Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới cho biết người sử dụng lao động ở Việt Nam đòi hỏi những kỹ năng gì ở người lao động.
Khi nền kinh tế Việt Nam ngày càng trở nên hiện đại, người sử dụng lao động đang tìm kiếm những lao động có tay nghề và thường gặp khó khăn trong việc lựa chọn những người phù hợp trong số rất nhiều người đang tìm việc hiện nay.
Một nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực cơ khí công nghệ cao ở thành phố Hồ Chí Minh cho biết: "Điều lao động Việt Nam thiếu nhất hiện nay là các kỹ năng kỹ thuật thực hành, kỹ năng tư duy và kỹ năng giải quyết vấn đề". Ông cho rằng các cơ sở giáo dục đào tạo và trường đại học cần khuyến khích sinh viên phát triển tư duy phản biện và giảm bớt hình thức học thuộc lòng.
Quan điểm này cũng được đề cập trong báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới sắp được công bố trong tuần này về chủ đề kỹ năng của lực lượng lao động Việt Nam. Báo cáo với tựa đề "Phát triển kỹ năng: Chuẩn bị lực lượng lao động cho một nền kinh tế hiện đại ở Việt Nam" trình bày những bằng chứng mới về nhu cầu về kỹ năng của người sử dụng lao động Việt Nam và về những kỹ năng mà người lao động đang có và sử dụng.
Theo một khảo sát được tiến hành với 330 doanh nghiệp ở các đô thị Việt Nam, những người sử dụng lao động quan tâm đến ba khía cạnh của kỹ năng và họ xác định các 'kỹ năng kỹ thuật' liên quan trực tiếp đến công việc là những kỹ năng quan trọng nhất mà họ tìm kiếm ở các ứng viên.
Một ví dụ về kỹ năng kỹ thuật là khả năng làm việc thực tế của người thợ điện trong công việc của mình. Tuy nhiên, người sử dụng lao động cũng tìm kiếm các 'kỹ năng về nhận thức' và 'kỹ năng xã hội và hành vi': Họ tìm kiếm những người lao động biết tư duy phê phán, biết giải quyết vấn đề và biết cách trình bày công việc của mình một cách thuyết phục cho khách hàng và đồng nghiệp.
Giáo dục đã đóng một vai trò quan trọng trong câu chuyện thành công về phát triển của Việt Nam trong hai mươi năm qua. Việc mở rộng khả năng tiếp cận với giáo dục cơ bản đã góp phần tạo nên uy tín của Việt Nam về một lực lượng lao động trẻ và được giáo dục tốt. Một khảo sát được thực hiện gần đây với sinh viên ở một số quốc gia cho thấy phần lớn lực lượng lao động của Việt Nam đều có kỹ năng đọc, viết và tính toán hay còn gọi là các kỹ năng nhận thức cơ bản, và tỷ lệ này cao hơn nhiều nước khác, kể cả các nước giàu có hơn Việt Nam.
Nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình hiện đại hóa và sẽ tiếp tục tạo ra nhiều việc làm mới ít mang tính thủ công và thường quy hơn, mà thay vào đó sẽ là các công việc đòi hỏi nhiều kỹ năng hơn, không mang tính thủ công và thường quy. Quá trình chuyển đổi tương tự đã diễn ra ở các thị trường lao động, trong quá trình phát triển kinh tế của các quốc gia Đông Á khác như Hàn Quốc, Nhật Bản và Thái Lan. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho thấy điều này cũng đã bắt đầu ở các đô thị của Việt Nam. Vậy Việt Nam có thể làm gì để chuẩn bị những kỹ năng cần thiết cho lực lượng lao động của mình nhằm đáp ứng nhu cầu của một thị trường lao động hiện đại?
Ba bước trong phát triển kỹ năng
Các kỹ năng nhận thức, hành vi và kỹ thuật được hình thành ở những giai đoạn khác nhau trong cuộc đời một con người.
Quá trình hình thành các kỹ năng nhận thức là trải qua giai đoạn tích cực nhất trong những năm đầu đời và tiếp tục trong suốt tuổi thiếu niên.
Các kỹ năng hành vi bắt đầu hình thành trong thời thơ ấu và tiếp tục phát triển trong cả quãng đời trưởng thành.
Các kỹ năng kỹ thuật được tiếp thu muộn hơn trong tuổi thanh thiếu niên và tuổi trưởng thành.
Thấu hiểu điều này, Báo cáo của Ngân hàng Thế giới đưa ra đề xuất về một chiến lược tổng thể phát triển kỹ năng cho Việt Nam với ba bước:
Thứ nhất, Việt Nam vẫn cần làm nhiều hơn nữa để tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ em thông qua phát triển giáo dục mầm non. Những nỗ lực của Việt Nam nhằm mở rộng khả năng tiếp cận giáo dục mầm non cho trẻ em từ 3-5 tuổi đang đem lại thành công, tuy nhiên Chính phủ vẫn cần quan tâm nhiều hơn nữa đến trẻ em từ 0-3 tuổi, đặc biệt là trong việc giải quyết vấn đề dinh dưỡng.
Theo một khảo sát năm 2011 do UNICEF và Tổng cục Thống kê thực hiện, gần một phần tư trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi bị còi cọc. Ở Việt Nam cũng như trên thế giới, các nghiên cứu đã xác định suy dinh dưỡng thể thấp còi ảnh hưởng rất tiêu cực đến quá trình phát triển kỹ năng nhận thức. Một số trẻ thấp còi sẽ bị tụt hậu so với các bạn đồng trang lứa trong suốt cuộc đời. Việt Nam không thể cho phép điều này xảy ra đối với một phần tư thế hệ trẻ là tương lai của đất nước.
