Đây còn gọi là hiện tượng “rò rỉ carbon”, ông Bertrand Badré, cựu Giám đốc Tài chính của Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh trong bài thảo luận tại Hội nghị Quốc tế về Khí hậu, Tài chính và Phát triển Bền vững (ISCFS-2024) ở Đại học Paris-Dauphine (Pháp) với những phân tích về vai trò then chốt của tài chính xanh trong việc ứng phó biến đổi khí hậu. 

Ông đồng thời đề cập tới những kết quả và thách thức từ COP29, đặt chúng vào một bức tranh lớn hơn về sự cần thiết của một cuộc chuyển đổi mang tính hệ thống và giá trị.

Những bước tiến quan trọng ở COP29

COP29 không chỉ là một hội nghị về khí hậu mà còn là diễn đàn để các quốc gia cân nhắc những giải pháp tài chính mới, nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách về giảm phát thải và thích nghi với biến đổi khí hậu. 

Thành tựu nổi bật của hội nghị năm nay là sự nhất trí về khung pháp lý cho thị trường carbon toàn cầu theo Điều 6 của Thỏa thuận Paris. Cơ chế này cho phép các quốc gia giao dịch tín chỉ carbon, từ đó huy động nguồn tài chính lớn cho các dự án xanh. 

Song, ông Bertrand Badré nhấn mạnh, nếu không đi kèm với sự minh bạch và hợp tác sâu rộng, cơ chế này dễ bị lợi dụng hoặc làm gia tăng bất bình đẳng giữa các quốc gia.

Ngoài ra, việc thành lập liên minh khí hậu - y tế, kết nối lĩnh vực y tế và môi trường trong ứng phó với các tác động của khí hậu đến sức khỏe cộng đồng cũng là sáng kiến đáng chú ý khác tại COP29. Từ đó có thể thấy rằng, biến đổi khí hậu không chỉ là vấn đề về môi trường mà còn là một cuộc khủng hoảng đa diện, đòi hỏi sự phối hợp liên ngành. 

Tuy nhiên, các bất đồng giữa các quốc gia về trách nhiệm tài chính và mức độ cam kết vẫn còn là thách thức lớn, thể hiện qua việc các nước phát triển chưa đạt được cam kết tài trợ 100 tỷ USD mỗi năm cho các nước đang phát triển.

1 tai chinh xanh la gi.jpg
Tài chính xanh, khi được quản lý đúng cách, có thể trở thành động lực mạnh mẽ nhất để xây dựng một thế giới bền vững và công bằng hơn. Ảnh minh hoạ

Tài chính xanh: Công cụ và trách nhiệm

Theo Bertrand Badré, tài chính không chỉ là một công cụ mà còn là trách nhiệm đối với nhân loại. Do vậy, tài chính xanh cần được đặt trong một hệ thống có đạo đức và giá trị bền vững, thay vì chỉ chạy theo lợi nhuận ngắn hạn. 

Các tiêu chuẩn kế toán và cơ chế định giá tài sản cũng cần được xem xét lại để phản ánh đúng tác động môi trường và xã hội. Ví dụ, các khoản đầu tư vào tín chỉ carbon, nếu không được quản lý chặt chẽ, có thể dẫn đến tình trạng “rửa xanh” (greenwashing), nơi các công ty hoặc quốc gia tuyên bố giảm phát thải nhưng thực tế chỉ chuyển trách nhiệm phát thải sang nơi khác. 

Đây còn gọi là hiện tượng “rò rỉ carbon” - một khái niệm định lượng sự gia tăng phát thải khí nhà kính ở một quốc gia do kết quả của việc cắt giảm phát thải của một quốc gia khác có chính sách giảm thiểu biến đổi khí hậu nghiêm ngặt hơn. 

Do đó, ông Bertrand Badré kêu gọi một cách tiếp cận minh bạch hơn, trong đó các công cụ tài chính không chỉ được tối ưu hóa mà còn phải phục vụ lợi ích chung của xã hội.

