Mối quan hệ giữa Moscow và phương Tây đã sụt giảm xuống mức thấp kể từ khi bán đảo Crưm sáp nhập vào Nga năm 2014. Giữa lúc Kiev đổ lỗi bất ổn leo thang ở Donbas, miền đông Ukraina thời gian gần đây là do các lực lượng nổi dậy gây ra, Mỹ và các đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) liên tục bày tỏ quan ngại về việc Moscow tập trung lực lượng ở khu vực biên giới.

{keywords}
 

Các cơ quan tình báo phương Tây quả quyết, Nga đã triển khai tới 100.000 lính cùng khí tài áp sát biên giới với Ukraina và đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công quân sự. Nga nhất quyết phủ nhận các cáo buộc trên, đồng thời tố ngược phương Tây dựng chuyện nhằm "bôi xấu" Moscow. Điện Kremlin nhấn mạnh, việc điều động binh sĩ bên trong lãnh thổ Nga không nhằm đe dọa bất kỳ nước nào.

Tuy nhiên, Mỹ và các nước khác thuộc NATO, Liên minh châu Âu (EU) không ngừng lên tiếng báo động. Các nước này cũng cảnh báo sẽ có "hành động đáp trả dứt khoát" nếu Ukraina bị tấn công. Câu hỏi đặt ra ở đây là phương Tây sẽ tiến xa đến mức nào để bảo vệ Kiev.

Phương Tây sẵn sàng cho kịch bản xấu

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland từng tiết lộ, NATO đã đề ra tới 18 phương án đáp trả Moscow, kể cả áp cấm vận với các tổ chức và cá nhân Nga cũng như hỗ trợ quân sự cho Kiev.

Chính phủ Anh ngày 17/1 thông báo đã bắt đầu cung cấp vũ khí chống tăng cho Ukraina để giúp nước này tự vệ. Một nhóm nhỏ nhân viên Anh cũng sẽ tham gia huấn luyện cho các lực lượng Ukraina trong thời gian ngắn. Cùng ngày, báo Global News đưa tin, Canada đã triển khai một đơn vị đặc biệt đến Ukraina để hỗ trợ Kiev cũng như thực hiện sứ mệnh sơ tán nhân viên ngoại giao Canada khi cần.

Theo CNN, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 20/1 cũng báo cáo Quốc hội việc đã cấp phép xuất khẩu cho Estonia, Latvia và Lithuania, cho phép những nước này chuyển giao vũ khí xuất xứ Mỹ cho Ukraina.

Trước đó một ngày, trong bài phát biểu kỷ niệm một năm lên nắm quyền tại Nhà Trắng hôm 19/1, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, dù còn bất đồng trong nội bộ, nhưng các thành viên NATO sẽ thống nhất phản ứng thích hợp, tùy thuộc vào động thái của Nga đối với Ukraina. Trường hợp chỉ xảy ra hành động "can dự nhỏ" hoặc tấn công mạng, họ sẽ chỉ đáp trả bằng cách tương ứng. Nhưng nếu chiến tranh xảy ra, họ sẽ bắt Moscow và nền kinh tế Nga phải "trả giá đắt", kể cả ngăn chặn các ngân hàng Nga giao dịch bằng đồng USD và giáng các đòn trừng phạt nặng nề "chưa từng thấy trước đây".

Ông Biden tin, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang cân nhắc những gì mình muốn làm, khả năng thực hiện chúng nhanh đến mức nào cũng như các hậu quả đối với đất nước. Lãnh đạo Nhà Trắng khuyến cáo, xung đột quân sự toàn diện sẽ là thảm họa đối với cả Nga, Ukraina và phương Tây. Theo ông, hiện vẫn còn hy vọng về một giải pháp ngoại giao và các nước có thể tổ chức một hội nghị hòa bình.

Tuy nhiên, các cuộc đàm phán ngoại giao cấp cao giữa Nga với Mỹ và các đồng minh nhằm hạ nhiệt khủng hoảng an ninh ở Đông Âu hồi tuần trước đã thất bại, khiến nỗi lo xung đột ngày càng tăng.

Ẩn ý của Nga

Tổng thống Mỹ nhận định, Nga nhiều khả năng đang tìm cách sát hạch và chia rẽ NATO. Trong khi, một số nhà bình luận cho rằng, việc Nga tăng quân gần biên giới với Ukraina có thể nhằm gia tăng sức ép đàm phán với phương Tây, thay vì chuẩn bị cho kế hoạch tấn công thực sự.

Bế tắc hiện nay trong thương lượng giữa hai bên xoay quanh các yêu cầu về an ninh của Nga. Moscow muốn NATO phải đảm bảo không mở rộng về phía đông, không kết nạp Ukraina, không cho lắp đặt các vũ khí chiến lược ở các nước láng giềng Nga và phải rút hết quân khỏi các nước Đông Âu đã tham gia liên minh sau Chiến tranh Lạnh.

Ông Biden nói, Washington và các đồng minh sẽ cân nhắc về vấn đề triển khai vũ khí. Ukraina sẽ không gia nhập NATO trong ngắn hạn, nhưng liên minh không thể hứa hẹn vĩnh viễn về việc này. Những yêu cầu còn lại của Nga đã bị NATO thẳng thừng bác bỏ, theo các nguồn thạo tin.

Giới quan sát đang đổ dồn chú ý vào các động thái của ông Putin. Theo hãng thông tấn Tass, lãnh đạo Điện Kremlin đã nhiều lần cảnh báo Moscow sẽ có các biện pháp đáp trả "có hệ thống, nhanh chóng và mạnh mẽ" nếu phương Tây vượt "lằn ranh đỏ", đe dọa an ninh và các lợi ích của Nga.

Về vấn đề Ukraina, ông Putin được cho sẽ giữ quan điểm cứng rắn. CNBC dẫn lời Maximilian Hess, chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu chính sách quốc tế (Mỹ) bình luận, điều này nhiều khả năng vì Ukraina có vai trò đặc biệt quan trọng với Nga về vị trí địa lý (là cầu nối Nga với các quốc gia Đông Âu khác) và hai nước cũng có mối quan hệ chặt chẽ về lịch sử, kinh tế, ngôn ngữ và văn hóa. Do đó, việc Moscow phản đối Ukraina gia nhập NATO không chỉ mang ý nghĩa biểu tượng mà còn tránh để phương Tây mở rộng ảnh hưởng đến sát sườn Nga.

Dư luận vẫn nín thở chờ xem những bước đi mới của Nga, Mỹ và NATO, với hy vọng các bên liên quan sẽ kiềm chế để căng thẳng không bùng phát thành một cuộc chiến tranh thực sự.

Tuấn Anh

>>> Đọc tin thế giới mới nhất trên Vietnamnet

Ông Biden thừa nhận NATO bất đồng về cách ứng phó Nga

Ông Biden thừa nhận NATO bất đồng về cách ứng phó Nga

Tổng thống Mỹ Joe Biden thừa nhận có sự bất đồng giữa các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về cách ứng phó với Nga trong vấn đề Ukraina.