Thứ hai, Việt Nam có thể trang bị cho sinh viên tốt nghiệp các kỹ năng nhận thức và hành vi tốt hơn thông qua việc tăng cường giáo dục và nâng cao chất lượng giáo dục ở bậc tiểu học và trung học. Việc tăng số lượng nhập học hai buổi/ngày và ngăn chặn tình trạng bỏ học sớm ở bậc tiểu học và trung học cơ sở cũng quan trọng như việc đổi mới chương trình học và phương pháp giảng dạy để giúp cho học sinh Việt Nam có thể trở thành những người lao động biết cách giải quyết vấn đề, có tư duy phản biện, khả năng giao tiếp và làm việc trong nhóm tốt hơn.
Chương trình học mới đang được xây dựng và Việt Nam đã học theo một mô hình trường học nhiều hứa hẹn từ Colombia có tên gọi Escuela Nueva. Đây là một mô hình trường học sử dụng hoạt động học nhóm và giải quyết vấn đề nhiều hơn học thuộc lòng và chép bài, vốn là cách học khá phổ biến ở các trường tiểu học Việt Nam hiện nay. Mô hình này đang được thử nghiệm ở 1.500 trường trên toàn quốc và đã gặt hái thành công cũng như những bài học kinh nghiệm tốt để áp dụng cho cải cách rộng rãi hơn.
Thứ ba, việc đảm bảo cho những sinh viên tốt nghiệp của Việt Nam có được các kỹ năng kỹ thuật phù hợp với công việc đòi hỏi các doanh nghiệp, trường đại học, trường đào tạo nghề, và các sinh viên hiện tại cũng như tương lai phải được kết nối tốt hơn.
Điều phối và hợp tác tốt hơn sẽ giúp cải thiện thông tin về những kỹ năng mà người sử dụng lao động đang cần và có thể cần trong tương lai. Thông tin tốt hơn về tình trạng việc làm của sinh viên đã tốt nghiệp sẽ giúp các sinh viên tương lai lựa chọn được các cơ sở giáo dục đào tạo, những trường đại học và chương trình tốt nhất. Các chuẩn năng lực nghề nghiệp và hệ thống chứng chỉ có thể cải thiện thông tin về các kỹ năng của người lao động. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy khả năng tự chủ hơn trong việc ra quyết định, trách nhiệm giải trình trước khả năng tìm được việc làm của sinh viên tốt nghiệp, cùng với đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý có kỹ năng, và trang thiết bị tốt hơn sẽ giúp các trường đại học và các trường dạy nghề đáp ứng tốt nhu cầu của người sử dụng lao động.
Chúng ta đã thấy những ví dụ thành công ở Việt Nam như trường đại học Đà Nẵng. Trong những năm qua trường đại học Đà Nẵng đã tận dụng quyền tự chủ để xây dựng các mối quan hệ đối tác với các doanh nghiệp trong nước và các trường đại học ở nước ngoài.
Vai trò thúc đẩy của Chính phủ
Chính phủ đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng một hệ thống phát triển kỹ năng năng động và kết nối tốt hơn.
Thay vì lập kế hoạch và quản lý hệ thống giáo dục và đào tạo một cách tập trung và mệnh lệnh từ trên xuống, Chính phủ nên trao quyền cho phụ huynh và sinh viên, các trường đại học và cơ sở giáo dục, và các doanh nghiệp để họ có thể đưa ra những quyết định sáng suốt.
Chính phủ có thể thực hiện điều này thông qua vai trò của người thúc đẩy trao đổi thông tin, tạo động cơ khuyến khích đúng đắn cho các doanh nghiệp để kết nối với các cơ sở giáo dục và trường đại học.
Từ đó các cơ sở giáo dục có thể đáp ứng tốt hơn trước thông tin về nhu cầu kỹ năng. Đồng thời, Chính phủ cũng cần đầu tư một cách thấu đáo để nâng cao năng lực cho các cơ sở giáo dục, đào tạo.
Quá trình chuyển đổi của Việt Nam sang một nền kinh tế công nghiệp có thu nhập trung bình không phải là tiến trình tự động và được đảm bảo chắc chắn sẽ thành công. Những thay đổi trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo có thể phải cần đến một thế hệ để tạo ra một lực lượng lao động được trang bị đúng những kỹ năng phù hợp.
Hiện tại chính là thời điểm phù hợp để hiện đại hóa công tác phát triển kỹ năng nhằm đảm bảo rằng vấn đề kỹ năng của người lao động sẽ không phải là nút thắt cổ chai cản trở sự phát triển của nền kinh tế. Và việc hiện đại hóa công tác phát triển kỹ năng cần được bắt đầu bằng việc lắng nghe những gì người sử dụng lao động muốn nói.
- Christian Bodewig (Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam)
Mời bạn đọc tham gia thảo luận trực tuyến về phát triển nguồn nhân lực Việt Nam Vào lúc 16h30 ngày 28/11, mời bạn đọc tham gia thảo luận trực tuyến về chủ đề phát triển nguồn nhân lực Việt Nam với các khách mời: 1. Ông Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT 2. Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại VN 3. Ông Christian Bodewig, Tác giả chính của báo cáo Phát triển Việt Nam 2014 của Ngân hàng Thế giới Ngay từ bây giờ, bạn đọc có thể gửi câu hỏi bằng cách bấm vào đây. Cảm ơn các bạn. |