Từ nhiều năm qua, công tác chuyển đổi số (CÐS), ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý, dạy và học của ngành Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) TP Cần Thơ đạt những bước tiến quan trọng. Qua đó, tạo nền tảng, góp phần nâng cao chất lượng, đổi mới giáo dục.
Một tiết học tại phòng học thông minh, Trường THCS Thị trấn Thới Lai. Ảnh: CTV
Ứng dụng CNTT và CĐS từ bậc mầm non...
Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay, việc ứng dụng CNTT vào các lĩnh vực, trong đó có GD&ÐT, là xu thế tất yếu. Tại TP Cần Thơ, nhiều năm qua, ngành Giáo dục thành phố đã linh hoạt triển khai thực hiện phù hợp việc ứng dụng CNTT, CÐS ở các cấp học, bậc học.
Chẳng hạn, ngay từ bậc học mầm non, ngành đã triển khai thực hiện Quyết định số 1282/QÐ-BGDÐT của Bộ trưởng Bộ GD&ÐT ban hành kế hoạch tăng cường ứng dụng CNTT và CÐS trong GD&ÐT giai đoạn 2022-2025; hướng dẫn các cơ sở đẩy mạnh việc CÐS trong giáo dục mầm non, ứng dụng CNTT để quản lý, điều hành, tuyển sinh, chăm sóc, giáo dục trẻ...
Năm học 2022-2023, Sở tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực ứng dụng CNTT trong quản lý, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non cho cán bộ quản lý, giáo viên mầm non cốt cán; xây dựng các hoạt động giáo dục điển hình tiếp cận công nghệ theo hướng thực hành trải nghiệm để nhân rộng cho đội ngũ chuyên môn…
Ðến nay, 100% cơ sở giáo dục mầm non tại TP Cần Thơ ứng dụng CNTT trong công tác quản lý thống kê số liệu, tài chính, quản lý công tác bán trú.
Theo lãnh đạo Phòng GD&ÐT quận Ninh Kiều, ngành đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện CÐS trong giáo dục từ bậc mầm non đến THCS. Trong đó, bậc mầm non, mục tiêu thực hiện CÐS nhằm giảm công sức lao động của cán bộ, giáo viên, nhân viên; giảm chi phí mua sắm nhưng vẫn mang lại hiệu quả tối ưu.
Năm học 2022-2023, ngành tổ chức bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ trong ứng dụng CNTT cho đội ngũ nhà giáo; hướng dẫn các đơn vị những nội dung CÐS phù hợp với bậc học.
Có 100% cơ sở giáo dục khai thác và sử dụng các ứng dụng Google Meet, Microsoft Teams, Zoom tổ chức họp hội đồng sư phạm, họp tổ chuyên môn, sinh hoạt chuyên đề, họp cha mẹ trẻ em… bằng hình thức trực tuyến.
Tất cả 62 cơ sở giáo dục trên địa bàn quận Ninh Kiều sử dụng hộp thư điện tử để tiếp nhận văn bản chỉ đạo điều hành, từng bước chuyển đổi những tài liệu giấy qua văn bản điện tử để giúp thuận tiện hơn trong công tác quản lý…
… đến giáo dục phổ thông
Ðối với giáo dục phổ thông, việc ứng dụng CNTT và CÐS hoạt động quản lý, dạy và học đã phát huy rõ nét thời điểm bùng phát dịch COVID-19 năm học 2020-2021. Sở GD&ÐT thành phố tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách hỗ trợ dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình, học qua internet cho các cơ sở giáo dục; với phương châm “tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học”.
Sau đó, ngành tiếp tục chỉ đạo các trường phổ thông tiếp tục thực hiện CÐS thông qua việc ứng dụng CNTT, cụ thể: sử dụng phần mềm để quản lý học sinh (SMAS, VNEdu, K12online, cơ sở dữ liệu ngành…); 100% học sinh phổ thông đều có Học bạ điện tử. Các trường đã ứng dụng CNTT sử dụng thiết bị thông minh ngay trong lớp học, giúp tăng tương tác với người học và tính trực quan của bài giảng.
Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục trung học sử dụng thường xuyên các thiết bị thông minh (như tivi, máy tính, máy chiếu…); xây dựng các phòng học thực hiện hai chức năng (vừa dạy học trực tiếp, vừa trực tuyến đối với học sinh không có điều kiện đến trường)…
Ðiển hình một số đơn vị như Trường THCS Long Tuyền, Trường THCS Thị trấn Thới Lai đã xây dựng các phòng học thực hiện hai chức năng. Trong đó, Trường THCS Thị trấn Thới Lai được huyện đầu tư thí điểm xây dựng mô hình phòng học thông minh trong năm học vừa qua.
Trường có 3 phòng học, với các thiết bị như ti vi tương tác thông minh màn hình 85 inch và bảng trượt thông minh; bục giảng thông minh tích hợp hệ thống micro, bộ xử lý âm thanh, loa, màn hình cảm ứng, máy tính; hệ thống camera ghi hình lại tiết dạy, máy tính đã được tích hợp sẵn các phần mềm, ứng dụng để phục vụ cho việc học, bàn ghế thông minh, máy scan, wifi đường truyền tốc độ cao… để tạo điều kiện tối ưu cho học sinh tham gia học tập.
Theo thầy Trần Quang Nhựt, Hiệu trưởng Trường THCS Thị trấn Thới Lai, phòng học thông minh được đầu tư bằng nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước và vận động xã hội hóa, qua đó tạo môi trường học tập tiên tiến, hiện đại, tạo động lực cho học sinh tích cực tham gia học tập.
“So với phòng học truyền thống, phòng học thông minh mang lại hiệu quả tích cực đối với học sinh, giáo viên, nhà trường, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập”, thầy Nhựt nói.
Theo lãnh đạo Sở GD&ÐT thành phố, ngành chỉ đạo các đơn vị chủ động phương án tổ chức thực hiện giáo dục STEM theo định hướng Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 trong các trường tiểu học, trung học phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương và khả năng đáp ứng của các đơn vị.
Năm học 2022-2023, có 100% trường tiểu học, THCS, THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học tổ chức giáo dục STEM theo hướng dẫn của Bộ GD&ÐT; phối hợp với các chuyên gia về giáo dục STEM tổ chức tập huấn định hướng giáo dục STEM cho lãnh đạo, giáo viên; tổ chức chuyên đề giáo dục STEM tiểu học cấp thành phố theo hình thức vừa trực tuyến, vừa trực tiếp…
Song song với việc tổ chức hình thức bài học STEM, các trường tiểu học ở TP Cần Thơ còn thực hiện đa dạng các hình thức tổ chức giáo dục STEM như hoạt động trải nghiệm STEM thông qua các câu lạc bộ nghiên cứu khoa học kỹ thuật, thực hiện tốt các không gian trải nghiệm STEM, các góc STEM trong từng lớp học, khuôn viên nhà trường.
Một số cơ sở giáo dục thực hiện khá tốt công tác xã hội hóa, duy trì và tổ chức được các câu lạc bộ STEM - Robotic, STEM - khoa học máy tính như Trường Tiểu học Bình Thủy, Trường Tiểu học An Thới 2 (cùng quận Bình Thủy), Trường Tiểu học Ngô Quyền (quận Ninh Kiều)…
Theo bà Nguyễn Kiều Phương, Trưởng Phòng GD&ÐT quận Bình Thủy, việc ứng dụng CNTT, CÐS ở các cơ sở giáo dục đã mang lại hiệu quả tích cực trong quản lý, dạy và học. Ðiển hình là ứng dụng CÐS trong quản lý giáo viên, học sinh (sổ liên lạc điện tử); việc thanh toán không dùng tiền mặt; thực hiện mô hình lớp học thông minh…
Thực hiện chỉ đạo của Sở GD&ÐT thành phố, quận đã triển khai thí điểm giảng dạy STEM cho tất cả 13/13 trường tiểu học ở quận. STEM là một trong những điều kiện cơ bản để từng bước trang bị kỹ năng học tập, robothon cho học sinh; khơi dậy niềm yêu thích khoa học, kích thích trí tuệ và sự sáng tạo của các em. Giáo dục STEM không những mang lại hiệu quả nâng cao năng lực của học sinh, mà còn góp phần đẩy mạnh công tác CÐS trong các cơ sở giáo dục.
Theo B.KIÊN (Báo Cần Thơ)