Nhà chức trách Canada ngày 30/1 thông báo, Ottawa đã quyết định "tạm thời rút" các nhân viên không thiết yếu và những người phụ thuộc còn lại khỏi đại sứ quán của nước này ở thủ đô Kiev, Ukraina.
Trụ sở Đại sứ quán Canada tại Kiev, Ukraina. Ảnh: Twitter |
Sputnik trích dẫn thông cáo chính thức từ Cơ quan đối ngoại toàn cầu Canada cho hay: "Khi chúng tôi tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình, ưu tiên cao nhất của chúng tôi vẫn là sự an toàn và an ninh của người Canada. Các nhân viên của chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ lãnh sự cho công dân Canada theo yêu cầu".
Tuy nhiên, thông cáo lưu ý, Đại sứ quán Canada tại Ukraina vẫn mở cửa. Phía Canada cũng khẳng định sẽ tăng cường các khả năng ngoại giao và tiếp tục đánh giá, đối phó với các diễn biến nhằm hỗ trợ quốc gia Đông Âu.
Tuần trước, Ottawa thông báo sẽ tạm thời rút thân nhân của các nhà ngoại giao có con vị thành niên khỏi Ukraina, do tình hình căng thẳng ở khu vực biên giới với Nga. Các công dân Canada cũng được khuyến nghị tránh những chuyến đi không cần thiết tới Ukraina trong thời gian này.
Trong khi đó, Bộ Chỉ huy chiến lược Mỹ, cơ quan kiểm soát vũ khí hạt nhân của xứ sở cờ hoa và mọi thứ liên quan đến việc sử dụng chúng, tuần này đã xúc tiến cuộc tập trận Global Lightning nhằm kiểm tra khả năng sẵn sàng tham gia chiến tranh hạt nhân của lực lượng. Dù cuộc tập trận đã được lên kế hoạch từ lâu và được tổ chức định kỳ, nhưng năm nay sự kiện diễn ra vào thời điểm nhạy cảm.
Các quân nhân Mỹ thamg ia cuộc tập trận Global Lightning năm 2021. Ảnh: Defense News |
Bất chấp sự bác bỏ của Moscow, Washington liên tục bày tỏ quan ngại về nguy cơ Nga sẽ tấn công Ukraina và đang cân nhắc các phương án trả đũa. Trong sự kiện Global Lightning gần đây nhất vào tháng 4/2021, quân đội Mỹ đã diễn tập dùng vũ khí hạt nhân như biện pháp răn đe trong một cuộc đối đầu giả định với Nga.
Trong thời gian diễn tập, không có bất kỳ loại vũ khí nguyên tử nào thực sự được sử dụng. Thay vào đó, Bộ Chỉ huy chiến lược Mỹ tập trung kiểm tra các lớp chỉ huy và điều khiển hạt nhân, kết hợp những đổi mới của năm trước vào các chiến thuật đã có và sát hạch quá trình ra quyết định phù hợp với kế hoạch chiến tranh hạt nhân mới, được cập nhật năm 2019.
Theo giới quan sát, kế hoạch chiến tranh hạt nhân mới của Mỹ phản ánh sự chuyển đổi mà tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang trải qua trong những năm gần đây: chuyển hướng từ chống khủng bố trở về "sự cạnh tranh giữa các cường quốc". Sự thay đổi và những bổ sung mới nhất cho kho vũ khí hạt nhân của Mỹ được tin đã ảnh hưởng đến cách mà Washington đón đợi một cuộc xung đột hạt nhân sẽ diễn ra.
Tuấn Anh
>>> Xem thêm tình hình tại Ukraina hiện nay
NATO không đưa quân tới Ukraina, LHQ cảnh báo hậu quả khủng hoảng
Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tuyên bố, liên minh không có kế hoạch triển khai lính chiến tới Ukraina ngay cả trong trường hợp quốc gia này bị tấn công.
Căng thẳng Nga - phương Tây về Ukraina, bom chờ kích nổ?
Các cảnh báo qua lại cùng động thái của Nga và phương Tây về Ukraina khiến giới quan sát lo ngại căng thẳng sẽ bùng phát thành xung đột quân sự nghiêm trọng nhất kể từ Thế chiến II.