“Tôi không ngờ vùng núi Sơn La của Việt Nam lại đẹp tới vậy. Những con đường ngoằn ngoèo trong sương, những đồi hoa trắng, vàng nối dài, những ngôi nhà gỗ ấm áp… khiến tôi rung động. Tôi rất thích người dân nơi đây - thân thiện, dễ mến, nhất là ông chủ của homestay này. Tôi tìm thấy homestay của anh ấy qua Google. Nó xứng đáng nhận đánh giá rất tốt trên công cụ tìm kiếm này”, Raphael - một du khách người Canada chia sẻ cảm nhận về homestay của Tráng A Chu - một người Mông “vác đá ngược núi”, tiên phong làm du lịch ở Hua Tạt (Vân Hồ, Sơn La) - “vựa thuốc phiện” một thời.

Raphael ấn tượng với ông chủ homestay người Mông - Tráng A Chu

Khu homestay của anh A Chu (sinh năm 1982) nằm cách quốc lộ 6 khoảng 300m - tuyến đường nối từ Hà Nội tới Mộc Châu (Sơn La). Ngôi nhà mang phong cách kiến trúc của đồng bào người Mông với cổng tre, nhà sàn, bàn ghế gỗ mộc, trong sân nào là cày bừa, cối xay, máng lợn, bắp, bí treo khắp nơi. Mỗi mùa, ngôi nhà phủ một màu hoa, khi là đào đá, cải vàng, cải trắng, khi là hoa mận, hoa mơ. 

A Chu Homestay trở thành cái tên quen thuộc, được nhiều công ty du lịch tin tưởng, khách hàng yêu quý. 

Homestay của anh A Chu tấp nập du khách

Chừng 10 năm trước, mảnh đất làm homestay này vốn chỉ là khu vườn tạp. Anh A Chu mạnh dạn bỏ thành phố về quê nghèo, bỏ những công việc trồng ngô, trồng lúa quen thuộc, một mình bắt tay làm du lịch trong sự hoài nghi của bà con.

Anh A Chu kể, ngày ấy, hai vợ chồng bán hết ngô lúa chỉ có vỏn vẹn 1 triệu đồng. Họ “liều” vay người bạn 28 triệu đồng với lời hứa sẽ trả lại 30 triệu đồng, xin thêm bố mẹ đẻ 1 triệu đồng. Với 30 triệu trong tay, A Chu đặt cọc một ngôi nhà cũ, nhờ thanh niên trai tráng trong bản giúp sửa chữa, dựng nhà, khi nào có tiền sẽ trả công. Sau gần một năm, homestay đầu tiên của bản Hua Tạt thành hình, mở cửa đón các đoàn công ty du lịch khảo sát vào tháng 9/2015.

Tới nay A Chu đã thành ông chủ homestay có tiếng khắp tỉnh. Nhưng anh vẫn vậy, vẫn nói bằng chất giọng lơ lớ của người Mông, mặc áo lanh, quần ống rộng truyền thống, tay thoăn thoắt phục vụ và nở nụ cười thật tươi khi đón khách.

Cử nhân hiếm hoi của bản, bỏ giấc mơ phố thị về bản nghèo khởi nghiệp

Bản Hua Tạt thực ra có tên là Hua Tát, theo tiếng Mông có nghĩa là điểm cuối của một vùng đất. Bà con đặt tên như vậy là để đánh dấu địa giới về nơi sinh sống của người Mông và người Thái khi xưa.  Khoảng 10-15 năm về trước, Hua Tạt vẫn là vùng bản nghèo, bà con sống lầm lũi, mọi thứ tự cung tự cấp. Trong trí nhờ của anh A Chu, hồi đó, nhà nào cũng trồng cây thuốc phiện. Trai tráng hút thuốc phiện như thanh niên hút thuốc lá bây giờ. Nhà nào có cỗ hay đám ma, đám cưới là bàn đèn ngả ra. 

