Phóng viên Sky News có dịp hiếm hoi được tiếp cận hàng không mẫu hạm Abraham Lincoln cùng một số chiến hạm nhỏ hơn của Mỹ tại một căn cứ ở Bahrain.
Tổng thống Donald Trump đã điều USS Abraham Lincoln và các tàu chiến khác tới khu vực hồi tháng 5, sớm hơn một chút so với dự định, khi căng thẳng giữa Washington và Tehran leo thang nhanh chóng. Các sĩ quan cho biết, sứ mệnh của họ là ngăn các lực lượng Iran tấn công các mục tiêu Mỹ. Tuy nhiên, họ cũng sẵn sàng tổ chức tấn công nếu được lệnh.
Chuẩn đô đốc Michael Boyle là chỉ huy Nhóm Tác chiến tàu sân bay 12. (Ảnh: Sky News) |
"Một phần lớn của sự răn đe là tính sẵn sàng và tính sẵn sàng này lại hỗ trợ cho sự răn đe", Chuẩn đô đốc Michael Boyle, Tư lệnh Nhóm tác chiến tàu sân bay 12 mô tả. "Chúng tôi sẵn sàng bảo vệ Mỹ và các lợi ích Mỹ nếu được yêu cầu… Công việc của tôi là ở đây, sẵn sàng để ngăn chặn và bảo vệ khi cần".
Theo Sky News, USS Abraham Lincoln không đi qua Eo biển Hormuz, tâm điểm khủng hoảng với Iran hiện nay, dù sự triển khai tàu sân bay này tới khu vực đã được Tổng thống Trump và các thành viên khác trong chính phủ Mỹ công bố rộng rãi.
Đô đốc Boyle cho biết, ông có thể đi qua Eo Hormuz nếu muốn nhưng quyết định ở lại phía bắc Biển Ảrập. "Về sứ mệnh của chúng tôi ở đây, là sự răn đe, thì chúng tôi đang ở đúng nơi mình cần", ông nói. "Mọi người ở Iran biết rằng, chúng tôi thiên về răn đe ở đây hơn là ở Vịnh Ảrập vì từ vị trí này, chúng tôi có thể vươn tới họ mà họ không thể với tới chúng tôi…".
Ảnh: Sky News |
Các chiến cơ trên USS Abraham Lincoln lẽ ra đã tấn công các mục tiêu Iran hồi tháng 6 sau khi Tehran bắn hạ một máy bay do thám không người lái của Mỹ. Tuy nhiên, Tổng thống Trump đã rút lại quyết định vào phút chót.
Các phi công hiện vẫn đang trong tình trạng báo động. Nhiều chiến cơ trên tàu được trang bị camera, radar cùng nhiều thiết bị cảm biến khác. Chúng giúp tăng năng lực giám sát ở trong và xung quanh Eo Hormuz, trong đó có thông tin tình báo về sự di chuyển và các hoạt động của các lực lượng Iran.
Điều này khiến cho Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) của Iran khó nhắm vào các tàu dầu thương mại cùng các tàu buôn khác mà không bị ghi hình. Việc ghi những hình ảnh như vậy là vũ khí quan trọng để giành được sự hỗ trợ của quốc tế trong một cuộc chiến thông tin.
Ảnh: Sky News |
Iran liên tục phủ nhận cáo buộc của Mỹ rằng các lực lượng của nước này đứng sau một loạt vụ tấn công nhằm vào tàu dầu thời gian qua. Theo các chỉ huy, sự triển khai Abraham Lincoln có thể được gia hạn nhưng việc này hiện vẫn chưa được thảo luận.
USS Abraham Lincoln cùng các tàu chiến khác trong nhóm tác chiến tàu sân bay 12 rời cảng Norfolk của Mỹ hồi tháng 4 để thực hiện hải trình kéo dài 7 tháng. Vai trò của nhóm này trong khu vực là rất rõ ràng.
Ảnh: Sky News |
Bế tắc giữa Mỹ và Iran leo lên một mức mới từ năm 2018 sau khi Tổng thống Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 mà Tehran đã ký với các cường quốc thế giới, đồng thời áp đặt cấm vận lên nước Cộng hòa Hồi giáo.
Tuần trước, Mỹ thông báo các đòn trừng phạt tài chính nhằm vào Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif. Trong tháng 7, chính quyền Trump đã hành động tương tự với lãnh tụ tối cao Ayatollah Khamenei. Đây là một phần trong chiến dịch gây sức ép tối đa mà ông Trump đang theo đuổi để ngăn Iran đạt được vũ khí hạt nhân và chấm dứt các hành động của nước này ở Trung Đông.
Giới chức ở Tehran cảnh báo "chiến tranh với Iran là mẹ của mọi cuộc chiến tranh" nếu Mỹ tấn công nước Cộng hòa Hồi giáo.
Thanh Hảo