Chiều 12/5, UBND TP.HCM tổ chức hội thảo về đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. 

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường phát biểu tại hội thảo.

Mở đầu hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường đánh giá, lịch sử phát triển hơn 300 năm của Sài Gòn – TP.HCM gắn liền với sự phát triển của cảng biển, vận tải biển.

Đến nay, cảng biển TP.HCM đã được đầu tư xây dựng cơ bản hoàn chỉnh theo quy hoạch, các cảng được đồng bộ hiện đại, công nghệ mới, khai thác hiệu quả đã đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế- xã hội của TP và khu vực, đặc biệt là cảng Cát Lái với sản lượng 5 triệu TEU/năm, nằm trong top 22 cảng lớn nhất thế giới. 

Lãnh đạo UBND TP.HCM cho biết, Nghị quyết 24 về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết 31 về phương hướng nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 của Bộ Chính trị đều xác định một trong các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu là nghiên cứu, xúc tiến đầu tư xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ trong giai đoạn 2021 – 2030. 

Do đó, hội thảo được tổ chức nhằm tiếp thu góp ý, ý tưởng từ chuyên gia, nhà khoa học, các đơn vị liên quan về các mô hình cảng nước sâu, cảng biển thành công trên thế giới và nhận diện khó khăn, thách thức đối với Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

Ông Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn Thiết kế cảng - Kỹ thuật biển Việt Nam

Báo cáo tại hội thảo, ông Phạm Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn Thiết kế cảng - Kỹ thuật biển Việt Nam cho biết, vị trí dự định xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ đặt tại khu vực Cù lao Phú Lợi (xã Thạnh An, huyện Cần Giờ). Nơi đây có hơn 93ha rừng phòng hộ, trong đó có hơn 82ha đất có rừng và được bao quanh bởi sông Thị Vải, sông Thêu.

Nhà đầu tư đã cam kết sẽ mang công nghệ, chuyên gia để áp dụng công nghệ cảng xanh, giảm khí thải, chất thải và có phương án sử dụng, khai thác hợp lý, phòng ngừa các sự cố môi trường. Đối với diện tích hơn 82ha rừng bị ảnh hưởng, các đơn vị liên quan sẽ thực hiện trồng rừng thay thế.

Theo ông Tuấn, hiện nay khoảng 70 - 80% hàng hóa xuất, nhập khẩu được vận chuyển đến, đi khỏi khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải ở bờ đối diện được vận chuyển theo đường thủy. Do đó, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ tập trung hoàn toàn vận tải biển vào trước 2030; sau 2030 sẽ nghiên cứu vận tải đường bộ, kết nối cảng vào đường Rừng Sác.

Dự kiến kinh phí thực hiện dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ là gần 129.000 tỷ đồng (hơn 5 tỷ USD). Tổng công suất hàng hóa thông qua dự kiến đạt 4,8 triệu TEU vào năm 2030, dần đạt tới 16,9 triệu TEU khi dự án hoạt động hết công suất (dự kiến năm 2047).

Làm sớm để không mất cơ hội

Tại hội thảo, TS. Trần Du Lịch - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho biết đồng thuận với việc xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Lý do ông đưa ra là vị trí xây dựng quá thuận lợi và quan trọng hơn khi nhà đầu tư là một nhà vận tải hàng hải hàng đầu thế giới.

"Việc quyết định thành công của dự án cảng biển phụ thuộc vào việc mong muốn của nhà đầu tư và các cơ quan quản lý có gặp nhau hay không. Nơi nào quy hoạch của Nhà nước và ý định của nhà đầu tư gặp nhau thì nơi đó sẽ thành công. Chúng ta quy hoạch mà không đúng với vị trí nhà đầu tư mong muốn thì rất khó", TS. Trần Du Lịch bày tỏ.

TS. Trần Du Lịch chia sẻ tại hội thảo.

Vị chuyên gia cũng cho rằng, việc hình thành Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ là dự án lớn, đòi hỏi sự chuẩn bị và nhập cuộc với khối lượng công việc rất lớn của TP.HCM và các bên liên quan. Bài toán đặt ra cho siêu cảng này là làm sao hình thành được dự án lớn nhưng vẫn giữ được môi trường và tạo đột phá biển Cần Giờ thành một cực phát triển.

“Tôi đề xuất không nên xem Cái Mép- Thị Vải là của Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Giờ là của TP.HCM. Chúng ta phải xem cả hai hệ thống cảng này là của cả Vùng Đông Nam Bộ và cả quốc gia.

Do đó, Ban điều phối vùng Đông Nam Bộ phải phối hợp ngay từ đầu, quên đi suy nghĩ cục bộ địa phương, hãy xem đây là hai bộ phận cấu thành một tổng thể cảng trung chuyển quốc tế cạnh tranh với các nước trên thế giới”, vị chuyên gia đề xuất.

Mô phỏng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sau khi hoàn thành xây dựng với kinh phí hơn 5 tỷ USD.

Góp ý thêm tại hội thảo, Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM Đinh Ngọc Thắng cho rằng dự án xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ là sự mong mỏi của nhiều thế hệ. Dự án này có ý nghĩa rất to lớn đối với ngành hàng hải, sự phát triển kinh tế không chỉ riêng TP.HCM và cả khu vực Đông Nam Bộ.

"Hiện nay TP.HCM chỉ còn 2 cảng là Tân Cảng và Hiệp Phước nhưng quy mô nhỏ, được ví như chợ nhỏ. Việc xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ hết sức quan trọng, nếu không làm bây giờ thì sẽ tụt hậu. Cảng này mới là chợ lớn, là chợ đầu mối nên mong lãnh đạo UBND TP và hiệp hội quyết tâm làm sớm nhất", ông Thắng bày tỏ quan điểm.