Trước kỳ điều chỉnh giá vào ngày 21/3, ghi nhận của phóng viên tại 3 cây xăng tại TP.HCM đã từng có hiện tượng “hết xăng còn dầu” 10 ngày trước thì nay hoạt động bình thường. Trong khi, trước kỳ điều chỉnh giá ngày 11/3, người dân đã không thể tiếp nhiên liệu ở các trạm xăng này.

Cụ thể, thời điểm 14h ngày 10/3, cây xăng tại số 439 đường Phan Văn Trị, P.5 (quận Gò Vấp) treo biển hết xăng còn dầu.

Tương tự, cây xăng tại số 244 Kinh Dương Vương, phường An Lạc A (quận Bình Tân) cũng để biển hết xăng bên ngoài.

Sáng 11/3, ít giờ đồng hồ trước thời điểm điều chỉnh giá, cây xăng tại số 162 đường Nguyễn Thị Thập, phường Bình Thuận (quận 7) cũng treo biển “hết xăng, tạm ngưng bán hàng”.

Trái ngược với hiện tượng trên, ghi nhận vào buổi trưa ngày 20/3, một ngày trước thời điểm điều chỉnh giá thì các cây xăng trên không còn “hết xăng” mà bán hàng hoàn toàn bình thường.

{keywords}
Cây xăng tại quận Bình Tân hết xăng vào ngày 10/3 (ảnh Trần Chung)
{keywords}
Cũng tại cây xăng trên ở quận Bình Tân, trước kỳ điều chỉnh giá lần này vẫn hoạt động bình thường (ảnh: Trần Chung)

Cùng với đó, lượng người đi đổ xăng tại các cây xăng trong kỳ điều chỉnh này cũng không tăng đột biến, kéo nhau đi đổ xăng đông như thời điểm 10 ngày trước.

Động thái trên của những cây xăng này đáng chú ý bởi liên Bộ Tài chính - Công Thương sẽ điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ vào ngày 21/3. Nhưng trái với những lần trước đó, dự báo sau 7 lần tăng liên tiếp thì giá xăng kỳ này có thể giảm 1.100-1.500 đồng/lít. Tương tự, giá dầu sẽ giảm khoảng 1.900-2.500 đồng/lít.

Câu hỏi được đặt ra là tại sao trước ngày giá xăng dự báo tăng thì hết hàng nhưng trước ngày giá xăng dự báo giảm thì vẫn còn hàng để bán ? Một phần nguyên nhân cũng có thể được lý giải từ việc lượng cầu thời điểm đó tăng nhưng nguồn cung không kịp đáp ứng, dẫn đến thiếu hụt hàng cục bộ.

Trước đó, thông tin về tình hình giá xăng dầu, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM - ông Nguyễn Nguyên Phương cho biết, từ đầu năm, các chuyên gia đã nhận định và có dự báo giá xăng dầu tăng. Tuy nhiên, thực tế diễn ra khác với dự báo khi giá dầu lên đến gần 140 USD/thùng do ảnh hưởng từ chiến sự Nga - Ukraine.

Đối với nguồn cung từ nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, công suất đã khôi phục 80%-85%. Dự kiến, cuối tháng 3, đầu tháng 4/2022 có thể đạt 100% công suất.

Ngoài ra, để đảm bảo việc cung ứng xăng dầu, từ cuối tháng 2, Bộ Công Thương đã có kế hoạch nhập khẩu để đảm bảo lượng cung. Ngoài nguồn cung ứng từ nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Bộ kế hoạch cho 10 đầu mối nhập về tới 2,4 triệu m3 xăng dầu.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng sẽ làm việc với Sở GTVT để có phương án hỗ trợ lưu thông trong giờ cao điểm cho xe bồn chở xăng. Bởi khi người dân tập trung đi mua nhiều, việc cung ứng xăng sẽ gặp khó do nhu cầu tăng cao mà xe bồn không thể di chuyển được vào ban ngày, dẫn đến thiếu hụt.

Trần Chung

Cháy túi vì xăng: Shipper chỉ dám nhận đơn gần, siêu thị đối đầu nhà cung cấp

Cháy túi vì xăng: Shipper chỉ dám nhận đơn gần, siêu thị đối đầu nhà cung cấp

Shipper quyết định hủy đơn vì quãng đường di chuyển khá xa trong khi giá xăng đắt đỏ. Có tài xế công nghệ định bỏ nghề vì thu nhập giảm.