Nikki Phillippi là một YouTuber có 1,2 triệu người theo dõi. Cô thường đăng các video ghi lại cuộc sống với chồng và con trai 3 tuổi.
Trong một video vào năm 2018, vợ chồng cô nói rằng họ hy vọng sẽ được nhận nuôi một đứa trẻ từ Thái Lan. Tuy nhiên, theo quy định thì họ sẽ bị cấm chia sẻ các nội dung về đứa trẻ trên mạng xã hội trong khoảng 1 năm.
Trong một video khác, cặp đôi cho biết không hài lòng với thủ tục kéo dài khi nhận con nuôi vì phải mất tới 1 năm để hoàn tất. Ngoài ra, họ không muốn “gây tổn hại cho người khác” nếu họ vi phạm các quy định về truyền thông xã hội.
Mới đây, đoạn video này lại được một TikToker đăng lại và khơi ra vấn đề. “Có ai còn nhớ cái này không? Cô ấy vẫn có hơn 1 triệu người đăng ký trên YouTube” - bài chia sẻ nhận được 5 triệu lượt xem trên TikTok viết.
Trong video, Nikki nói: “Câu chuyện là Thái Lan có luật riêng của họ, đặc biệt sau khi chúng tôi đón con. Chúng tôi cũng không được phép nói về chúng hoặc chia sẻ bất kỳ hình ảnh, video nào, bất cứ điều gì về chúng trên mạng trong vòng 1 năm”.
Dan - chồng Nikki nói thêm: “Trong khi Nikki có một kênh YouTube, chúng tôi chia sẻ rất nhiều thứ”.
“Khi nghe tin đó, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng” - nữ YouTuber nói.
Đoạn video cũng được lan truyền trên Twitter và có thêm 12 triệu lượt xem. Một số người dùng Twitter cho rằng cặp đôi có ý định “khai thác” đứa con nuôi để có thêm lượt xem và sức ảnh hưởng.
Holt International - cơ quan phụ trách việc nhận con nuôi mà Nikki làm việc vào thời điểm đó - cho biết trong một email rằng, chính sách truyền thông xã hội là một phần luật nhận con nuôi của Thái Lan. Luật này hạn chế việc tiết lộ “thông tin, hình ảnh, video và đoạn phim trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc Internet trước khi hoàn thiện thủ tục theo luật pháp Thái Lan”.
Trước những phản ứng của dư luận, Nikki đã không đưa ra bất kỳ bình luận nào, tờ Insider đưa tin.
Những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội đang ngày càng nhận được nhiều phản ứng dữ dội về việc sử dụng hình ảnh của trẻ nhỏ. Các vlogger gia đình đã từng bị cáo buộc bóc lột trẻ em khi đăng video về con cái họ lên mạng vì không rõ đứa trẻ có đồng ý quay phim hay không.
Hồi tháng 5 năm ngoái, Ủy ban Kỹ thuật số, Văn hoá, Truyền thông và Thể thao của Anh đã công bố một báo cáo bày tỏ lo ngại rằng, nhiều người sáng tạo nội dung là trẻ em đang “được cha mẹ và các thành viên gia đình sử dụng như một nguồn thu nhập, gây ảnh hưởng đến quyền riêng tư và rủi ro về an ninh”.
Cũng về vấn đề này, hồi tháng 3 năm nay, Quốc hội Pháp đã thông qua dự thảo luật bảo vệ quyền trẻ em đối với hình ảnh của chính mình.