Những năm ấy, người được đến trường và nhất là học cao đẳng, đại học đếm trên đầu ngón tay. Hành trình về thành phố học “cái chữ” của A Chu cũng gián đoạn nhiều lần vì phải đi kiếm tiền trang trải cuộc sống. Tới năm 2013, khi gần 30 tuổi, anh A Chu mới tốt nghiệp ngành Công nghệ thực phẩm trường Đại học Bách khoa Hà Nội, là người đầu tiên của bản Hua Tạt có bằng Kỹ sư đại học. 

Đã có lúc chàng trai người Mông mơ về cuộc sống ổn định nơi phố thị, thoát khỏi bản làng vùng cao nghèo đói. Nhưng suốt thời gian dài, anh như “người đi lạc giữa thành phố”, nhớ quê, khao khát trở về.

Bao công sức dùi mài kinh sử mới có tấm bằng ĐH trong tay nhưng về quê, việc làm chẳng có, nghề kĩ sư thực phẩm “không có đất dụng võ”. Nếu cất bằng đi làm ruộng thì bà con trong bản cười chê: “Mày học đại học rồi về vẫn làm ruộng như chúng tao thì học làm gì?”. Thời điểm ấy, không ít người cũng gạ gẫm A Chu tham gia “chạy hàng” ở vùng giáp biên, đảm bảo “việc nhẹ lương cao”... Nhưng chàng trai người Mông 30 tuổi lúc ấy quyết không đầu hàng hoàn cảnh.

Năm 2013, anh tình cờ tham gia một chương trình du lịch của tỉnh Sơn La, lần đầu tiên tiếp cận với những kiến thức cơ bản về du lịch cộng đồng. “Trời thương, sau đó không lâu tôi gặp bác Dương Minh Bình, một lãnh đạo công ty du lịch tâm huyết với các dự án xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn liền văn hóa địa phương. Bác nói, vị trí Hua Tạt lúc ấy làm du lịch rất khó, phải cần cù, kiên trì vì địa điểm ở xa Mộc Châu và tình hình buôn bán thuốc phiện, ma túy phức tạp”, anh A Chu nhớ lại.

Nhưng A Chu vẫn thấy nhen nhóm hy vọng khởi nghiệp từ du lịch. Vợ chồng anh theo ông Bình về Mai Châu, học những bài học đầu tiên về làm du lịch cộng đồng. Giai đoạn 2013-2015, du lịch Mộc Châu - Vân Hồ bắt đầu có hướng đi rõ nét. Tận dụng thời điểm thiên thời, địa lợi, nhân hòa, gia đình A Chu vay tiền để dựng nhà sàn gỗ, mở cửa đón khách du lịch. Ngày ấy, bà con trong bản chẳng mấy ai tin và ủng hộ A Chu, cho rằng “anh điên” khi phá ruộng ngô, ruộng lúa.

Gần một năm, sau khi nhà hoàn thành thì vợ chồng A Chu cũng cạn tiền, không thể sắm nổi chăn, gối. Phòng Văn hóa huyện Vân Hồ lúc đó cũng chung tay hỗ trợ chăn ga gối cùng đường truyền Internet, Wifi… Và “homestay” đầu tiên của Vân Hồ, Sơn La được dựng lên từ những nỗ lực đó.

Vốn yêu thích nghệ thuật, A Chu dùng con mắt nghệ thuật của mình để tự làm những món đồ mỹ nghệ trang trí xinh xắn, bày biện khắp nơi trong nhà. Những mõ trâu, máng giã bánh dày hay cái chảo nhôm, nơm cá đều được tận dụng để trở thành chụp đèn, chậu rửa, vòi nước trong homestay…. Lọ tăm, thùng rác, nẹp gương nhà tắm, khung tranh đều được làm từ tre, gỗ. Những món đồ đó khiến du khách trong nước hay quốc tế đều cảm thấy thú vị, tò mò về nguồn gốc.

