Nhiều bạn trẻ mong muốn được trải nghiệm và thử thách bản thân nên thường xuyên thay đổi không gian làm việc, do đó nhà tuyển dụng không mấy ngạc nhiên với những CV (hồ sơ xin việc - PV) rất nhiều kinh nghiệm nhưng thiếu hiệu quả vì thời gian làm việc quá ngắn.

"Nhảy việc" không còn là khái niệm xa lạ nhưng ở thời điểm cận Tết như thế này là một quyết định không dễ gì bởi chính sách lương tháng 13, chính sách thưởng Tết cũng được xem như một phần thưởng cho chính mình và gia đình.

Tuy vậy, những áp lực dồn nén từ lâu và khối lượng công việc cuối năm dường như đang làm mệt nhoài những đôi vai nhỏ bé, làm nặng thêm đôi chân mỗi ngày đến cơ quan làm việc. Vậy chính sách đãi ngộ cuối năm có đủ sức níu giữ chúng ta?

Không "nhảy việc" vì đợi thưởng Tết

N.H, 25 tuổi và là nhân viên bộ phận vận chuyển của một sàn thương mại điện tử cho biết: "Mình cảm thấy công việc hiện tại không còn khiến mình thích thú nữa mặc dù mình đã gắn bó với nó cũng hơn một năm.

Gần đây, mình luôn đến công ty trong trạng thái mệt mỏi, chán nản. Mình sẽ apply (ứng tuyển - PV) công việc khác nhưng không phải bây giờ vì đây là thời điểm nhạy cảm. Mình cho rằng thưởng Tết nhiều hay ít thì cũng là tiền của mình mà, tội gì không lấy?".

Cận Tết, nhân viên các công ty "điên cuồng" chạy deadline và ngóng chờ khoản thưởng hậu hĩnh (Ảnh minh họa: Macrovector).

N.H cũng chủ động đề cập đến tương lai gần của mình (sau dịp Tết Nguyên đán): "Để được làm việc tại nơi này mình cũng đã khó khăn, chật vật lắm vì một sàn thương mại lớn thế này hẳn có nhiều người ôm mộng được làm việc tại đây.

Nhưng mà phải "ở trong chăn mới biết chăn có rận", mình sẽ rời đi thôi nhưng mà sau khi nhận thưởng Tết. Năm nay có khi mình còn được giải Nhân viên xuất sắc nhất năm".

N.H lý giải thêm: "Rất nhiều lý do để dẫn đến tình trạng làm việc cố chờ thưởng tết này nhưng tựu trung lại là do lương, do môi trường làm việc không như "quảng cáo", do không hợp với đồng nghiệp, với sếp, do có tiền năng phát triển…

Tuy phát sinh nhiều vấn đề nhưng mọi người vẫn đang ngày qua ngày tiếp tục công việc vì thưởng Tết".

Tương tự như N.H, V.A (26 tuổi, nhân viên kế toán tại một đại lý bán vé máy bay) bộc bạch: "Mình nhận ra vị trí này không còn phù hợp nhưng đây là thời điểm cuối năm, mình còn gia đình nên không thể ích kỷ đổi việc, như vậy sẽ mất thưởng Tết và lương tháng 13. Mình cũng muốn có một cái Tết đầy đủ cho cha mẹ, con cái".

V.A đã chia sẻ thêm rằng mình đang cố gắng giai đoạn này là vì không muốn công sức một năm qua đổ sông đổ biển. Sau Tết, có lẽ chị sẽ theo đuổi công việc khác, hoặc tiếp tục ở lại đến khi tìm được công việc có mức lương ngang bằng hoặc hơn bây giờ.

Chán ghét công việc hàng ngày, tinh thần đi xuống

Một doanh nhân nổi tiếng từng xuất hiện với tư cách nhà đầu tư trong một chương trình truyền hình cũng đã có những chia sẻ liên quan đến câu chuyện này như sau:

"Không nên vì vài đồng tiền thưởng, nếu bạn đã muốn đi rồi thì thưởng không quá quan trọng".

T.T là quản lý sự kiện ở một công ty truyền thông nổi tiếng cũng chia sẻ về vấn đề này, chị cho rằng ngay từ đầu công ty đã không có chính sách đãi ngộ, khen thưởng một cách công bằng và hậu quả tích lũy lâu dần khiến cho công sức của chị không được đền đáp xứng đáng.

"Không thể nói tiền thưởng và lương tháng 13 là không quan trọng, nhưng để so sánh nó với sức khỏe tinh thần của mình thì hoàn toàn không đáng. Mình không có động lực đi làm, cảm thấy chán ghét chính công việc hằng ngày của mình", T.T nhấn mạnh.

Đối với một số nhân viên, sức khỏe tinh thần phải là ưu tiên hàng đầu (Ảnh minh họa: Pixabay).

Khi được hỏi về vấn đề nếu chẳng may dở dang con đường sự nghiệp vì đây không phải giai đoạn cao điểm tuyển dụng, T.T chia sẻ thêm: "Mình đã nhận được đề nghị làm việc tại một trường đại học quốc tế khá có tiếng. Tuy nhiên, đây không phải là lý do mình quyết định xin nghỉ ở công ty cũ.

Trước tiên, mình muốn cho bản thân một khoảng thời gian giải tỏa như vậy mới có năng lượng tích cực hoàn thành tốt công việc".

Một trường hợp khác, Thanh Diệu Hiền hiện đang là freelance (ngành nghề tự do - PV) nói về tình trạng của mình: "Mình thấy tinh thần mình được thoải mái, được là chính mình hơn sau khi "nhảy việc". Mặc dù thời điểm mình quyết định xin nghỉ việc ở công ty cũ là tháng 12 năm ngoái, đây là thời điểm mà ít ai đưa ra quyết định như mình".

Cô gái trẻ 23 tuổi trước đây làm một nhân viên văn phòng, dù tốt nghiệp ngành Thiết kế đồ họa. Cô chia sẻ đây cũng là lý do khiến bản thân cảm thấy ngộp thở với một ngày 8 tiếng tại văn phòng với quá nhiều tài liệu, hợp đồng...

Diệu Hiền đang tận hưởng những ngày đẹp đẽ nhất thanh xuân của mình (Ảnh: NVCC).

Chỉ có số ít người cho rằng nên mặc kệ thưởng Tết và sống cho tinh thần của mình. Bởi chưa chắc sự lựa chọn tiếp theo có là bến đỗ đúng đắn hay không để mà đánh đổi một khoản tiền.

Khoản thưởng Tết dù lớn hay nhỏ cũng là công sức bạn trẻ xứng đáng được nhận sau quá trình nỗ lực và cố gắng của mình.

Họ lựa chọn như thế nào thì cũng đều có nguyên do riêng. Có người lựa chọn lối sống vui, sống khỏe, sống tận hưởng hiện tại, không ngại đối đầu thử thách. Có người mang trên mình gánh nặng cơm áo gạo tiền lại không liều lĩnh đánh đổi công việc hiện tại và thưởng Tết trước mắt.

Theo Dân trí