Theo Cục Xuất nhập khẩu, hiện chỉ còn Bến 125 Tân Cảng Cát Lái và cảng Tân Cảng Nhơn Trạch còn hoạt động để phục vụ cho việc đóng gạo bằng container. Tuy nhiên, năng lực đóng hàng của 2 cảng này đều thấp hơn so với thời gian trước gây ảnh hưởng đến tiến độ xuất khẩu mặt hàng gạo, ít nhất là đến hết tháng 9/2021.

Tại Cần Thơ, sau văn bản yêu cầu tạm đóng cửa của Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP.Cần Thơ (ngày 13/8), cảng Tân Cảng Thốt Nốt đã phải dừng dịch vụ và thông báo tới khách hàng. Đồng thời, đơn vị này thực hiện kéo hàng trả ngược gạo về kho hàng của khách và thực hiện đóng tại kho. Số lượng hàng còn lại đã hoàn tất đóng tại cảng và kho đã hết tồn gạo từ ngày 18/8.

Tuy nhiên với nhu cầu xuất khẩu gạo và khó khăn như hiện nay của các DN đang thiếu công nhân đóng kho, TP.Cần Thơ cần có phương án, giải pháp cho việc đóng gạo trở lại như tại các cảng trên TP.HCM đang thực hiện. Đặc biệt, khi mùa thu hoạch đang trong cao điểm, phương án “3 tại chỗ” áp dụng cho đơn vị là cảng biển để duy trì chuỗi cung ứng, hỗ trợ các DN xuất khẩu gạo là cần thiết.

Dự kiến, Bộ Giao thông Vận tải sẽ đối thoại với các doanh nghiệp hàng hải trên địa bàn để nắm bắt vướng mắc tại Tân Cảng Thốt Nốt, Tân Cảng Cái Cui và thống nhất phương án xử lý kịp thời.

{keywords}
Xuất khẩu gạo thường gặp trục trặc từ khi dịch bùng phát.

Ở các khu vực cảng biển khác vẫn hoạt động bình thường. 

Tại cảng Cát Lái, tính đến 12 giờ ngày 26/8, tồn bãi chung toàn cảng là 81,3% (đảm bảo mức tồn container theo kế hoạch 85%). Từ 23/8 đến nay, lượng khách hàng đến cảng làm thủ tục hải quan và giao nhận, lượng tàu, lượng phương tiện ra, vào cảng cũng như sản lượng Teus hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực Tân cảng Cái Lái liên tục giảm so với thời điểm trước khi tăng cường biện pháp kiểm soát.

Trước đó, trong tuần 16-22/8, sản lượng xếp dỡ tàu giảm 15%, giao nhận giảm 24%, lượt xe vào giảm 20%, nhân viên khai báo hải quan giảm 40%. Các số liệu này đều giảm mạnh sau khi TP.HCM siết chặt giãn cách.

Cụ thể, các ngày 23-24 và 25/8, sản lượng dỡ tàu giảm lần lượt là 12%, 42% và 69%. Còn sản lượng giao nhận giảm 37% vào ngày 23/8, giảm 42% vào ngày 24/8 và giảm 33% vào ngày 25/8.

Các cảng khu vực cảng Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu, Bình Dương, Kiên Giang, Đồng Tháp, An Giang hoạt động bình thường, không có sự ùn tắc cục bộ.

Trước đó ngày 24/8/2021, Công ty Cổ phần Tân Cảng Hiệp Phước (TCHP) ký Thông báo số 280/TCHP-TB ký ngày 24/8/2021 gửi đến các đại lý/hãng tàu và khách hàng đang sử dụng dịch vụ đóng rút/ gạo tại cảng xà lan của Cảng TCHP.

"Việc tạm ngừng cung cấp dịch vụ đóng rút gạo tại Cảng TCHP là trường hợp bất khả kháng do dịch bệnh. Chúng tôi rất mong quý khách hàng đồng cảm và cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này. Dịch vụ đóng hàng gạo tại bến sà lan 125 trong Cảng Cát Lái do Tân Cảng Cát Lái quản lý khai thác vẫn duy trì”, thông báo trên cho hay. 

Công ty cổ phần Cảng Tân cảng Hiệp Phước là một thành viên của Tổng công ty Cảng Sài Gòn (TCSG) - là cảng vệ tinh hệ thống cảng Cái Mép trong hệ thống cung ứng dịch vụ logistics của TCSG - nơi thu gom, tập kết, thông quan hàng hóa (chủ yếu là hàng nông sản, bách hóa tổng hợp) tại khu vực phía Nam TP HCM và các tỉnh lân cận. Vì vậy, việc Cảng TCHP tạm ngừng dịch vụ đóng rút gạo sẽ gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông, đặc biệt là mặt hàng gạo trong giai đoạn hiện nay. 

Theo dự kiến, sớm nhất đến trung tuần tháng 9/2021, hoạt động này mới vận hành trở lại.

Lương Bằng

Lúa gạo tắc đường, hoả tốc xin mở 'luồng xanh' trên sông

Lúa gạo tắc đường, hoả tốc xin mở 'luồng xanh' trên sông

Bộ Công Thương kiến nghị mở “luồng xanh” cho vận tải đường thủy để tiêu thụ lúa gạo ở các tỉnh ĐBSCL