Xuyên suốt thời gian đầu làm homestay, ông Bình vẫn hỗ trợ chỉ dạy vợ chồng A Chu từng chút một, từ cách giao tiếp, nấu ăn, thói quen sinh hoạt… Từ chàng trai người Mông thẳng tính, “nóng và ngang”, A Chu dần trở nên điềm tĩnh, biết cách tôn trọng và chiều ý những vị khách khó tính. Sau gần 10 năm, giờ đây, vợ chồng anh tự tin có thể thuộc tính cách khách Âu, khách Á, khách Mỹ, hiểu họ thích ăn gì, uống cà phê ra sao, trò chuyện như thế nào. Với khách nội địa, anh chị cũng khéo léo phục vụ sao cho vừa khẩu vị người miền Nam, người miền Bắc.

Đến nay, sau nhiều năm cải tạo, mở rộng, homestay đã có 10 phòng riêng và hai nhà sàn cộng đồng rộng rãi, có thể phục vụ khoảng 60 khách mỗi ngày.

Thời điểm trước dịch, bình quân mỗi tháng “homestay” của Tráng A Chu thu hút khoảng 400 - 500 lượt khách tới thăm quan, nghỉ dưỡng, tham gia các hoạt động trải nghiệm văn hóa đặc sắc của dân tộc Mông. Riêng các ngày nghỉ lễ, “homestay” của anh luôn kín phòng. Năm 2019, “homestay” đón gần 7.200 lượt khách, chưa kể số khách tới đặt ăn mà không nghỉ lại.

(Ảnh: NVCC)

Ngay sau Covid-19, trong khi nhiều homestay đã “bỏ cuộc” hoặc chật vật tìm đường hút khách thì A Chu Homestay vẫn là điểm đến được các doanh nghiệp tin tưởng.

"A Chu vừa giữ được những nét truyền thống, đặc trưng của Hua Tạt, vừa có những tiện nghi hiện đại phục vụ nhu cầu du khách. Quan trọng nhất, anh ấy rất chuyên nghiệp, hiểu biết, tiếp cận nhanh với những xu hướng, yêu cầu mới”, đại diện một công ty du lịch chuyên thị trường khách Pháp tại Hà Nội nhận xét.

A Chu cũng nổi tiếng giữ chữ tín khi nhiều năm nay, anh "nói không" với kiểu làm du lịch chụp giật, cứ tới cuối tuần, lễ, Tết là tăng giá đột ngột, không báo trước đối tác, du khách. Anh cho biết, homestay này luôn công khai giá cho các đơn vị lữ hành trước 6 tháng và giữ nguyên như vậy, đảm bảo giá trong tuần và cuối tuần như nhau, đồng thời hạn chế phụ thu đối với khách hàng lâu năm. 

Từ "vựa thuốc phiện” thành bản du lịch

Anh A Chu nhớ lại, những năm đầu làm du lịch, hai vợ chồng đối mặt không biết bao nhiêu khó khăn, thậm chí nhiều lần muốn bỏ cuộc. Ngày đó, bản Hua Tạt vẫn còn tệ nạn ma túy. Cả đêm, hai vợ chồng mắc võng ngủ ngay dưới nhà sàn, vừa phục vụ, vừa trông đồ cho khách. Những giấc ngủ chập chờn kéo dài khiến họ ốm lăn lóc, lúc nào cũng mệt mỏi.

"Ngày ấy, chúng tôi không đủ tiền mua tủ lạnh, tủ cấp đông. Vì vậy, ngày mưa, ngày rét cũng đều đặn lái xe máy lên thị trấn Mộc Châu mua thức ăn, sữa bò… từ 4h sáng. Vợ tôi ở nhà thì mổ gà, làm đồ ăn sáng”, A Chu kể lại.

Anh thừa nhận, những ngày khó khăn dồn dập ấy, hai vợ chồng thường xuyên mâu thuẫn, cãi vã với nhau. Phải mất khá nhiều thời gian họ mới tìm được tiếng nói chung, dần thấu hiểu và động viên nhau vượt qua.

