Thuế là công cụ hữu hiệu nhất
Tại cuộc họp vào ngày 9/6 giữa NHNN với các chuyên gia kinh tế để trao đổi về chính sách quản lý thị trường vàng và bàn sửa đổi Nghị định số 24/2012/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng (Nghị định số 24), các chuyên gia đã đề xuất những giải pháp quản lý hoạt động kinh doanh vàng là Nhà nước cũng có thể sử dụng thuế để điều tiết, không chỉ là điều tiết thu nhập mà còn điều tiết hành vi của người tiêu dùng.
Giải pháp này nhằm thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng ở trong nước và thế giới theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tránh hệ lụy tiêu cực của tình trạng này như: buôn lậu, trốn thuế, quản lý ngoại tệ chuyển ra nước ngoài…
GS. TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, cho rằng giữa việc nhập khẩu vàng làm nguyên liệu cho việc chế biến trang sức và nhập khẩu vào làm vàng miếng trao đổi, hai mục tiêu này khác nhau nhưng dù thế nào thì cũng phải thu thuế.
Đồng tình với ý kiến trên, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia, cho rằng công cụ hữu hiệu nhất là thuế, nếu không khuyến khích thì thuế cao, còn không thì giảm xuống. Việc chống buôn lậu đôi khi dùng các biện pháp hành chính không hiệu quả bằng thuế.
TS.Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, cũng cho rằng việc hạn chế vàng cũng là cần thiết, đáp ứng có giới hạn, đáp ứng quyền tự do tiếp cận vàng nhưng cũng cần phải tôn trọng quyền tự do tiếp cận các mặt hàng thiết yếu trong nền kinh tế.
Thuế là một công cụ điều tiết của bất cứ Nhà nước nào. Bất động sản hay vàng hay bất kỳ nguồn thu nào khác. “Dĩ nhiên cũng có nhiều quan điểm trong bối cảnh người dân đổ xô đi mua vàng, đầu cơ, tích trữ như thế. Đến một lúc nào đó, tôi nghĩ rằng Nhà nước cũng có thể sử dụng thuế để điều tiết, không chỉ là điều tiết thu nhập mà còn điều tiết hành vi của người tiêu dùng”, ông Phước nói.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Thị Mùi, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia, đề xuất NHNN cần sớm kiến nghị Bộ Tài chính xây dựng các chính sách thuế đối với vàng.
Việc áp dụng các chính sách thuế đối với thị trường vàng trong nước sẽ góp phần giảm bớt nhu cầu vàng của một số bộ phận nhà đầu tư và thị trường, đặc biệt đối với những đối tượng mua vàng với mục đích đầu cơ, tích trữ, thao túng giá vàng; giải pháp trên có thể ảnh hưởng tâm lý của người tiêu dùng, khiến họ chuyển sang các kênh đầu tư khác, từ đó giúp kiểm soát giá vàng.
Bên cạnh đó việc áp dụng thuế sẽ đảm bảo công bằng trong hoạt động kinh doanh vàng và tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, hiện nay các lĩnh vực chứng khoán, bất động sản…. cũng đang áp dụng thuế thu nhập cá nhân, do đó mua bán vàng cũng nên áp dụng chính sách thuế phù hợp.
TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng nhận định, việc đánh thuế trên giao dịch vàng không những tăng nguồn thu cho ngân sách mà có khả năng làm giảm lợi nhuận trong kinh doanh vàng tại thời điểm giá vàng tăng cao, một phương pháp chống “vàng hóa” hữu hiệu.
“Không có vàng chúng ta vẫn sống…”
Các chuyên gia cũng đưa ra những cảnh báo để người dân thận trọng khi mua vàng.
Theo TS.Trương Văn Phước, NHNN bán vàng cho 04 NHTM NN và Công ty SJC và giá vàng đã xuống. Người dân tập trung mua vàng rất lớn. Với góc nhìn của biến động thị trường, TS.Trương Văn Phước cho rằng, lúc này người dân cần hết sức thận trọng vì chỉ một động thái NHTW Trung Quốc ngưng mua vàng cho dự trữ của họ thì giá vàng mỗi đêm giảm xuống từ 80-100 USD, cũng như nhiều biến số kinh tế của Mỹ và Châu Âu…
“Người dân cần thận trọng, dĩ nhiên tài sản là quyền của công dân, pháp luật không cấm mua bán nhưng nên thận trọng”, TS.Trương Văn Phước nhấn mạnh.
TS Trương Văn Phước cho rằng việc cung ứng vàng ra thị trường của NHNN là một nỗ lực của Chính phủ là kéo giá vàng xuống.
Bên cạnh vàng, Chính phủ hay NHNN còn phải cân đối với bao nhiêu mặt hàng khác rất thiết yếu cho đời sống của người dân.
“Nếu một hôm không cầm 1 lượng vàng thì chắc chắn chúng ta vẫn sống, nhưng nếu một hôm chúng ta không có xăng dầu, không có phân bón, gạo, nhu yếu phẩm thì sẽ thế nào… Cho nên cũng cần phải thông cảm rằng, việc NHNN cung ứng một lượng vàng để đáp ứng cho người dân như vậy là tốt”, TS Trương Văn Phước nhấn mạnh.
PGS.TS Nguyễn Thị Mùi cũng khuyến cáo, người dân phải rất cân nhắc trong bối cảnh hiện nay, có rất nhiều kênh đầu tư có thể kiếm lời, trong đó kênh phù hợp với những người dư giật không nhiều vẫn là gửi tiền tiết kiệm.
“Đầu tư chứng khoán cần am hiểu hoặc vẫn không có đủ tiền để đầu tư bất động sản thì nên gửi tiết kiệm, còn gom để mua 1, 2 cây vàng để khi gia đình có công có việc hoặc là tổ chức cưới con cháu thì còn được, còn bảo mua vàng để chờ lên giá bán đi thì tôi nghĩ 1 cây mức lời cũng khiêm tốn”, PGS. TS Mùi phân tích.