Trao đổi với VietNamNet, ông Đặng Văn Nga đại diện doanh nghiệp khai thác khoáng sản ở huyện Quỳ Hợp (Nghệ An), cho biết, dây chuyền khai thác, chế biến đá bị ảnh hưởng lớn khi điện liên tục bị cắt những ngày qua. Thiệt hại do cắt điện, khống chế thời gian sử dụng điện, đến nay doanh nghiệp chưa thể thống kê được.

“Cách đây hai ngày, điện lực cắt từ 17h đến 21h, có ngày yêu cầu nhà máy giảm sử dụng điện 50% công suất. Điện lực thông báo nếu không tuân thủ quy định thì sẽ cắt điện toàn bộ nhà máy.

Hôm nay công suất của nhà máy cũng bị yêu cầu giảm sử dụng 30%, không thực hiện sẽ bị cắt điện” - ông Nga kể về cảnh báo của ngành điện lực huyện Quỳ Hợp.

Theo ông Nga, ngành điện yêu cầu giảm công suất nhà máy hoạt động liên tục trong 3 ngày tới, sau đó mới đến lịch cắt điện. Việc yêu cầu nhà máy giảm sử dụng điện, ông đều phải tuân thủ. Trong trường hợp cắt điện, nhà máy sẽ thiệt hại rất lớn.

Máy cắt đá phải dừng hoạt động khi mất điện đột ngột ở huyện Quỳ Hợp, Nghệ An. Ảnh: Quốc Huy

“Có lúc, điện lực cắt ngang mà không thông báo. Sau này chúng tôi phản ánh mới có thông báo lịch cắt điện. Hậu quả đầu tiên là người lao động không có việc làm, đơn hàng không kịp để xuất khẩu. Mất điện khiến cả dây chuyền, hệ thống nhà máy từ mỏ khai thác, sản xuất và vận chuyển đi tiêu thu bị ngưng trệ. Trong điều kiện hoạt động bình thường, nhà máy chúng tôi mỗi ngày tiêu thụ trên 30 triệu đồng tiền điện” - ông Nga chia sẻ.

Anh T.H. một chủ xưởng sản xuất đá khác tại huyện Quỳ Hợp, cũng cho hay, mất điện liên tục ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất. Cơ sở không dám nhận các đơn hàng mới vì lo ngại không đảm bảo yêu cầu thời gian.

“Có thời điểm điện lực không thông báo và đột ngột cắt điện, lúc máy đang hoạt động. Trong khoảng 10 lần cắt điện, chúng tôi mới chỉ nhận thông báo trước 2 lần. Việc cắt điện đột ngột khiến máy móc bị hư hại như vênh, đầu đĩa cưa bị hư hỏng”, anh H. nói.

Doanh nghiệp ở Nghệ An đang phải đối mặt với những khó khăn trong sản xuất do thiếu điện kéo dài. Ảnh: QH
DN chế tác đá cần sử dụng điện liên tục nhưng bắt buộc phải tiết giảm do thiếu điện. Ảnh: QH

Mấy ngày qua, bình quân mỗi ngày ở đây điện lực cắt điện 30 phút đến 1 tiếng đồng, nhiều nhất khoảng 5 tiếng. Các khu dân cư hầu hết đêm nào cũng bị cắt điện, còn khu công nghiệp bị cắt ít hơn.

“Mỗi lần khởi động máy nghiền bột đá, cả dây chuyền tiêu hao điện năng với chi phí lên tới 20-30 triệu đồng. Riêng những máy cắt đá đang hoạt động mà bị ngắt điện làm hư hại cả dây chuyền sản xuất”, anh H. cho hay. 

Mất điện liên tục khiến doanh nghiệp không thể chủ động trong công việc, mỗi ngày có 50 công nhân phải nghỉ làm, dây chuyền sản xuất bị đình trệ, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp và khó khăn trong việc bố trí người làm hàng ngày.

Nhu cầu sử dụng máy nổ phát điện rất lớn ở các khu chung cư, nhà hàng trên địa bàn Nghệ An. Ảnh: MH
Đổ nhiên liệu vào máy nổ phát điện khi sự cố cắt điện đột ngột. Ảnh: MH

Còn anh H.T. chủ nhà hàng kinh doanh ăn uống tại TP. Vinh, phản ánh, việc cắt điện luân phiên trong nhiều ngày qua đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhà hàng. Tiền mua xăng, dầu để máy nổ hoạt động tổng khiến chi phí bị đội lên cao.

“Để nhà hàng hoạt động trong những ngày nắng nóng, nguy cơ mất điện cao thì chúng tôi đã chủ động mua máy phát điện giá hơn 200 triệu đồng. Tuy nhiên, bất lợi trong sử dụng máy nổ là tiếng ồn lớn, mùi xăng dầu và rất nhiều bất lợi khác. Việc sử dụng máy nổ là trường hợp bất đắc dĩ”, anh T. kể.

Ông Đậu Đình Hợp - Giám đốc Điện lực huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) thừa nhận, có chuyện 2-3 ngày trước, việc cắt điện ở một số nơi trên địa bàn không được thông báo trước song "việc này nằm ngoài kiểm soát của điện lực huyện Quỳ Hợp".

Theo ông Hợp, đó là do 3 ngày trước, khi nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng cao, điện lực tỉnh Nghệ An đã chủ động ngắt điện để giảm tải. 

"Đến nay, lịch cắt điện đã được thông báo đến người dân và doanh nghiệp để chủ động trong sản xuất cũng như sinh hoạt. Điện lực Quỳ Hợp khuyến cáo người dân, doanh nghiệp cần sử dụng điện tiết kiệm điện”, ông Hợp nói.