Theo đánh giá của Bộ Công Thương, ngành khuôn mẫu trong nước vẫn chưa thể bứt phát do đối mặt với vấn đề thiếu hụt nhân lực chất lượng cao, có thể làm chủ công nghệ hiện đại.

Ông Đỗ Thắng Hải – Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết: “Giá trị của ngành công nghiệp khuôn mẫu, cơ khí chính xác tại Việt Nam hiện đạt khoảng trên 1 tỷ USD/năm; với tỷ lệ tăng trưởng 18%/năm, ngành này đang thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đáng chú ý, doanh nghiệp Việt Nam chỉ làm 8,5% khuôn ép, còn lại là khuôn dập”.

Chưa kể, trong giá trị 1 tỷ USD của ngành khuôn mẫu, cơ khí chính xác, khu vực trong nước chỉ chiếm 42% với khoảng 400 doanh nghiệp, còn lại là nhóm doanh nghiệp FDI.

Các doanh nghiệp nội chỉ đáp ứng được sản phẩm cấp 3 và 4, nhóm cấp 1 và 2 vẫn phải nhập khẩu.

Khảo sát do Samsung Việt Nam và Bộ Công Thương thực hiện cho kết quả, trong hơn 120 chuyên gia làm trong ngành khuôn được hỏi, có tới 50% được đánh giá chỉ đạt trình độ sơ cấp; 39% đạt trình độ trung cấp; chỉ 11% đạt trình độ chuyên gia. Đáng chú ý, không người nào được hỏi đạt đến trình độ chuyên nghiệp.

Thực tế này đòi hỏi cấp thiết việc nâng cao trình độ nguồn nhân lực cho ngành khuôn mẫu. Mới đây, Dự án hợp tác đào tạo nhân lực khuôn mẫu Việt Nam giữa Samsung và Bộ Công Thương đã được ký kết và đang triển khai rốt ráo.

{keywords}
Ông Choi Joo Ho – Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam phát biểu tại Lễ khai mạc Chương trình Đào tạo chuyên gia khuôn mẫu VN ngày 14/7/2020

Ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam cho biết, trong suốt thời gian vừa qua, Samsung Việt Nam đã không ngừng nỗ lực vì sự phát triển của ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam thông qua việc tổ chức rất nhiều chương trình đa dạng như triển lãm công nghiệp phụ trợ dành cho các doanh nghiệp Việt Nam, tư vấn nâng cao năng suất sản xuất và chất lượng cho các doanh nghiệp Việt Nam, đào tạo 200 tư vấn viên người Việt…Chương trình đào tạo chuyên gia khuôn mẫu lần này cũng là một trong những mắt xích của chương trình nhằm hiện thực hóa cam kết của Samsung cùng đồng hành phát triển với Việt Nam.

Công nghệ khuôn mẫu là công nghệ nòng cốt quyết định chất lượng thiết kế của sản phẩm hoàn chỉnh, có thể coi sự phát triển của công nghệ khuôn và đào tạo chuyên gia khuôn mẫu có liên quan trực tiếp tới năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp phụ trợ.

Trong bối cảnh kỹ thuật khuôn mẫu đang được coi là một ngành kỹ thuật nòng cốt, là nền tảng của ngành công nghiệp sản xuất, việc phát triển và bồi dưỡng chuyên gia là vô cùng quan trọng.

Nâng cao năng lực về kỹ thuật khuôn mẫu chính là đã sở hữu một kỹ thuật sản xuất tiên tiến giúp tối ưu hóa chất lượng gia công sản phẩm đối với các tiêu chí đánh giá bằng thị giác hay xúc giác trên tất cả các sản phẩm ép nhựa, dập áp lực hay gia công chính xác, từ đó có thể đóng góp rất nhiều trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp của Việt Nam đặc biệt là hoạt động sản xuất phần cứng cho các thiết bị điện tử hay cho ngành sản xuất xe máy, xe ô tô.

“Tôi mong chờ thành quả của 4 năm tới đây, khi 200 chuyên gia tư vấn lĩnh vực khuôn mẫu được đào tạo, lĩnh hội đầy đủ các kiến thức và kinh nghiệm đã được đúc rút trong hàng chục năm qua của Samsung, để từ đó tạo nền tảng đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp khuôn mẫu và chế tạo của Việt Nam”, ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam nói.

“Nhu cầu về khuôn mẫu cho sản xuất nhựa, cơ khí, chi tiết máy, linh kiện… để nâng cao chất lượng sản phẩm là rất lớn, giúp doanh nghiệp nội địa tăng năng lực tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.  Dự án hợp tác đào tạo nguồn nhân lực khuôn mẫu là một chương trình đào tạo bài bản, thiết thực và có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển ngành khuôn mẫu Việt Nam”, thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Trước đó, thoả thuận hợp tác về “Dự án đào tạo nhân lực cho ngành chế tạo khuôn mẫu” được ký kết giữa Bộ Công Thương và Samsung Việt Nam trong khuôn khổ kỳ họp lần thứ 9 của Uỷ ban Hỗn hợp Việt Nam – Hàn Quốc về hợp tác Năng lượng, Công nghiệp và Thương mại Việt Nam – Hàn Quốc diễn ra ngày 22 tháng 10 năm 2019.

Thu Ngân