đó chú trọng phát triển các ngành dịch vụ, du lịch biển, kinh tế hàng hải, nuôi trồng, khai thác và chế biến hải sản chất lượng cao. 

Cùng với các giải pháp trên là phát triển du lịch Cần Giờ theo định hướng trở thành khu du lịch trọng điểm quốc gia với những sản phẩm mang đặc trưng của thành phố biển, trong đó chú trọng phát triển du lịch sinh thái rừng, sinh thái nông nghiệp và sinh thái biển. 

Thúc đẩy quá trình chuyển đổi các mô hình phát triển nông nghiệp truyền thống sang ứng dụng khoa học, công nghệ cao. Triển khai hiệu quả dự án xây dựng Khu nông nghiệp công nghệ cao ngành thủy sản Cần Giờ; thu hút đầu tư xây dựng Khu trung tâm thủy sản thành phố tại xã Bình Khánh.

Định hướng các hoạt động nuôi trồng, khai thác hải sản bền vững gắn với bảo vệ, tái sinh nguồn lợi hải sản. Tổ chức lại hoạt động khai thác theo hướng giảm khai thác gần bờ, đẩy mạnh khai thác các vùng biển xa bờ; thực hiện đồng bộ, có hiệu quả công tác đào tạo, chuyển đổi nghề cho ngư dân. Đầu tư, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản, tạo ra các sản phẩm chủ lực, có chất lượng, giá trị kinh tế cao mang đặc trưng của Cần Giờ, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Xây dựng mô hình nông thôn mới kiểu mẫu trong thành phố xanh, du lịch sinh thái thân thiện môi trường; triển khai các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội xã đảo Thạnh An…

Song song với đó là nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý đất đai, đô thị;  Đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, tạo đột phá phát triển kinh tế - xã hội; Thúc đẩy phát triển văn hóa xã hội, bảo đảm kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao chất lượng sống của người dân; Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền biển đảo, an ninh biên giới…

Huệ Anh