Pháp luật về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng đã được quan tâm xây dựng tương đối đồng bộ ở Việt Nam thời gian qua.

Nhiều quy định về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng đã được ban hành trong các văn bản luật và dưới luật gồm: Luật Công nghệ thông tin; Luật An toàn thông tin mạng; Luật Trẻ em; Luật Tiếp cận thông tin; Luật An ninh mạng; Nghị định số 56/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em…

Đặc biệt, tháng 6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 830 phê duyệt chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh trên không gian mạng giai đoạn 2021-2025”.

Và ngày 30/7/2021, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ký Quyết định số 1123 ban hành Kế hoạch triển khai Quyết định số 830/QĐ-TTg ngày 1/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh trên không gian mạng giai đoạn 2021-2025”.

Cần có quy định rõ ràng hơn về các biện pháp bảo vệ thông tin cá nhân, riêng tư của trẻ. 

Tuy nhiên, nhiều ý kiến băn khoăn rằng vẫn còn khoảng trống giữa thực tế và hành lang pháp lý về bảo vệ quyền trẻ em trên không gian mạng. Việc rà soát, hoàn thiện pháp luật về bảo vệ quyền cho người chưa thành niên trên không gian mạng cần được tiếp tục tiến hành mạnh mẽ hơn.

Bàn về câu chuyện này, ông Đinh Tiến Dũng, Phó Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông nêu một loạt dẫn chứng.

Về bảo vệ bí mật riêng tư và thông tin cá nhân của người chưa thành niên, Nghị định số 56/2017/NĐ-CP đã quy định trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng (chương V), trong đó Điều 36 có quy định “Các biện pháp bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em trên môi trường mạng”.

Tuy nhiên, theo ông Dũng nhận xét, “pháp lý vẫn còn sơ sài và chưa có độ phủ, các khuyến nghị chưa rõ ràng đối với việc bảo vệ thông tin cá nhân, riêng tư của trẻ. Phương cách hữu hiệu nhất hiện nay là Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam thường xuyên nhắc nhở các cơ quan báo chí về vấn đề này; khuyến nghị các nhà mạng xuyên biên giới gỡ bỏ thông tin xâm phạm quyền bảo vệ thông tin cá nhân, riêng tư của người chưa thành niên”.

Tương tự, với câu chuyện bảo vệ người chưa thành niên khỏi văn hóa phẩm khiêu dâm, ông Dũng cho rằng cần có văn bản quy phạm pháp luật để giải thích rõ khái niệm “văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em”. “Văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em” cần được giải thích theo nghĩa rộng, bao gồm cả những hình ảnh ảo, những sự trình bày về trẻ em mang tính bóc lột tình dục mà không nhất thiết phải sử dụng trẻ em thật để sản xuất những hình ảnh đó.

Một điều đáng lưu ý, Việt Nam hiện vẫn chưa có một “phím nóng” hay “đường dây nóng” chuẩn, được công bố rộng rãi để trẻ em và công chúng có thể thông báo về những nội dung trái pháp luật hoặc đáng bị lên án mà mình phát hiện trên mạng Internet; cũng chưa có chế độ “thông báo và gỡ bỏ” đối với văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em.

Một vấn nạn đáng quan ngại khác là bắt nạt trực tuyến. Việc trẻ đi bắt nạt và bị bị bắt nạt trên môi trường mạng đang là vấn đề phổ biến. Đã có nhiều hệ lụy đau lòng như vụ em bé 13 tuổi tại Long An uống thuốc sâu tự tử vì bị bạn bè tẩy chay, cô lập vào tháng 3/2021.

Song luật pháp của Việt Nam chưa có quy định rõ ràng về bắt nạt trực tuyến. “Cần phải có các quy định cụ thể hơn để bảo vệ trẻ em khỏi bị bắt nạt trực tuyến bằng một cách thức tiếp cận toàn diện hơn, bao gồm các biện pháp nâng cao nhận thức về an toàn công nghệ thông tin và truyền thông, để giúp trẻ em trở thành những công dân số có trách nhiệm và biết tôn trọng người khác; cung cấp cho các em những kỹ năng để đấu tranh chống lại hành vi bắt nạt và tự bảo vệ chính mình; và một cơ chế dễ dàng tiếp cận để trẻ em và các bậc phụ huynh nhanh chóng thông báo và yêu cầu gỡ bỏ những nội dung bắt nạt trực tuyến”, ông Dũng khuyến nghị.

Phạm Bình Minh, Đàm Xuân An, Trần Quang Ninh