Giá vàng trên thị trường Việt Nam thời gian qua lên/xuống thần tốc. Một lượng vàng từ 80 triệu đồng, chỉ trong vòng một tuần lễ bỗng dựng đứng lên tới gần 100 triệu đồng. 

Trong mấy ngày vừa qua, lập tức tụt dốc còn 80 triệu đồng, và đang tụt tiếp xuống còn xấp xỉ 77 triệu đồng. Điều gì đã tạo ra hai nghịch lý đảo chiều cao độ trong một thời gian cực kỳ ngắn đến vậy?

Vàng T5 2024 Nguyen Hue.jpg
Người dân đổ xô mua vàng SJC trong một thời gian dài. 

Thứ nhất là sự điều chỉnh về sản xuất và bán vàng SJC (Công ty TNHH một thành viên thuộc Ngân hàng nhà nước). Việc này không chỉ được riêng thị trường vàng hoan nghênh, mà còn được tất cả các thị trường khác, đặc biệt là thị trường tiền tệ, thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán và các loại thị trường đầu tư khác ngó nhìn để có sự điều chỉnh tương thích.

Thứ hai là hủy bỏ phương thức đấu giá vàng SJC nhằm tăng cung cho thị trường. Phương thức này đã bị khủng hoảng liên tiếp ngay tại các vòng đấu giá đầu tiên bởi giá khởi điểm không giảm được bao nhiêu so với giá đang trên đỉnh của thị trường hiện hữu. Quan trọng hơn, giá chào bán đó chỉ dành cho thị trường bán buôn, chỉ các nhà đầu tư kinh doanh vàng mới có thể tham gia.  Những nhà kinh doanh này không mua vào bởi không có chênh lệch giá đáng kể để họ có thể bán ra có lãi.

Thứ ba, giá vàng giảm mạnh nhắm đến bên cầu là người dân. So với bên cầu là người kinh doanh vàng, thì bên cầu người dân có số lượng nhiều gấp bội, đồng thời đang có nhiều tiền mặt. Trong bối cảnh đó, người dân đổ xô mua vàng SJC. Việc chuyển từ phương thức bán buôn sang phương thức bán lẻ là phương thức vẹn cả đôi đường. Một mặt, Ngân hàng Nhà nước được rảnh tay để giảm giá vàng bán ra mà không lo bị thao túng bởi các nhà kinh doanh độc quyền vàng như nhiều năm đã qua. Mặt khác, lại thu hút được những dòng tiền nhàn rỗi trong dân đang trong thời điểm chưa muốn gửi tiết kiệm vào ngân hàng.

Cả ba điều trên hội tụ lại thành một mẫu số chung cho thị trường vàng, đó là  một khởi đầu rất cần thiết và đã làm được sắp xếp lại thị trường vàng nhiều thành phần trong nền kinh tế mà nhiều năm qua đã bị bỏ lại phía sau của công cuộc Đổi Mới. Đây là một vấn đề lớn, có độ phức tạp cao, trong đó phải trả lời cho được câu hỏi doanh nghiệp Nhà nước ở đâu trong bình ổn giá của thị trường vàng nhiều thành phần này? Sở dĩ câu hỏi này được đặt ra là vì doanh nghiệp Nhà nước đã được xác định là một công cụ thực hiện chức năng quản lý nền kinh tế nói chung, và trong lĩnh vực thị trường vàng nói riêng. Đây là phương thức thay thế cho việc Nhà nước dùng mệnh lệnh  để ban hành giá vàng trên thị trường. Trước mắt, việc khởi đầu trên đây cần được tiếp tục thực hiện. Phương thức bán lẻ vàng SJC này còn nhiều dư địa để tiếp tục hạ nhiệt cơn sốt giá vàng như đã thấy.

Về tổng thể, việc sắp xếp lại thị trường vàng nhiều thành phần đòi hỏi phải giải quyết hàng loạt vấn đề, không chỉ đơn thuần là tổ chức bán lẻ vàng SJC, càng không thể chỉ là cuộc chiến đơn độc của Ngân hàng Nhà nước- tổ chức quản lý Nhà nước về tiền tệ chứ không phải là một tổ chức chuyên trách về vàng. Sự thành công của hệ thống Ngân hàng Nhà nước được đo đếm bằng nhiều chỉ số, trong đó quan trọng hàng đầu là ổn định đồng tiền Việt Nam, ổn định tỷ giá hối đoái, bảo đảm dự trữ vàng quốc gia cho các cán cân thăng bằng của nền kinh tế. Như vậy, bán lẻ vàng SJC chỉ là giải pháp “cấp cứu” trong hạ giá vàng. Sau đợt cấp cứu này phải là những giải pháp tiếp máu, oxy, dinh dưỡng cho thị trường vàng nhiều thành phần, trong đó kinh tế Nhà nước chiếm vị trí chủ đạo mà hệ thống Ngân hàng Nhà nước chỉ là một trong những công cụ hàng đầu trong việc thiết lập lại sự ổn định.