Thông điệp trung tâm trong phát biểu của ông Bertrand Badré là chúng ta không thể giải quyết các vấn đề khí hậu bằng những giải pháp rời rạc. Biến đổi khí hậu là một vấn đề hệ thống, đòi hỏi phải tái cấu trúc toàn bộ hệ thống tài chính và chính trị toàn cầu. Ông cho rằng, các chính phủ và doanh nghiệp không thể chỉ làm việc độc lập mà cần thiết lập các liên minh bền vững.

Kết quả từ COP29 cho thấy, các cơ chế như thị trường carbon hay Quỹ Tổn thất và Thiệt hại không thể hoạt động hiệu quả nếu không có sự phối hợp toàn cầu, đặc biệt là trong việc chia sẻ gánh nặng tài chính để hỗ trợ các nước kém và đang phát triển. 

Tuy nhiên, ông cũng đưa ra cảnh báo, đoàn kết không thể chỉ tồn tại trên giấy tờ. Các quốc gia cần chứng minh cam kết của mình thông qua hành động cụ thể, chẳng hạn như tăng cường tài trợ cho Quỹ Tổn thất và Thiệt hại hoặc cung cấp công nghệ sạch cho những nước nghèo hơn. Việc các nước phát triển không đáp ứng được kỳ vọng của các nước đang phát triển không chỉ làm suy yếu lòng tin mà còn tạo ra nguy cơ bất ổn địa chính trị. 

Theo cựu Giám đốc Tài chính của Ngân hàng Thế giới, phát triển bền vững không chỉ là giảm phát thải hay bảo vệ môi trường, mà còn là đảm bảo rằng xã hội có thể đoàn kết và các lợi ích được phân bổ công bằng. 

Nếu như các đại biểu tại COP29 đã nêu bật khía cạnh đạo đức trong các cuộc đàm phán, đặc biệt là về trách nhiệm tài chính giữa các quốc gia, thì ông Bertrand Badré cho rằng cần phải đi xa hơn nữa. Các tổ chức tài chính cần cam kết đạo đức rõ ràng, và mọi quyết định đầu tư phải cân nhắc đến tác động xã hội và môi trường dài hạn. 

Ông kêu gọi các quốc gia, tổ chức và cá nhân bắt đầu từ những thay đổi nhỏ nhất để tạo ra tác động lớn hơn. Các nhà khoa học, các nhà công nghiệp và nhà hoạch định chính sách cần cởi mở thảo luận và chia sẻ những nghiên cứu mới nhất về vai trò của công nghệ trong việc tối ưu hóa tài chính xanh để có những chương trình hành động có tính khả thi, nhanh chóng và hiệu quả.

Nhìn lại kết quả của COP29 và các bài học chia sẻ bởi ông Bertrand Badré, có thể thấy rõ chúng ta cần một sự chuyển đổi toàn diện, không chỉ trong các công cụ tài chính mà cả trong tư duy và giá trị của mình. 

Thế giới đang đứng trước ngã rẽ, nơi những quyết định hôm nay sẽ định hình tương lai của hành tinh. Tài chính xanh, khi được quản lý đúng cách, có thể trở thành động lực mạnh mẽ nhất để xây dựng một thế giới bền vững và công bằng hơn. Nhưng điều đó đòi hỏi tất cả chúng ta phải vượt qua lợi ích cá nhân và cùng hành động vì lợi ích chung. Thời gian không còn nhiều, và tương lai phụ thuộc vào những gì chúng ta làm ngay lúc này.

TS. Nguyễn Anh - Chuyên gia Phát triển đô thị bền vững SUDNet, AVSE Global

(Bài viết kết hợp giữa phân tích của TS. Nguyễn Anh và chia sẻ của ông Bertrand Badré về tài chính xanh và các bài học về chuyển đổi bền vững tại Hội nghị Quốc tế về Khí hậu, Tài chính và Phát triển Bền vững - ISCFS, Paris 2024).