Xác định trồng rừng sản xuất là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển KT - XH gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, hằng năm UBND tỉnh Cao Bằng đã giao nhiệm vụ, kinh phí trồng rừng thay thế cho các địa phương khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; công bố hiện trạng rừng; chuyển đổi rừng phòng hộ ít xung yếu sang quy hoạch phát triển rừng sản xuất; giao các chỉ tiêu về trồng, quản lý, bảo vệ rừng; phòng cháy và chữa cháy rừng. Tập trung phát triển kinh tế rừng trọng tâm là trồng các cây lấy gỗ lớn, cây có chu kỳ khai thác ngắn ngày như keo, mỡ, sa mộc, các cây dược liệu và cây ăn quả đặc sản dưới tán rừng…
Từ đầu năm đến nay, các địa phương trên toàn tỉnh tập trung triển khai công tác trồng rừng, trồng cây phân tán và chăm sóc rừng, duy trì các biện pháp bảo vệ và phòng chống cháy rừng.
Theo đó, trồng mới 172,99 ha rừng, tăng 70% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó, chủ yếu tập trung trồng trong tháng 5 đạt 89,84 ha. Công tác quản lý khai thác gỗ được theo dõi chặt chẽ, đảm bảo đúng quy định pháp luật, tổng khối lượng gỗ khai thác từ đầu năm đến nay đạt gần 4.900 m3, bằng 85% so với cùng kỳ năn 2022.
Các lực lượng kiểm lâm và địa phương thường xuyên tăng cườngphối hợp triển khai công tác tuần tra, bảo vệ rừng, qua đó kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý 129 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp; xử phạt hành chính và bán lâm sản tịch thu nộp ngân sách Nhà nước trên 712 triệu đồng, bằng 111% so với cùng kỳ năm 2022. Đến nay, diện tích rừng toàn tỉnh giảm 41,552 ha, trong đó do cháy rừng 22,348 ha, do phá rừng, lấn chiếm rừng 18,9 ha, do khai thác rừng trái phép 0,231 ha.
Hiện nay đang là mùa nắng nóng, dự báo có nhiều đợt nắng nóng kéo dài tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao, để hạn chế thấp nhất nguy cơ cháy rừng, người dân, các chủ rừng cần thường xuyên tuần tra rừng, phát quang, dọn dẹp thực bì, cành lá khô…; lực lượng kiểm lâm tăng cường triển khai đồng bộ các biện pháp bảo vệ, phát triển rừng và phòng, chống cháy rừng.
Hòa An