Vang Pham Hai.jpg
Ngân hàng Nhà nước cần có cơ chế đặc thù đối với các doanh nghiệp nhiều thành phần kinh doanh trong thị trường vàng

Trước hết, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của mình đã được quy định trong lĩnh vực tiền tệ như in tiền, cung ứng và thu hồi tiền, ổn định tỷ giá hối đoái, duy trì lạm phát trong tầm kiểm soát, cân bằng ngoại tệ cho cán cân xuất nhập khẩu, bảo đảm hiệu quả hoạt động của hệ thống Kho bạc Nhà nước, thực hiện quản lý Nhà nước đối với hệ thống các ngân hàng thương mại nhiều thành phần, thực hiện dự trữ vàng cho nhu cầu của Nhà nước. 

Với SJC, cần xác định đây là một doanh nghiệp Nhà nước, có chức năng độc quyền xuất nhập khẩu vàng cho nền kinh tế, trong đó tiếp tục sản xuất vàng SJC và tạo vàng nguyên liệu sau nhập khẩu  để bán buôn và bán lẻ cho mọi nhu cầu vàng của cá nhân, của người kinh doanh vàng (doanh nghiệp các thành phần).  

Với câu hỏi “Nhà nước ở đâu trong bình ổn giá trong thị trường vàng”, thì câu trả lời phải là từ toàn bộ hệ thống doanh nghiệp nhiều thành phần trong lĩnh vực cung-cầu vàng dưới sự thống nhất quản lý Nhà nước. 

Thực trạng này đã và đang đặt ra những đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước phải có cơ chế đặc thù đối với các doanh nghiệp nhiều thành phần kinh doanh trong thị trường vàng, trong đó gắn được “giá vàng” với “giá tiền” (VNĐ/USD). Cơ chế đặc thù này hiện chưa có nên SJC tiến thoái lưỡng nan, 4 ngân hàng thương mại Nhà nước hầu như đứng ngoài cuộc, các thương hiệu kinh doanh vàng tư nhân bề ngoài là mua/bán vàng trang sức nhưng bên trong là mua/bán các loại vàng miếng với giá cả độc quyền lên/xuống hàng ngày, thậm chí hàng giờ với “sáng đúng, chiều sai, đến mai định lại”. Tình trạng đầu cơ vàng trong bán buôn, độc quyền đặt giá vàng trong bán lẻ, áp đặt chỉ mua/không bán hoặc ngược lại của khu vực tư nhân trong kinh doanh vàng đã kéo dài nhiều năm, trở thành con bệnh trầm kha khiến các cơ quan thanh tra, kiểm tra, giám sát đang phải vào cuộc.

Rõ ràng rằng bình ổn giá vàng đang còn nhiều việc phải làm, thậm chí phải làm khẩn trương vừa như một việc cấp bách để bù cho việc bị bỏ lại phía sau trong nhiều năm qua, vừa như một việc hệ trọng trong một tổng thể dễ bị đổ bể. Từ hàng trăm tấn vàng theo ước tính trong dân, nhiều tấn vàng thuộc các đại gia bất động sản, đại gia chứng khoán...tất cả đều đang nằm trong hòm, hầm, rường, tủ. Nếu tất cả số vàng đó đều được đưa vào lưu thông cung/cầu bình thường trong thị trường thì vàng đâu còn khan hiếm, đâu còn phải nhập lậu theo các loại đường mòn biên giới, đường mòn hàng không… từ nhiều năm qua.  Nếu việc tổ chức lại hệ thống doanh nghiệp kinh doanh vàng nhiều thành phần được tiến hành song song với quá trình đang được thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan Nhà nước bằng  nhiều phương án để chọn được phương án tối ưu thì kỳ vọng về ổn định thị trường vàng, đưa giá vàng tại thị trường Việt Nam không khác biệt so với thị trường thế giới sẽ trở thành hiện thực.