Tự ý đưa mức giá nền đất/ căn hộ cao hơn rất nhiều so với giá chủ đầu tư công bố, cung cấp thông tin sai lệch, yêu cầu ký hợp đồng tư vấn với mức phí cao bất thường, trực tiếp thu tiền thanh toán… là những chiêu thức “bẫy” khách hàng của môi giới bất động sản.

Đơn cử, vừa qua nhiều khách hàng của dự án Gold Hill (huyện Trảng Bom, Đồng Nai) do Công ty Cổ phần Xây dựng Địa ốc Long Kim Phát (Công ty Long Kim Phát) - một công ty con của Tập đoàn Đất Xanh (Mã CK: DXG) làm chủ đầu tư đã có đơn phản ánh việc đơn vị môi giới là Công ty Cổ phần Địa ốc Kim Phát (Công ty Kim Phát) tự nâng giá mỗi nền đất lên hàng trăm triệu đồng, trì hoãn ra hợp đồng mua bán, quảng cáo sai sự thật…

Ông Trịnh Xuân Chốp, một khách hàng cho biết đã mua một nền đất 125m2 của dự án Gold Hill từ Công ty Kim Phát. Sau khi thanh toán 200 triệu đồng, ông Chốp hối thúc công ty ra hợp đồng mua bán chính thức mới vỡ lẽ nền đất bị Công ty Kim Phát nâng lên 78 triệu đồng, thông qua hình thức yêu cầu khách hàng ký vào hợp đồng tư vấn chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Cụ thể, giá trị nền đất trong hợp đồng chính thức chủ đầu tư đưa ra chỉ 409 triệu đồng, nhưng số tiền thực ông Chốp phải đóng đến 487 triệu đồng.

{keywords}

Một khách hàng khác là bà Nguyễn Trà Hoa Nữ cho biết: “Tôi mua lô đất GHL.016.48 có diện tích 101,5m2 qua sự môi giới của Công ty Kim Phát với giá 725 triệu đồng. Khi mua đất, công ty môi giới này yêu cầu tôi phải đóng trước số tiền gần 456 triệu đồng thì mới được gặp chủ đầu tư của dự án là Công ty Long Kim Phát để ký hợp đồng chuyển nhượng chính thức”.

Sau khi đã đóng được hơn 200 triệu đồng, bà Nữ tìm hiểu mới tá hỏa khi biết giá bán lô đất thực tế chỉ khoảng hơn 400 triệu đồng. Biết bị công ty môi giới nâng giá để ăn chênh lệch, bà Nữ tìm đến Công ty Kim Phát yêu cầu trả lại tiền và xin hủy giao dịch nhưng không được công ty này chấp nhận.

Ngoài ra, nhiều khách hàng khác cũng phản ánh việc Công ty Kim Phát tự ý đổi tên dự án từ Gold Hill thành Dragon City và tư vấn cho họ các thông tin sai lệch, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của khách hàng.

Ông Trần Công Luận - Tổng giám đốc Công ty Long Kim Phát, cho biết công ty ký hợp đồng môi giới với Công ty Kim Phát vào tháng 5/2016. Đến đầu tháng 9/2016, thông qua phản ánh của khách hàng, công ty nhận thấy đối tác Kim Phát đã vi phạm nhiều nội dung nghiêm trọng như: Trực tiếp thu của khách hàng tiền thanh toán chuyển nhượng quyền sử dụng đất, đưa mức giá cao hơn rất nhiều so với mức giá chủ đầu tư công bố nhằm thu lợi bất chính, cung cấp thông tin sai lệch về dự án cho khách hàng...

“Nhiệm vụ của môi giới là tìm khách hàng, tư vấn thông tin, chỉ được thu tiền không quá 20 triệu đồng và các khoản khác chuyển về cho chủ đầu tư sau 2 ngày. Những việc làm trên của Kim Phát không những vi phạm nội dung hợp đồng môi giới đã ký mà còn gây ảnh hưởng đến uy tín và quyền lợi của khách hàng” - ông Luận nói.

