Việc quản lý, thu gom rác thải y tế được Bộ Y tế quy định trong nhiều thông tư, văn bản khác nhau. Đối với chất thải y tế được giám sát chặc chẽ vì tính nguy hại tới môi trường sống, dịch bệnh trong cộng đồng.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh – Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, quản lý và phân loại chất thải y tế không tốt có thể gây nên các sự cố rò rỉ rác thải, rò rỉ hóa chất, phóng xạ ra môi trường. Quản lý chất thải y tế là nhiệm vụ quan trọng nhằm bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cho nhân viên y tế, bệnh nhân và cộng đồng. Đặc biệt chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao chứa các mẫu bệnh phẩm, dụng cụ đựng, dính mẫu bệnh phẩm. 

Ngay kể cả nhiệt kế thủy ngân, nếu vỡ nhiệt kế sẽ nguy hiểm bởi vì thủy ngân là 1 trong 10 hóa chất hàng đầu gây nguy hiểm, gây hại cho hệ thần kinh, tiêu hóa, phổi, thận, và miễn dịch. Nếu phơi nhiễm quá mức có thể gây tử vong. Vì vậy, các loại nhiệt kế, pin chứa thủy ngân vỡ hay thay thế phải thu gom, lưu giữ riêng trong các hộp bằng nhựa hoặc các vât liệu phù hợp và bảo đảm không bị rò rỉ, phát tán hơi thuỷ ngân ra môi trường.

chat thai.jpg
Quản lý chất thải y tế từ nguồn phát sinh. Ảnh: Khánh Chi. 

Chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao được tiền xử lý xử lý trước khi bỏ vào chất thải y tế lây nhiễm bao hoặc thùng. Việc thu gom vận chuyển chất thải y tế cần tuân thủ từ khu vực nhạy cảm đến ít nhạy cảm và lưu giữ.  Tránh vận chuyển chất thải y tế khu vực chăm sóc người bệnh và khu vực công cộng. 

Thực tế, bác sĩ Khanh cho rằng tại nhiều cơ sở y tế nhân viên y tế vẫn chưa nhận thức rõ được vai trò của phân loại và quản lý rác thải y tế. Các địa phương cần đẩy mạnh công tác tập huấn nâng cao năng lực cho nhân viên y tế trong công tác quản lý rác thải y tế.

Nghiên cứu của Thạc sĩ Đặng Thị Thu Hương và cộng sự Bệnh viện Nhi Trung Ương (Hà Nội) cho thấy, tỷ lệ nhân viên chưa có kiến thức đúng về phân loại chất thải rắn y tế theo nhóm: Biết được các chất thải y tế thuộc nhóm chất thải tái chế chiếm 69,8%, biết được chất thải thuộc nhóm chất thải thông thường chiếm 86,7%, biết được các chất thải thuộc nhóm nguy hại chiếm 32.6%, biết được các chất thải thuộc nhóm lây nhiễm chiếm 58%.

Cùng với đó, nhân viên y tế có kiến thức đúng về quy định biểu tượng chất thải y tế và kiến thức về an toàn lao động, ứng phó với sự cố có liên quan đến chất thải y tế còn thấp dưới 40%. Thực hành đúng về quản lý chất thải còn rất thấp dưới 40%. Tỷ lệ thực hành đúng về an toàn lao động và ứng phó sự cố rác thải y tế còn thấp dưới 40%. Nhân viên y tế có thực hành đúng khi xử trí sự cố rủi ro do vật sắc nhọn chiếm 45.6%.

Theo đó, thạc sĩ Hương đã đề xuất cần tăng cường tập huấn nâng cao kiến thức về quản lý chất thải trong đó chú trọng về phân loại chất thải đúng nhóm và mã màu, biểu tượng các nhóm chất thải theo quy định tập trung vào cung cấp các kiến thức và kỹ năng thực hành xử trí ứng phó sự cố phơi nhiễm với chất thải y tế và an toàn lao động. 

Các đơn vị cần tổ chức giám sát thực hành phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải y tế ngay tại các khoa nhằm có biện pháp khắc phục kịp thời đồng thời nâng cao kỹ năng thực hành của nhân viên trong bệnh viện. 

Khuôn viên bệnh viện và các khoa phòng cần trang bị các phương tiện truyền thông, tờ rơi hướng dẫn việc phân loại chất thải y tế cũng như các phương tiện thu gom chất thải y tế theo quy định đảm bảo điều kiện thực hiện việc phân loại.

Khánh Chi