Không chỉ đẹp về diện mạo và vững về kinh tế, điều đáng mừng nữa là đời sống văn hóa nông thôn ở Cần Thơ vẫn đậm đà bản sắc, an ninh nông thôn được giữ vững. Cảnh quan môi trường ngày càng xanh - sạch - đẹp. Nhiều cách làm mới năng động, quyết liệt và hiệu quả tiếp tục được triển khai ở Cần Thơ trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
Bước sang giai đoạn mới, Cần Thơ đang cùng cả nước tiếp tục đẩy mạnh thi đua xây dựng nông thôn mới theo hướng thông minh, bền vững. Theo quy định, xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 phải đáp ứng các yêu cầu: đạt chuẩn NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025; thu nhập bình quân đầu người của xã tại thời điểm xét, công nhận xã NTM kiểu mẫu phải cao hơn từ 10% trở lên so với mức thu nhập bình quân đầu người áp dụng theo quy định đối với xã NTM nâng cao tại cùng thời điểm; có ít nhất một mô hình ấp thông minh. Đặc biệt, xã đạt tiêu chí quy định xã NTM kiểu mẫu theo ít nhất một trong các lĩnh vực nổi trội nhất (tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, về giáo dục, về y tế, về văn hóa, về du lịch, về cảnh quan môi trường, về chuyển đổi số, về an ninh trật tự,...) mang giá trị đặc trưng của địa phương.
Cuối năm ngoái, xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Cần Thơ hân hoan ghi dấu ấn cho hành trình xây dựng NTM kiểu mẫu với kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn phát triển đồng bộ; thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh từ 60,45 triệu đồng/người/năm (năm 2020) lên 70,91 triệu đồng/người (năm 2022); 100% tuyến đường huyện, đường xã, đường trục ấp, đường trục chính nội đồng được bê tông, nhựa hóa đạt chuẩn theo quy định...
Đặc biệt hơn, xã còn xây dựng được mô hình tiêu biểu trong xây dựng NTM kiểu mẫu là mô hình “ấp thông minh” tại ấp D2. Theo đó, tại nhà thông tin ấp và các nơi công cộng đều có mạng wifi miễn phí để người dân có thể truy cập internet để xem tin tức, các văn bản luật, thủ tục hành chính, tham gia giao dịch hành chính... Qua điều tra tổng số 532 hộ dân trên địa bàn ấp sử dụng điện thoại thông minh 1.681/1.806 người, đạt tỷ lệ 93,1%...
Không kém cạnh xã Định Môn, huyện Thới Lai đã hình thành 2 hợp tác xã kiểu mới hoạt động hiệu quả (Hợp tác xã Đồng Tâm và Hợp tác xã Đồng Tiến) góp phần thay đổi nhận thức của người dân từ sản xuất nhỏ lẻ sang tập trung theo hướng hàng hóa.
Không kém cạnh, xã Định Môn hoàn thành phát triển sản xuất hữu cơ trên nhãn Idor, với diện tích 215ha đảm bảo liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ, được chứng nhận VietGAP và đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc. Hiện xã có 8 ấp đăng ký xây dựng NTM kiểu mẫu về cảnh quan môi trường giai đoạn 2021-2025. Theo đó, các hộ gia đình phải đảm bảo nhà cửa, khuôn viên gia đình, chuồng trại chăn nuôi được chỉnh trang, tu sửa, làm đẹp; vườn tạp được cải tạo thành vườn cây ăn trái, vườn rau, vườn hoa - cây cảnh; tích cực tham gia phong trào vệ sinh môi trường định kỳ của xã, ấp...
Từ những bước đi vững chắc trong giai đoạn xây dựng NTM, huyện Cờ Ðỏ đã quyết tâm “giữ lửa” phong trào, chung sức xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, từng bước đưa nông nghiệp, nông thôn của địa phương phát triển toàn diện. Nhờ phong trào mà địa phương vùng sâu, vùng xa của huyện Cờ Ðỏ thay da, đổi thịt; kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển mới với quy mô, trình độ, hiệu quả cao hơn. Minh chứng là năm 2022, doanh thu bình quân trên 1 héc-ta đất sản xuất nông nghiệp đạt gần 199 triệu đồng, vượt 7,56% kế hoạch năm. Huyện xây dựng được Bản đồ nông hóa thổ nhưỡng phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng NTM - đây là cơ sở để chuyển đổi các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao...V.v....V.v....
Hơn 2 năm trước, thành phố Cần Thơ là địa phương đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long và thứ ba trong cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, sớm hơn một năm so với kế hoạch.
Còn nhớ, trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Cờ Đỏ và Thới Lai là hai huyện có xuất phát điểm khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết, sức cạnh tranh kém, mức hưởng thụ về vật chất và tinh thần của người nông dân còn thấp.
Nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của thành phố, sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, hai huyện đã có nhiều nỗ lực, nhiều cách làm hay, sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới. Cùng với các cách làm hiệu quả về quy hoạch, về đầu tư hạ tầng thiết yếu, sản xuất nông nghiệp với nhiều mô hình sản xuất mới có sức lan tỏa, mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần bảo tồn nét đẹp văn hóa làng quê, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp và giữ vững an ninh trật tự nông thôn.
Đặc biệt, hai huyện Cờ Đỏ và Thới Lai đã lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn ngân sách trên địa bàn, cùng với việc huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực từ cộng đồng, doanh nghiệp để tập trung đầu tư cho phát triển hạ tầng nông thôn, chưa đầy 10 năm sau, hạ tầng kinh tế-xã hội của Thới Lai và Cờ đỏ được tập trung đầu tư nâng cấp, xây mới, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn chuyển biến rõ nét đến từng xóm ấp.