Khác với nhiều cặp đôi, ngày còn yêu nhau, mỗi chuyến hẹn hò, vợ chồng chị Quỳnh Hạnh - anh Tuấn Việt phải di chuyển xuyên châu lục, rong ruổi hàng chục tiếng trên máy bay cộng thêm vài giờ đi xe buýt, tàu điện… Địa điểm có khi là Amsterdam, Paris, có khi là Rome, Santorini…
“Hành trình yêu xa của vợ chồng mình kéo dài 5 năm. Những chuyến bay kéo dài đằng đẵng trong nỗi nhớ nhung, sự mong đợi. Nhưng tình yêu và tuổi trẻ mang tới sức mạnh quá lớn”, chị Hạnh hạnh phúc nhớ lại.
Ngày ấy, anh Việt là du học sinh còn chị Hạnh là tiếp viên hàng không. Những chuyến hẹn hò ngắn ngủi là khoảng thời gian chị Hạnh tranh thủ đổi tuyến bay, xin nghỉ phép còn anh Việt tận dụng ngày nghỉ ít ỏi.
“Sân bay là nơi chứng kiến không biết bao nhiêu nước mắt của mình mỗi khi gặp gỡ và tạm biệt người yêu. Và châu Âu là nơi chứng kiến tình yêu 5 năm của chúng mình. Nơi chúng mình háo hức gặp gỡ sau tháng ngày xa cách, nơi chứng kiến khoảnh khắc cầu hôn giản dị và bất ngờ, nơi chúng mình đón thiên thần nhỏ và lựa chọn gắn bó dài lâu”, chị Hạnh tâm sự.
Quen nhau 1,5 tháng, xa nhau 5 năm
Vợ chồng chị Nguyễn Quí Quỳnh Hạnh (sinh năm 1991) và anh Đỗ Tuấn Việt (sinh năm 1988) sinh ra, lớn lên tại Hà Nội. Hiện tại, cặp đôi cùng con gái đang định cư và làm việc tại Phần Lan. Sau khi kết hôn, chị Hạnh rời ngành hàng không, sáng lập chuỗi Tiệm sách Tiếng Việt ở nước ngoài - Tiệm Mọt và đồng sáng lập một dự án về sống khoẻ, còn anh Việt là kỹ sư phần mềm.
Năm 2023 là kỷ niệm 10 năm bên nhau của vợ chồng chị Hạnh, trong đó có 5 năm yêu xa, mỗi người sống một châu lục.
Chị Hạnh chia sẻ, năm 2013, anh chị tình cờ gặp nhau tại Hà Nội. Chị bị thu hút bởi sự thông minh, nói chuyện cuốn hút của anh. Vừa quen nhau, chị Hạnh nhận thông báo trúng tuyển vào vị trí tiếp viên hàng không tại hãng Eva Airways của Đài Loan.
Đây là cơ hội công việc rất tốt, đúng ước mơ của chị Hạnh. Tuy nhiên cô gái Hà Nội 22 tuổi lúc ấy trăn trở, bởi, nếu nhận việc, chị sẽ phải sang Đài Loan đào tạo 3 tháng, sau đó phải chuyển vào TP.HCM sinh sống, làm việc, xa gia đình.
“Mình xin lời khuyên từ nhiều bạn bè thân thiết, trong đó có cả anh. Anh khuyên mình nên nắm bắt cơ hội này”, chị Hạnh nhớ lại.
Một tuần trước ngày sang Đài Loan tập huấn, chị Hạnh lấy hết can đảm, nhắn tin gửi anh Việt: “Em thích anh”. Chị chỉ muốn nói ra cảm xúc của mình nhưng không dám nghĩ tới việc yêu xa.
“Anh trả lời anh cũng rất thích mình và mong mình đồng ý làm người yêu của anh. Anh sẽ chứng minh chuyện yêu xa là hoàn toàn có thể”, chị Hạnh nhớ lại.
Tháng 10/2013, sau 1,5 tháng quen biết, chỉ vỏn vẹn một tuần “yêu gần”, cặp đôi bắt đầu hành trình yêu xa.
Chị Hạnh khi còn làm tiếp viên hàng không
Những chuyến bay hẹn hò dài đằng đẵng
Khi chị Hạnh mới làm tiếp viên hàng không, anh Việt vẫn đang làm việc tại Hà Nội. Ngày đó, đi tới thành phố mới, địa điểm mới, chị Hạnh hay gọi điện về để người yêu “du lịch online”. Họ có thể thao thao bất tuyệt với nhau hàng giờ về những vùng đất mới.
Không lâu sau đó, anh Việt sang Hà Lan du học. Chị Hạnh ấp ủ kế hoạch để có tuyến bay tới Châu Âu.
“Những chuyến bay đi gặp người yêu rất khác với chuyến bay đi làm. Mình hồi hộp đợi lịch bay hàng tháng, vì tuyến mình thường xuyên bay là tuyến Mỹ, trong khi anh lại ở Châu Âu”, chị Hạnh nhớ lại.
Để có đặc quyền được duyệt chuyến bay sang Châu Âu - chuyến bay không nằm trong tuyến bay chính của mình, chị Hạnh phải nỗ lực làm việc. Mỗi khi nhận lịch bay đến Châu Âu, chị Hạnh nhảy cẫng lên sung sướng, vội vàng gọi điện báo người yêu.
Chuyến hẹn hò đầu tiên tại Châu Âu của cặp đôi diễn ra ở Amsterdam, Hà Lan.
Trong hành trình đó, chị Hạnh phải tham gia tuyến bay kéo dài 7-9 ngày, với nhiều chuyến bay dài hơn 12 tiếng. Nhưng nỗi mong chờ gặp người yêu khiến cô gái Hà Nội quên hết mệt mỏi. Máy bay hạ cánh, chị di chuyển thêm 3 giờ bằng phương tiện công cộng để tới nơi anh sống.
