Đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) là một trong những mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh nhằm xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, công khai, minh bạch; nâng cao trách nhiệm đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng hệ thống cơ quan hành chính nhà nước các cấp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Ban Chỉ đạo (BCĐ) thực hiện Chương trình số 09-CTr/TU, ngày 11/11/2021 của Tỉnh ủy Cao Bằng về xây dựng và đổi mới cơ chế, chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các nhà đầu tư chiến lược (Chương trình số 09-CTr/TU) vừa nhóm họp cho ý kiến đối với Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả giữa nhiệm kỳ thực hiện Chương trình số 09-CTr/TU của Tỉnh ủy. 

Với phương châm hành động "đồng hành cùng doanh nghiệp", "lấy doanh nghiệp và người dân là trung tâm", "coi doanh nghiệp và sự thành công của doanh nghiệp là động lực quan trọng để phát triển”, tỉnh triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC); hoàn thành các quy hoạch; cải thiện, nâng cao khả năng tiếp cận đất đai của nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân; xây dựng và đổi mới cơ chế, chính sách đảm bảo thông thoáng, cởi mở, hấp dẫn nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các nhà đầu tư. Huy động tối đa các nguồn lực đầu tư vào tỉnh.

Ảnh minh họa

Đối với cải thiện môi trường kinh doanh, tỉnh triển khai các giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh, Chỉ số cải cách hành chính (PAR-INDEX), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), Chỉ số hài lòng của người dân đối  với  sự phục vụ của các cơ quan hành chính (SISPAS), nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện và sở (DDCI).

Hiện nay, toàn tỉnh có 1.777 doanh nghiệp với số vốn đăng ký hơn 21.283 tỷ đồng, trong đó có 1.326 doanh nghiệp đang hoạt động; đăng ký mới hằng năm bình quân trên 160 doanh nghiệp.

80% TTHC giảm thời hạn giải quyết từ 30 - 50% đối với TTHC trong lĩnh vực đầu tư; 100% TTHC trong lĩnh vực đăng ký thành lập doanh nghiệp giảm từ 3 ngày làm việc xuống còn 2 ngày làm việc; 100% TTHC của các sở, ban, ngành được tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; kiểm thử các dịch vụ công trực tuyến cung cấp 1.177/1.838, đạt 65,99% dịch vụ công trực tuyến toàn trình (mức độ 4), dịch vụ công trực tuyến một phần (mức độ 3) tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia; 100% cơ quan, đơn vị trong tỉnh có TTHC được ứng dụng phần mềm Hệ thống thông tin một cửa điện tử (VNPT-iGate) trong tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả TTHC…

 Đối với thu hút đầu tư, tỉnh chủ động và tích cực phối hợp, kết nối thu hút đầu tư thực hiện Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng); thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, khu trung chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, khu vực hoạt động thương mại, dịch vụ, thu hút đầu tư các dự án phát triển đô thị tại trung tâm các huyện, Thành phố…

Trong giai đoạn đầu thực hiện Chương trình số 09-CTr/TU, có 18 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 3.931 tỷ đồng. 29 dự án được chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trong đó có 8 dự án điều chỉnh vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm hơn 25 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, các cơ quan đăng ký đầu tư đang theo dõi, quản lý đối với 263 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 38.835 tỷ đồng.

Để tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch cho các doanh nghiệp, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1452/QĐ-UBND ngày 10/10/2022 về danh mục dự án kêu gọi, thu hút đầu tư giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh đảm bảo tập trung, trọng điểm, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch liên quan (đất đai, xây dựng, lâm nghiệp...); chương trình phát triển đô thị, ưu tiên thu hút dự án đầu tư có quỹ đất sạch. Tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư, diễn đàn để thông tin về môi trường đầu tư và định hướng thu hút đầu tư của tỉnh…

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Chương trình số 09 CTr-TU, tỉnh còn một số hạn chế, tồn tại như: số lượng nhà đầu tư đến tìm hiểu về môi trường đầu tư và thực hiện đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; các đơn vị thực hiện dịch vụ tư vấn về đất đai trên địa bàn tỉnh phát triển chưa mạnh, chưa đáp ứng nhu cầu lập hồ sơ TTHC về đất đai của người dân; sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị khi giải quyết TTHC, hỗ trợ doanh nghiệp, xúc tiến đầu tư theo ngành, lĩnh vực chưa thực sự chặt chẽ, hiệu quả…

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Triệu Đình Lê nhấn mạnh, phải luôn coi công việc của người dân và doanh nghiệp là công việc của chính mình, gia đình mình để phấn đấu nỗ lực giải quyết. Đề nghị cơ quan thường trực tiếp thu, bổ sung các ý kiến tại cuộc họp để hoàn thiện báo cáo; các sở, ngành liên quan trên cơ sở phân tích, đánh giá, chủ động điều chỉnh, bổ sung các nhiệm vụ thuộc ngành, đơn vị mình. Nâng cao trách nhiệm của thành viên BCĐ, Tổ giúp việc BCĐ, người đứng đầu và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị từng thành viên BCĐ, các ngành tham gia BCĐ, Tổ giúp việc BCĐ làm tốt nhất công việc của mình trong phục vụ người dân và doanh nghiệp; phối hợp trao đổi thông tin, giải quyết công việc liên quan đến người dân và doanh nghiệp, không đùn đẩy, né tránh. 

Rà soát lại toàn bộ bộ máy và con người trong phạm vi cấp tỉnh, cấp sở, ngành, phòng, ban để kịp thời chấn chỉnh, điều chỉnh, thay thế, bổ sung một số khâu then chốt những nơi hoạt động không hiệu quả nhằm nâng cao các chỉ số CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong thời gian tới.

Hòa An