Trần Văn Quí Em (Quí Trần) là con út trong một gia đình thuộc xã khó khăn của tỉnh Đồng Tháp, gần biên giới Việt Nam - Campuchia.

Cha của Quí Em bị tai biến mạch máu não khi cậu mới lên lớp 3. Mẹ là thợ may gia công tại nhà với một loạt bệnh kinh niên đeo bám. Còn anh hai, do khù khờ nên công việc làm thêm không ổn định.

Ngay từ nhỏ, trong suy nghĩ của mình, Quí Em đã nhận ra được khó khăn của gia đình, vất vả mà ba mẹ đang gồng gánh từng ngày. “Em ý thức rằng phải biết kiếm ra tiền” – cậu nhớ lại.

Trần Văn Quí Em (Quí Trần) là thủ khoa đầu vào lẫn đầu ra của Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM. Ảnh: NVCC

Vậy nên, Quí Em đã bắt đầu hành trình mưu sinh bằng công việc bán vé số ngay từ hè năm lớp một. Sau hai năm, khi cha của Quí Em bắt đầu tập đi như một đứa trẻ, cậu bé chưa hết tiểu học lại vụt trưởng thành.

“Bản thân em lúc bấy giờ ý thức hơn bao giờ hết về hoàn cảnh gia đình, mình phải tự nỗ lực vươn lên để vừa không là nỗi lo mà còn là sự hãnh diện của gia đình”.

Công việc bán vé số được cậu duy trì đến hè năm lớp 9. Khi Quí Em chuẩn bị thi tuyển vào lớp 10, cha của cậu qua đời vì những di chứng căn bệnh năm xưa.

“Mọi thứ trong em như vỡ tan, suy nghĩ rất nhiều đến việc buông xuôi tất cả, để rồi một lần nữa em tự vực dậy bản thân: Phải đứng dậy! Vì sự kỳ vọng của gia đình và tương lai bản thân”.

Một sản phẩm trong BST Mùa an của Quí Trần. Ảnh: NVCC

Với suy nghĩ đó, sau khi đỗ vào cấp 3, vì công việc bán vé số ế ẩm, Quí Em xin vào làm cho một xưởng may gần nhà. Sang hè lớp 11, cậu đã có thể nhận đồ về nhà may đo cho khách.

Quí Em cho biết, vất vả kiếm sống, nhưng từ nhỏ đã luôn xác định chỉ có con đường học vấn mới thoát khỏi cảnh khó khăn, có thể giúp đỡ được gia đình và xã hội tốt hơn.

“Mình đã nỗ lực hết sức để 12 năm liền đều đạt danh hiệu Học sinh giỏi, tham gia đều đặn các cuộc thi năng khiếu vẽ và đạt các giải nhất, nhì, ba cấp tỉnh.

Đến năm lớp 12, mình xác định Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM và chuyên ngành Thời trang là lựa chọn tiên quyết và duy nhất khi bước "vào đời” – Quí Em khẳng định.

Quí Trần nhận giải thưởng trong show thực tế thời trang online. Ảnh: NVCC

Năm 2016, cậu thi đỗ đúng ngôi trường, ngành học mơ ước. Hơn thế nữa, Quí Em còn đứng đầu danh sách trúng tuyển, nhận danh hiệu Thủ khoa đầu vào.

Cuộc sống mới

Túng thiếu nhưng mẹ vẫn cho Quí Em vào Sài Gòn học tập. Ngay trong vòng nửa năm đầu xa nhà, cậu đã nếm đủ những khó khăn nơi đô thị.  

“Từ việc đi lại mất hơn 2 tiếng bằng xe buýt, ăn uống đắt đỏ, tới việc học với họa cụ, đồ án, bài tập, máy móc, nguyên - phụ liệu, dụng cụ may và cả những khóa học kỹ năng dành cho chuyên ngành…” - cậu liệt kê.

Chi phí học tập phần do mẹ gửi từ quê, còn một phần - vẫn còn chút ngại ngùng, Quí Em nhớ lại - cậu đã rất nỗ lực để “săn” học bổng.