Những cuộc hẹn hò của họ thường chỉ kéo dài 2-3 ngày. Khoảng thời gian đó, chị Hạnh còn chưa kịp quen múi giờ còn anh Việt vẫn quay cuồng với lịch học, thi. Đôi khi, tổng thời gian cặp đôi bên nhau chỉ khoảng 10 tiếng. Họ trải qua những ngày “vừa đón nhau ở sân bay đã bồn chồn vì sợ xa nhau”.
Tháng 2/2016, chính sách của hãng bay thay đổi, chị Hạnh không thể tham gia các tuyến bay tới Châu Âu để gặp anh Việt. Chị chỉ còn cách tự sắp xếp dồn lịch bay và dồn lịch nghỉ, xin visa du lịch sang thăm người yêu. Họ trải qua những quãng thời gian 6 tháng xa nhau.
Nắm tay rong ruổi khắp Châu Âu
Chuyến du lịch Châu Âu đúng nghĩa đầu tiên của vợ chồng anh Việt chị Hạnh diễn ra vào mùa hè năm 2016 - kì nghỉ hè năm học đầu tiên của anh. Cặp đôi rong ruổi qua 5 thành phố Rome, Venice, Athens, Santorini và Praha.
“Lúc ấy, chúng mình đi du lịch kiểu sinh viên nghèo nên chỉ ở những nhà nghỉ, khách sạn nhỏ, nằm tít ngoại ô với giá khoảng 20 Euro/đêm (khoảng 500.000 đồng). Phương tiện di chuyển chính là xe buýt, tàu điện”, chị Hạnh kể.
Tới Santorini, sau một ngày lang thang ngắm nhìn vẻ đẹp vùng đất ven Địa Trung Hải, anh Việt bất ngờ quỳ xuống, cầu hôn chị Hạnh, nói những lời sâu kín trong lòng và đưa ra chiếc nhẫn đã chuẩn bị từ lâu. Anh hỏi chị: “Làm vợ anh nhé”.
“Mình vừa bất ngờ, vừa hạnh phúc. Thật tình cờ, khi mình vừa gật đầu đồng ý thì pháo hoa bắn lên bên ngoài bờ biển. Khung cảnh bình dị, không hào nhoáng nhưng giờ nghĩ lại mình vẫn thấy hạnh phúc ngập tràn”, chị Hạnh xúc động.
Xuyên suốt 10 năm bên nhau, họ đã nắm tay đi qua 40 thành phố, 18 quốc gia. Mỗi nơi đều ghi lại những kỷ niệm đẹp.
“Paris là nơi chúng mình hẹn nhau nhất định sẽ tới khi mới yêu và chúng mình làm được. Hy Lạp là nơi anh cầu hôn mình. Thuỵ Sĩ là chuyến đi cùng nhau đầu tiên sau khi dọn về chung một nhà. Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha là chuyến đi kỉ niệm một năm ngày cưới. Trung Quốc là nơi mình, anh và em bé trong bụng cùng nhau leo Vạn Lý Trường Thành. Na Uy là chuyến xuất ngoại đầu tiên của em bé nhà. Áo là nơi gia đình có chuyến road trip đầu tiên”, chị Hạnh kể.
Những chuyến du lịch hẹn hò tuy vất vả nhưng với cặp đôi Hà Nội, đó là những năm tháng thanh xuân tuyệt vời, giàu trải nghiệm và kỷ niệm, khiến họ thêm gắn bó, thấu hiểu. Không chỉ vậy, mỗi chuyến du lịch còn là cơ hội để họ sống khác, nhìn ngắm vẻ đẹp của cảnh quan, con người và rèn giũa bản thân thích ứng tốt với mọi hoàn cảnh.
Khi vợ chồng chị Hạnh tới Nga hay Trung Quốc, tiếng Anh không còn là ngôn ngữ phổ biến. Cặp đôi gặp không ít bất tiện. Tới một quán ăn vỉa hè Trung Quốc, họ không thể chọn món, hay diễn tả khẩu vị cho chủ quán. Thấy sự lúng túng của hai vị khách, chủ quán thiện chí đi tìm sự giúp đỡ từ những khách hàng xung quanh. Một vị khách bỏ dở bữa ăn, nhiệt tình giúp vợ chồng chị Hạnh phiên dịch. Điều nhỏ bé đó khiến cặp đôi thấy ấm áp.
Tại Nga, vợ chồng chị Hạnh cũng có lần lạc đường. Trên xe buýt, họ gặp một nhóm học sinh. Khi thấy hai vị khách không biết tiếng Nga, không có internet, nhóm học sinh bàn bạc với nhau, cử một thành viên học tốt tiếng Anh nhất để hỏi thăm, chỉ dẫn cho vợ chồng chị Hạnh.
"Nhiều cuộc gặp gỡ trong hành trình khiến chúng mình tin vào lòng tốt, sự lương thiện. Chúng ta có thể khác nhau về màu da, về văn hóa, về ngôn ngữ nhưng lòng tốt thì ở nơi nào cũng tồn tại", chị Hạnh chia sẻ.
Vợ chồng chị Hạnh cùng con gái khám phá Na Uy và Áo
“Khi quyết định có em bé, mình dừng công việc tiếp viên hàng không. Đó là điều tiếc nuối nhưng mình không hối hận. Mỗi giai đoạn chúng ta có những điều ưu tiên khác nhau. Chúng mình đang đồng hành cùng nuôi con, cùng nuôi tình yêu với du lịch”, chị Hạnh chia sẻ.