Trước sự việc này, Công ty Long Kim Phát đã yêu cầu đơn vị phân phối giải trình, có phương án khắc phục. Trong biên bản làm việc 3 bên gồm Công ty Kim Phát, khách hàng khiếu nại và chủ đầu tư dự án, đơn vị môi giới cam kết chậm nhất ngày 12/10 sẽ thanh toán toàn bộ số tiền đã thu của khách.

Song thời hạn này trôi qua đơn vị môi giới vẫn chưa thực hiện lời hứa. Do đó ngày 18/10, chủ đầu tư đã phát văn bản chấm dứt hợp đồng tư vấn dịch vụ môi giới đối với Công ty Kim Phát.

Một vụ việc cũng xảy ra cách đây chưa lâu là trường hợp tại dự án The Easter City (hay còn gọi là 6B Phạm Hùng) do Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai (Mã CK: QCG) làm chủ đầu tư. Nhiều cư dân đã vô cùng bức xúc tố cáo việc phải trả thêm một khoản tiền chênh lệch khá lớn không có trong hợp đồng khi mua căn hộ thông qua sàn giao dịch bất động sản Nam Tiến.

Được biết, kể từ khi chuyển công năng từ dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, Quốc Cường Gia Lai đã ký hợp đồng phân phối độc quyền 20% căn hộ thương mại (dự án nhà ở xã hội được phép trích 20% số căn hộ để bán với giá thương mại) tại dự án The Easter cho sàn giao dịch Nam Tiến.

Trong quá trình tư vấn, môi giới cho khách hàng, Nam Tiến đã tự động thu thêm một khoản tiền chênh lệch, dao động từ 70 triệu cho tới hơn 130 triệu đồng/căn hộ. Thậm chí, có căn hộ bị thu thêm tới hơn 200 triệu đồng. Khi thu số tiền này, phía Nam Tiến cũng chỉ cung cấp cho khách hàng một phiếu thu chứ không hề đưa hóa đơn thu tiền.

Thậm chí, một số căn hộ nhà ở xã hội tại dự án này cũng bị Nam Tiến kê khống giá bán. Sự việc vỡ lở, phía Quốc Cường Gia Lai đã nhanh chóng ra văn bản kết thúc hợp đồng với sàn giao dịch này.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, theo Luật Kinh doanh Bất động sản, sàn giao dịch không có quyền ký hợp đồng mua bán, hợp đồng cọc hay thu tiền của khách hàng. Trong trường hợp sàn giao dịch muốn nâng giá bán sản phẩm, phải có thỏa thuận riêng với chủ đầu tư và thỏa thuận này phải được thể hiện trong hợp đồng tư vấn giữa hai bên.

Việc sàn giao dịch tự nâng giá bán mà không thông qua chủ đầu tư, khách hàng mua sản phẩm sẽ gặp thiệt thòi lớn khi phần chênh lệch này không được ghi vào trong hợp đồng mua bán. Khi đó, sàn giao dịch sẽ bỏ túi riêng phần tiền này, khiến nhà nước bị thất thu thuế, chủ đầu tư mất uy tín, khách hàng thì mất tiền.

Theo ông Châu, hạn chế trong Luật Kinh doanh Bất động sản hiện nay, là chưa quy định mức xử phạt đối với những hành vi tư vấn sai thông tin dự án, tự động nâng giá bán của sàn giao dịch.

Thế nhưng “với những sàn giao dịch làm ăn mất uy tín như vậy, họ chỉ có thể kiếm được chút lợi ích trước mắt, nhưng thất bại trên đường dài khi các chủ đầu tư thì nghi ngại, còn khách hàng thì không dám mua những sản phẩm do họ môi giới, tư vấn trên thị trường”, ông Châu đánh giá.

Theo NDH