Nguy cơ bị chiếm đoạt thông tin cá nhân

Chỉ cần lên mạng tìm kiếm dịch vụ làm hộ chiếu, hàng trăm nghìn địa chỉ hiện ra với thời gian và cách thức “làm hộ” rất nhanh chóng và tiện lợi. Đáng chú ý, trên mạng xã hội Facebook, những hội nhóm làm dịch vụ Hộ chiếu, xin Visa rất nở rộ và có đông người quan tâm tìm hiểu.

Tuy nhiên, theo khuyến cáo của cơ quan công an, việc các đối tượng xấu lợi dụng sự kém hiểu biết công nghệ của một bộ phận người dân, nhất là các thủ tục thực hiện dịch vụ công trực tuyến nói chung, làm hộ chiếu online nói riêng khiến mạng xã hội xuất hiện nhiều trang, hội nhóm 'cò mồi' làm hộ chiếu nhanh tiềm ẩn nhiều nguy cơ chiếm đoạt thông tin cá nhân người dùng.

Trước đó, giữa tháng 6/2024, Công an thành phố Hà Nội phải phát đi cảnh báo về hiện tượng lừa đảo qua hình thức làm hộ hộ chiếu. Cụ thể, khi dịch vụ tiếp nhận hồ sơ cấp hộ chiếu trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia và Cổng dịch vụ công Bộ Công an tạo thuận lợi rất lớn cho công dân và trở lên dễ dàng. Người dân đã có thể chủ động về thời gian, địa điểm, nộp hồ sơ nhanh chóng, dễ dàng hơn, không phải trực tiếp đến cơ quan Công an để làm các thủ tục nộp hồ sơ.

B11. Ho chieu.jpg
Cẩn trọng khi sử dụng “dịch vụ” làm hộ hộ chiếu qua mạng. Ảnh: Nam Phương

Tuy nhiên, chính sự tiện lợi này và lợi dụng một bộ phận người dân chưa thông thạo cách thức nộp hồ sơ trực tuyến, muốn làm dịch vụ cho nhanh nên trên mạng xã hội Facebook xuất hiện nhiều trang, hội nhóm “cò mồi” đăng tải các bài viết “làm hộ” hộ chiếu như “Dịch vụ làm hộ chiếu nhanh”, “Làm hộ chiếu nhanh giá rẻ tại Hà Nội”, “Hộ chiếu Nhanh (Passport) Visa - Xuất nhập cảnh Việt Nam”... Mức chi phí phải trả cho những “dịch vụ nhanh” này cao rất nhiều lần so với lệ phí theo quy định của Nhà nước (cụ thể là 550.000- 700.000 đồng/hộ chiếu tùy yêu cầu phải ship tận nhà hay không).

Đáng lo ngại hơn, các đối tượng lừa đảo qua mạng đã nhân cơ hội này đánh cắp thông tin cá nhân như: ảnh chân dung, căn cước công dân, số điện thoại, email, địa chỉ thường trú, mã OTP... để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác trên không gian mạng như: đăng ký mở tài khoản ngân hàng, vay tiền trên các ứng dụng trực tuyến; đánh cắp tài khoản Facebook, VNeID... Để rồi, từ các tài khoản giả mạo này các đối tượng tiếp tục lừa đảo vay tiền của người thân, bạn bè, chiếm đoạt toàn bộ thông tin cư trú cá nhân của nhiều người trong ứng dụng VNeID.

Những lưu ý khi sử dụng dịch vụ công qua mạng

Trước những diễn biến phức tạp của những thủ đoạn này, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an thành phố Hà Nội đã phát đi cảnh báo người dân nên tự thao tác nộp hồ sơ cấp hộ chiếu trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công Bộ Công an thay vì phải đi thuê dịch vụ tiềm ẩn những rủi ro không đáng có. Nếu vì những lí do bất khả kháng không thể nộp hồ sơ, người dân có thể nhờ người thân, bạn bè quen biết, có uy tín, am hiểu công nghệ thông tin; hoặc trực tiếp đến cơ quan Công an nơi cư trú để được hướng dẫn cụ thể, chi tiết.

“Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, không sử dụng các “dịch vụ online” trên các mạng xã hội. Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần liên hệ cơ quan Công an để giải quyết kịp thời vụ việc theo quy định”, khuyến cáo nêu. Đồng thời cơ quan này đưa ra 5 lưu ý để người dân chủ động phòng tránh mắc bẫy lừa đảo trực tuyến khi tiếp nhận các cuộc gọi từ người lạ, các email không rõ nguồn gốc hay các yêu cầu cung cấp mã OTP…:

Một là, xác định danh tính của người gọi: Phải nắm được danh tính của người gọi trước khi chia sẻ bất kỳ thông tin cá nhân nào. Dựa vào những thông tin mà người gọi cung cấp, người dân nên chủ động gọi đến các tổ chức uy tín để xác minh.

Hai là, các tài khoản ngân hàng, tài khoản dịch vụ công trực tuyến (bảo hiểm xã hội, VNeID… cho tới email cá nhân, mạng xã hội) phải sử dụng hệ thống bảo mật nhiều lớp. Ví dụ, tài khoản thuộc các nền tảng như Email, Yahoo, Facebook... đều yêu cầu thực hiện xác minh chính chủ bằng nhiều hình thức bảo mật như số điện thoại, vân tay, mã pin... Do vậy, người dùng cần chủ động đăng ký các lớp bảo mật trên nhằm hạn chế tối đa việc bị xâm nhập bởi tin tặc.

Ba là, hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân qua các hình thức trực tuyến. Ví dụ, tuyệt đối không chia sẻ các thông tin như địa chỉ nhà, tài khoản ngân hàng, số chứng minh nhân dân... cho những cuộc gọi, đoạn chat lạ hay để lộ quá nhiều thông tin cá nhân lên mạng xã hội. Trong trường hợp dùng dịch vụ công hay các dịch vụ trực tuyến (mua hàng online, đăng ký các dịch vụ xã hội như thuê xe tự lái…), nếu bắt buộc phải cung cấp thông tin cá nhân, người dân nên trực tiếp đến các tổ chức, cơ quan để thực hiện các thủ tục hoặc phải biết rõ mình đang cung cấp thông tin cho đối tượng nào.

Bốn là, người dân cần chủ động thu âm các cuộc gọi và tin nhắn thoại lạ. Việc ghi lại những cuộc gọi và tin nhắn thoại sẽ giúp ích cho quá trình điều tra và truy vết đối tượng trong trường hợp người dân bị lừa đảo. Và cuối cùng là phải thường xuyên cập nhật các tin tức về các hành vi lừa đảo trực tuyến, như theo dõi các thông tin và xu hướng lừa đảo trực tuyến hiện nay qua các kênh thông tin Cổng không gian mạng quốc gia (tại địa chỉ: khonggianmang.vn) để đề phòng cũng như biết cách xử lý khi gặp phải đối tượng lừa đảo.

Nam Phương