Xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục là điều cần thiết. Để làm được điều này, cần có sự tham gia của cộng đồng, học sinh, phụ huynh, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên.
Theo thống kê, mỗi năm có khoảng 300.000 trẻ em bị thương tích, có hơn 6.000 trường hợp tử vong. Hơn 50% các tai nạn thương tích ở trẻ xảy ra tại gia đình do ngã, tai nạn giao thông, dị vật, ngộ độc thực phẩm, vật sắc nhọn gây nên, đuối nước, điện giật, bỏng, bom mìn...
Số trẻ bị ngã chiếm 29,03%, còn trẻ bị tai nạn giao thông chiếm 26,1%. Số vụ điện giật, đuối nước, tai nạn giao thông... có tỷ lệ thấp nhưng nguy cơ tử vong rất cao, chiếm hơn 80% số trẻ tử vong do tai nạn thương tích gây nên.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, tai nạn thương tích thường dễ xảy ra ở lứa tuổi học đường do tính hiếu động, thích tò mò, nghịch ngợm cũng như hạn chế về kiến thức, kỹ năng phòng ngừa tai nạn thương tích của học sinh.
Vì thế, xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên là điều cần thiết. Để làm được điều này, cần có sự tham gia của chính quyền địa phương và cộng đồng, phát huy sự tham gia tích cực và hiệu quả của học sinh, phụ huynh, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên.
Theo Bộ Giáo dục & Đào tạo, xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích, cần bảo đảm an toàn về cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện, tài liệu, học liệu dạy học phục vụ hoạt động giáo dục của nhà trường; Bảo đảm an ninh, trật tự trường học; phòng chống bạo lực học đường, tội phạm, tệ nạn xã hội; hướng dẫn người học tham gia môi trường mạng an toàn, lành mạnh, đúng quy định của pháp luật.
Học sinh cũng cần được giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước; an toàn giao thông; phòng cháy, chữa cháy; ứng phó với thảm họa, thiên tai; phòng, chống ngã, va đập, điện giật và một số loại hình tai nạn thương tích thường gặp khác.
Theo hướng dẫn trong Thông tư số 18/2023 của Bộ Giáo dục & Đào tạo hướng dẫn xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, các trường học phải hoàn thiện, kiểm tra cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện, tài liệu, học liệu dạy học, công trình nước sạch, nhà vệ sinh, công trình, thiết bị phục vụ hoạt động thể dục thể thao, vui chơi, giải trí của người học theo quy định của pháp luật để khắc phục nguy cơ gây tai nạn thương tích hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Ngoài ra, nhà trường cần thực hiện giáo dục lồng ghép, tích hợp các nội dung xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích trong các môn học và hoạt động giáo dục, đồng thời giáo dục kiến thức, kỹ năng về phòng chống đuối nước, chú trọng kỹ năng bơi, kỹ năng an toàn trong môi trường nước; phối hợp với gia đình, chính quyền, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, tổ chức dạy bơi an toàn, phòng, chống đuối nước cho người học trong cộng đồng.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, để phòng ngừa tai nạn giao thông, tại khu vực trường học cần phải có biển báo trường học cho các loại phương tiện cơ giới ở khu vực gần trường học. Trong giờ học, giờ giải lao phải đóng cổng trường, giám sát việc ra vào của học sinh khi đến trường để đảm bảo an toàn.
Thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến kiến thức về luật giao thông, thực hiện các quy định an toàn giao thông và bảo an toàn khi tham gia giao thông. Tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm đảm bảo an toàn giao thông cho phụ huynh, đảm bảo tuân thủ quy định về an toàn giao thông, không chạy xe máy trong sân trường, đảm bảo an toàn khi đưa, đón các em học sinh.