“Khi còn là sinh viên, mình luôn cố gắng hoàn thành tốt nhất các bài tập và đồ án. Tất cả các phong trào của nhà trường, đoàn, hội, mình đều đăng kí tham gia để trau dồi kĩ năng mềm.

Và may mắn, những điều đó cộng gộp lại giúp mình cơ hội nhận được nhiều học bổng, thêm chi phí trang trải trong suốt quá trình đại học”.

Cậu cũng làm thêm một loạt công việc, từ vẽ tranh tường, vẽ diễn hoạ thời trang đến thiết kế rập, may đồ cho khách…

Một sản phẩm trong BST mới nhất của Quí Trần. Ảnh: NVCC

Định hình phong cách từ sớm, chàng sinh viên Quí Em - và sau này là nhà thiết kế (NTK) trẻ Quí Trần - liên tục tham gia các cuộc thi để khẳng định tên tuổi.

Cậu đã giành các giải thưởng như: Gương mặt Tài năng triển vọng năm 2020 do SR Fashion Awards bình chọn, Top 5 Hạng mục Fashion Designer cuộc thi TikTok Fashup 2021 - Show thực tế thời trang online 2021… Năm 2020, Quí Trần “gặt” được một danh hiệu nữa là Thủ khoa đầu ra của trường.

Cậu đã không lựa chọn đi làm ở bất kỳ công ty nào, ngay khi ra trường bắt tay luôn vào xây dựng thương hiệu cá nhân mang tên QEM. Song song với đó, Quí Trần cũng nhận thêm nhiều dự án làm trang phục cho nghệ sĩ, khách hàng…

“Danh hiệu Thủ khoa mở ra cho mình rất nhiều cơ hội. Mình được nhận nhiều suất học bổng, những khoá học kỹ năng. Bên cạnh đó là các cơ hội làm việc tốt hơn lúc tốt nghiệp”.

“Thu nhập của mình đang ở mức 8/10 kỳ vọng”

Những thiết kế của Quí Trần luôn hướng đến giá trị tinh thần cậu đúc kết được trong quá trình trưởng thành và trải nghiệm riêng. Thông qua các BST của QEM như: “Mùa an”, “Con nước nhảy”, “Ầu ơ” hay “Rong”, dường như người con đất miền Tây nào cũng có thể cảm nhận được những mẩu chuyện thân thuộc.

"Áp lực là việc cân bằng cái tôi trong thiết kế và tính thương mại". Ảnh: NVCC

Ngành thời trang có tính đào thải rất cao, nên NTK trẻ này cho biết phải luôn nỗ lực sáng tạo, tìm hiểu thị trường, xu hướng để thương hiệu có chất riêng nhưng đảm bảo được tính mới mẻ.

“Có thể nói đó là khó khăn nhất ở hiện tại của mình. Điểm thuận lợi là thị trường càng ngày càng mở rộng và đa dạng, đặc biệt nhóm đối tượng GenZ có sự sáng tạo và gu ăn mặc hiện đại hơn, xu hướng hơn. Còn áp lực là việc cân bằng cái tôi trong thiết kế và tính thương mại hóa”. Quí Trần chia sẻ có đặt mục tiêu cho thu nhập, và hiện tại đạt khoảng 8/10 kỳ vọng.

“Điều mình đặt nặng hơn là thu nhập có đủ để tái đầu tư và phát triển thương hiệu hay không. Và xa hơn là thu nhập có thể đủ lo được cho gia đình cũng như san sẻ cùng các hoàn cảnh khó khăn ngoài xã hội.  

Mình sẽ không ngừng "kể chuyện" bằng áo quần cho mọi người thưởng thức; cho ra những sản phẩm có tính ứng dụng cao hơn, mở thêm thương hiệu con, dần hiện thực hóa những mong muốn trước đây”.

Nam sinh Huế vào chung kết Đường lên đỉnh Olympia

Nam sinh Huế vào chung kết Đường lên đỉnh Olympia

Chiến thắng với 290 điểm ở cuộc thi quý 2 Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 23, Nguyễn Minh Triết đã mang cầu truyền hình trận chung kết năm về với Trường THPT Chuyên Quốc học, Thừa Thiên Huế.