Hơn 10 năm gắn bó với đất Tây Nguyên, cây ca cao mang lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con nông dân. Tuy nhiên, để loại cây này mang lại hiệu quả kinh tế cao cần có sự tham gia của các doanh nghiệp cũng như chính sách ưu đãi.
Từ liên kết nông dân
Là một trong những người nông dân trồng ca cao thành công, ông Trần Xuân Quang, (thôn Tân Tiến, xã Ea Na, huyện Krông Ana, Đắk Lắk) có thu nhập mỗi năm hơn 150 triệu đồng. Ông Quang cũng là những người đầu tiên được doanh nghiệp hỗ trợ đầu tư hệ thống tưới nước nhỏ giọt lên tới hơn 30 triệu đồng, trong đó gia đình ông Quang phải bỏ ra chi phí ban đầu 15%.
Với hệ thống tưới nước hiện đại tiết kiệm chi phí nước, phân bón và công sức, đồng thời đảm bảo cho cây trồng luôn xanh tốt ngay cả trong những lúc cao điểm của mùa khô. Năm 2015, mặc dù thời tiết khô hạn nhưng vườn ca cao của gia đình ông vẫn đạt sản lượng gần 2,5 tấn hạt khô/ha.
“Với hai nhân công lao động thường xuyên, gia đình tôi vẫn có thể chăm sóc được vườn ca cao rộng hơn 3ha. Có hệ thống tưới nước, công việc cũng nhà hơn mà năng suất cây trồng lại cao hơn”, ông Quang cho hay.
Hệ thống tưới nước nhỏ giọt hiệu quả mùa khô |
Một hộ gia đình khác cũng đã áp dụng mô hình tưới nước mới này là bà Trần Thị Thoa tại huyện Krông Ana, Đắk Lắk. Bà Thoa cho biết: “Cây ca cao trồng thu hoạch không phải thuê người như cà phê, giống cây này cũng tưới ít nước, nguồn nhân công tận dụng từ hai vợ chồng. Mỗi năm thu nhập từ 120-150 triệu đồng”.
Tương tự như vậy, bà Ngân Thị Lâm, thôn 4, xã Ea Sar, huyện Ea Kar, Đắk Lắk đánh giá, so với trồng cây điều trước đây thì cây ca cao cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Hệ thống tưới tiêu hiện đại giúp giảm đáng kể công sức lao động. Ngay cả vùng đất cát, cây ca cao vẫn được cung cấp đủ nước và cho năng suất cao. Năm vừa qua, bà Ngân thu hoạch được 1,3 tấn hạt khô.
Đánh giá về vấn đề này, ông Huỳnh Quốc Thích, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đăk Lăk cho rằng, mô hình doanh nghiệp đầu tư hệ thống tưới nước, phân bón, giống cây trồng và kỹ thuật cho nông dân trồng ca cao khá hiệu quả. Mô hình này sẽ tiếp tục được nhân rộng trong thời gian tới nhằm gia tăng sản lượng và chất lượng cho cây ca cao.
Theo ông Đinh Hải Lâm, giám đốc CTCP Cacao Intercontinental (CIC), trong mô hình này, người nông dân sẽ tiếp cận được tới tín dụng, cây giống chuẩn, vật tư đầu vào đảm bảo chất lượng với mức giá hợp lý, tiếp cận được tới những kiến thức canh tác, dịch vụ trồng trọt tiên tiến và dễ dàng bán sản phẩm của mình.
Tới cánh đồng mẫu lớn
So với cà phê hay cao su, cây ca cao vẫn có diện tích khá khiêm tốn mặc dù được đánh giá là tiềm năng. Một trong những nguyên nhân dẫn tới người dân chưa thực sự quan tâm tới loại cây trồng này do thiếu những doanh nghiệp trồng tập trung theo hình thức cánh đồng mẫu lớn hay cơ chế chính sách từ cơ quan chức năng để phát triển ổn định.
Ông Huỳnh Quốc Thích, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đăk Lăk thừa nhận, trong những năm qua diện tích trồng ca cao tại tỉnh này không tăng nhưng lại gia tăng về sản lượng.
Cây ca cao có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển, từ điều kiện khí hậu thổ nhưỡng đến cây giống, kỹ thuật và chính sách quy hoạch nhưng do định hướng phát triển cây ca cao không phù hợp, quỹ đất để phát triển ca cao tập trung không còn nhiều, chủ yếu là trồng xen quy mô nông hộ; thiếu các chính sách hỗ trợ cụ thể, nhất là vấn đề vốn đầu tư cho phát triển ca cao… nên chưa thu hút được nông dân gắn bó với loại cây này.
Ca cao được nhân giống theo quy mô lớn |
Điều quan trọng nhất bây giờ là làm sao để người nông dân giữ được vùng nguyên liệu, duy trì mô hình liên kết sản xuất thông qua các HTX, doanh nghiệp để hình thành được chuỗi giá trị…
Theo ông Thích, hiện nay chưa có một doanh nghiệp nào trồng ca cao theo hình thức tập trung lên tới hàng trăm ha như các loại cây trồng khác do thiếu cơ chế chính sách. Lãnh đạo Sở NNPTNN tỉnh Đăk Lăk cho rằng, việc doanh nghiệp tập trung quỹ đất, áp dụng công nghệ làm hạt nhân và phối hợp với bà con nông dân để làm thành vùng sản xuất lớn cây ca cao là hoàn toàn phù hợp xu thế phát triển cây công nghiệp hiện đại.
Trong khi đó, nhu cầu ca cao đang ngày càng tăng cao do diện tích cây trồng còn hạn hẹp. Theo ước tính, thế giới sẽ thiếu khoảng 1 triệu tấn ca cao.Việt Nam là quốc gia duy nhất ở châu Á sản xuất và xuất khẩu được hạt ca cao lên men chất lượng cao cho các nhà sản xuất sô cô la, đây chính là cơ hội cho Việt Nam.
Việc phát triển cây ca cao theo hình thức mới sẽ giúp tăng năng suất cây trồng hiệu quả. Tại tỉnh Đắk Lắk, rất nhiều hộ nông dân trồng cây ca cao đã thành công với năng suất thu hoạch 2-3kg hạt khô/cây tương đương với 2-3 tấn/ha. Với quy mô lớn, năng suất có thể cao hơn nhờ áp dụng những công nghệ tiên tiến hàng đầu của thế giới từ lựa chọn loại giống tối ưu nhất, tới lắp đặt toàn bộ hệ thống tưới nhỏ giọt kết hợp bón phân tự động, cắt tỉa cành hoàn toàn bằng máy….
Hiện, CIC đặt mục tiêu đến năm 2022 sẽ thiết lập 02 nông trường ca cao tại tỉnh Đắk Lắk với tổng diện tích khoảng 2.000 havà mở rộng trồng ca cao tới khoảng 10.000 nông hộ sinh sống xung quanh các nông trường.
Ông Đinh Hải Lâm kiến nghị, cần có chính sách kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, khuyến khích nguồn tài chính để nông dân có thể được hưởng các khoản tín dụng nông nghiệp. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần có chính sách quản lý giúp cây ca cao phát triển bền vững, trở thành một loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Bài viết có sự hợp tác của Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới
N.Hải