Trong hai ngày liên tiếp, Nhật Bản đã đưa ra hai quyết định cụ thể chi mạnh cho quốc phòng.


Đây là lần đầu tiên sau 11 năm, Nhật Bản quyết định tăng chi tiêu quốc phòng
Hôm nay, Nhật lên kế hoạch chi 2,1 tỉ USD cho quân đội chỉ trong vài tháng tới. Một quan chức Bộ Quốc phòng cho biết đây là một phần trong gói kích thích khổng lồ.

Số tiền mặt này được bổ sung vào khoản chi tiêu quốc phòng hàng năm cho năm 2012-2013 và tách ra từ khoản ngân sách được yêu cầu trong năm tài khóa tới mà các nhà hoạch định chính sách của đảng cầm quyền kêu gọi ngày hôm qua.

“Chúng tôi sẽ yêu cầu 180,5 tỉ Yên dành cho chi tiêu quốc phòng từ gói kích thích” – người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Nhật nói, và cho biết thêm là một phần trong số tiền này sẽ được dùng để mua các hệ thống chống tên lửa đạn đạo đất đối không và hiện đại hóa bốn máy bay chiến đấu F-15.

Đây là lần đầu tiên trong vòng 11 năm qua, Nhật Bản sẽ tăng chi tiêu cho quân đội.

Các quyết định mạnh tay và dồn dập này được Tokyo đưa ra trong bối cảnh xung đột với Trung Quốc tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông có những diễn biến mới về mặt quân sự, căng thẳng và phức tạp hơn chứ không đơn thuần là cuộc chiến về mặt ngôn từ.

Bốn tàu hải giám của Trung Quốc đã đi vào vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vào trưa ngày thứ Hai (7/1), ở lại đây khoảng 13 tiếng và chỉ rời đi vào rạng sáng ngày 8/1.

Theo thống kê của lực lượng tuần duyên Nhật Bản, vụ xâm nhập vùng lãnh hải Nhật Bản này đã là lần thứ 21 và cũng là lần các tàu Trung Quốc ở lại vùng biển này trong khoảng thời gian dài nhất.

Trước đó, Nhật Bản đã phải điều các máy bay chiến đấu ra khu vực không phận tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư khi phát hiện ra máy bay của Trung Quốc tiến vào khu vực này.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera tăng cường giám sát tại các vùng biển gần quần đảo này.

Bộ Quốc phòng Nhật đã lên kế hoạch củng cố tuần tra và giám sát vùng biển này và luôn ở tư thế sẵn sàng điều máy bay chiến đấu lên chặn các máy bay có thể đe dọa vi phạm không phận của Nhật Bản.

Bộ này cũng lên kế hoạch củng cố hợp tác với lực lượng bảo vệ bờ biển của Nhật để duy trì sự hiện diện mạnh mẽ của Nhật quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Trong năm 2012, căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc nổ ra do xung đột về chủ quyền tại quần đảo này chủ yếu là các vụ biểu tình chống Nhật tại các thành phố lớn của Trung Quốc, đặc biệt là sau khi Tokyo ‘quốc hữu hóa’ Senkaku.

Xung đột còn thể hiện rõ trên mặt trận ngoại giao khi hai bên có lời qua tiếng lại liên tục. Quan hệ kinh tế giữa đôi bên cũng bị tác động mạnh, đặc biệt là về phía Nhật Bản.

Cả Trung Quốc và Nhật Bản đều chi mạnh tay cho hoạt động tuyên truyền về chủ quyền của mình đối với quần đảo tranh chấp. Trung Quốc thậm chí còn mua quảng cáo trên báo Mỹ để quảng bá cho tuyên bố của mình.

  • Lê Thu (theo CAN/Kyodo/THX)