Hiện giờ, homestay của anh đã trở thành địa chỉ yêu thích của du khách. Cuối tháng 5/2022, A Chu homestay còn vinh dự được Thủ tướng Phạm Minh Chính ghé thăm nhân chuyến đi công tác Tây Bắc. 

Để tạo nên một homestay nổi tiếng như thế, A Chu một lúc kiêm nhiều vai, từ lễ tân, dọn phòng, nghệ sĩ, hướng dẫn viên và đôi khi trực tiếp vào bếp nấu cơm đãi khách. 

Tới homestay của anh, du khách sẽ được tìm hiểu đời sống, nếp sinh hoạt của người Mông qua các hoạt động trải nghiệm cuộc sống của đồng bào như: thu hoạch đào, mận, làm bánh dày, giã gạo, chơi các trò chơi truyền thống, canh tác nông nghiệp... A Chu còn tạo không gian để du khách và người dân bản gần gũi với nhau hơn bằng những hoạt động giao lưu, văn nghệ do chính các thanh niên trong bản và vợ chồng A Chu biểu diễn. Họ biểu diễn những bài nhạc truyền thống, thổi khèn, sáo Mông, đàn môi…, tái hiện những nghề truyền thống như vẽ sáp ong trên vải.

Không chỉ là người Mông đầu tiên ở bản Hua Tạt tiên phong làm du lịch cộng đồng mà những năm qua, anh A Chu còn hướng dẫn, giúp đỡ anh em, họ hàng, bà con trong bản và các bản khác cùng phát triển mô hình này. Hua Tạt giờ đây không chỉ có A Chu Homestay mà còn có A Của, A Sếnh...

Rất nhiều đoàn thành niên ở các tỉnh miền núi phía Bắc đã tìm tới homestay A Chu để học hỏi. Anh luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp mà mình có, động viên và ủng hộ họ làm du lịch cộng đồng bền vững.

Anh A Chu được trao tặng nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, ban, ngành như một sự ghi nhận cho những nỗ lực, đóng góp của A Chu cho du lịch Vân Hồ, Sơn La. Tráng A Chu cũng được bầu chọn là 1 trong 4 gương mặt trẻ tiêu biểu khởi nghiệp thành công của Sơn La. Trên cuốn sách “Những câu chuyện về du lịch Việt Nam” do Tổ chức du lịch thế giới phát hành, “Homestay A Chu” được nhắc đến như một nơi cần phải đến, một điểm du lịch sinh thái tiêu biểu.

Dẫu vậy, A Chu vẫn chưa bao giờ tự hài lòng với những gì bản thân đạt được. Anh vẫn trăn trở với những khó khăn, trở ngại trong việc phát triển du lịch cộng đồng ở địa phương như chính sách quy hoạch mục đích sử dụng đất nông nghiệp, thủ tục, chính sách ngân hàng để vay vốn làm homestay. Anh cũng lo lắng khi nhiều hộ gia đình chưa thực sự dồn tâm huyết với làm du lịch, vẫn còn tâm lý "cả thèm chóng chán".

A Chu đang nhen nhóm kế hoạch như xây dựng Bảo tàng trưng bày những đồ dùng sinh hoạt, trang phục, dụng cụ làm nương của người Mông, để qua đó giữ gìn và lan tỏa bản sắc văn hóa đồng bào mình.

Linh Trang, Lê Kiều Oanh, Nguyễn Hoàng Hà

Ngôi làng '3 không' đẹp hoang sơ, yên bình ở Mộc Châu

Ngôi làng '3 không' đẹp hoang sơ, yên bình ở Mộc Châu

Sở hữu không gian mát mẻ, trong lành với cuộc sống bình dị "không điện, không sóng điện thoại, không internet", Hang Táu ở Mộc Châu được những tín đồ ưa xê dịch gọi là "làng nguyên thủy" và thích thú tìm đến để "trốn khói bụi" dịp đầu năm.