Gần cuối năm, nhu cầu mua và vận chuyển hàng hoá phục vụ Tết cổ truyền ngày càng gia tăng. Thống kê của các sàn thương mại điện tử lẫn các đơn vị vận chuyển cho thấy, người dân đang tích cực sắm Tết và gửi hàng hoá về quê ngày càng nhiều.

Năm nay, nhu cầu chuyển quà Tết của người dân từ TP.HCM và Hà Nội về các tỉnh thành đến sớm hơn thường lệ do ảnh hưởng dịch bệnh và nỗi lo không thể về thăm quê”, ông Lê Văn Quốc Khánh, Giám đốc vận hành Ninja Van Việt Nam cho hay.

Ninja Van đang đảm nhận khâu vận chuyển hàng cá nhân toàn quốc trên ứng dụng Grab. Theo đó, người dùng Grab có thể gửi hàng hoá về tỉnh bằng cách đặt trực tiếp, theo dõi đơn hàng như các tính năng giao nhận khác của Grab. Trước đây, để gửi hàng đi các tỉnh thì người dùng thường ra gửi tại các nhà xe liên tỉnh, bưu điện... thay vì ngồi nhà đặt qua ứng dụng.

Trong 2 tháng gần đây, Ninja Van cho hay đã vận chuyển hơn 10.000 đơn hàng đến các tỉnh thành khác nhau. 

{keywords}
Bên trong kho của đơn vị vận chuyển hàng hoá vào dịp cuối năm. (Ảnh: Ninja Van)

Nhu cầu vận chuyển hàng hoá gia tăng giai đoạn cuối năm có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao sau một thời gian phải ở nhà do dịch. Thứ hai, các chương trình lễ hội cuối năm như 11/11, 12/12, Black Friday... kích thích nhu cầu mua sắm. Trong đó, nhiều người ở thành phố mua hàng trong các lễ hội mua sắm để gửi về quê cho gia đình đón Tết. 

Theo Deloitte dự đoán, doanh số thương mại điện tử trong kỳ nghỉ lễ 2021-2022 sẽ tăng từ 11-15% so với cùng kỳ năm trước.

Trước đó, thống kê từ đợt mua sắm 12/12 vừa diễn ra, các sàn thương mại điện tử cũng nhận định người Việt tận dụng việc giảm giá để mua hàng phục vụ Tết Nguyên đán.

Chẳng hạn, các mặt hàng trang trí, dọn dẹp nhà cửa trên Lazada có sức mua tăng mạnh. Cụ thể, ngành hàng nhà cửa & đời sống tăng trưởng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái; các sản phẩm bán chạy nhất là nệm ngủ, ga giường và dụng cụ lau dọn nhà cửa.

Doanh thu của ngành hàng điện tử gia dụng cũng tăng cao gấp 5 lần so với ngày thường. Trong đó, tủ lạnh, nồi chiên không dầu và tivi là các sản phẩm được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn.

Cùng ghi nhận mức tăng trưởng cao gấp 5 lần ngày thường là ngành hàng bách hóa: sữa và nước giặt, nước xả vải là hai nhóm được người tiêu dùng chọn mua nhiều nhất.

Riêng ngành hàng sức khoẻ và làm đẹp tiếp tục dẫn đầu với doanh thu tăng hơn gấp đôi.

Thống kê trên phù hợp với số liệu Shopee đưa ra trong lễ hội mua sắm 12/12 trên nền tảng này. Trong đó, những ngành hàng bán chạy có nhà cửa & đời sống, sức khoẻ & sắc đẹp, điện thoại & phụ kiện.

Trên Shopee, một số thương hiệu được ưa chuộng nhất bao gồm Samsung, Abbott, La Roche-Posay, Lock&Lock và Unilever.

Tương tự đánh giá của Ninja Van, Shopee cho hay xu hướng người dùng tại các tỉnh mua hàng thương mại điện tử ngày càng nhiều. Chẳng hạn, Nam Định và Nghệ An có số lượng đơn đặt hàng tăng mạnh nhất vào ngày 12/12 năm nay.

Ông James Dong, Tổng giám đốc Lazada Việt Nam và Thái Lan, đánh giá những kết quả đáng khích lệ của mùa mua sắm cuối năm cho thấy tín hiệu tích cực về sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam sau một năm nhiều thử thách.

Hải Đăng

Người Việt tận dụng đợt giảm giá cuối năm để sắm Tết

Người Việt tận dụng đợt giảm giá cuối năm để sắm Tết

Trong đợt giảm giá 12/12 mới đây trên thương mại điện tử, xu hướng mua sắm chuẩn bị cho lễ Tết thể hiện khá rõ.