Tác phẩm 'Tiếng chuông chiều' của Hữu Dỵ
Và tôi đến với thành Vinh, vào những ngày nắng nực nhất. Gió Lào thổi cái bỏng rát vào mặt người, nắng chói chang như thiêu như đốt. Sau những cuộc gặp thân sơ, những bữa tiệc đủ để mệt nhoài, tôi tự dành cho mình một thời gian im ắng lãng quên, vào một buổi sáng vẫn không kém phần rực rỡ. Chợt tôi nhớ tới cuốn sổ, nó đang im lặng trên bàn. Tôi dở ra và bấm 10 con số…
Một giọng nói chừng như rất bình thản, qua điện thoại họa sĩ Nguyễn Hữu Dỵ hẹn gặp tôi tại một quán nhậu. Và tôi nhận ra anh giữa bao người, vì như đã được nữ họa sĩ Phương Bình báo trước, rằng “ở đâu có… điếu cày thì ở đó có thầy Dỵ”. Quả thực, bên một chiếc điều cày đẹp hơn mọi chiếc điếu mà tôi từng nhìn thấy, là chủ nhân của nó, một người nhìn thoáng qua trông có vẻ già hơn tuổi 60 của mình nhưng dường như lúc nào cũng ấm áp một nụ cười trên môi.
Mái tóc dài buộc phía sau gáy, chòm râu phất phơ sợi đen sợi bạc, song Hữu Dỵ không mang cái vẻ ngông nghênh ngang tàng thường gặp ở các nghệ sĩ ăn to nói lớn. Anh nhỏ nhẹ, thanh lịch, và có nụ cười hiền khô.
Hữu Dỵ nói, anh quê gốc ở Quảng Lộc, Quảng Trạch, Quảng Bình. Sinh năm 1955 tại một làng quê bên bờ Nam sông Gianh, Hữu Dỵ đã có một tuổi thơ đáng nhớ, trong đó có biết bao kỷ niệm gắn với một thời máu lửa của đất nước. Bến đò Phú Trịch, người chị gái ra sông giặt áo, những anh lính hải quân, bạn bè chăn trâu chăn bò, những chiếc tàu chìm trong làn bom giặc Mỹ khi chưa kịp về tới bến…
Đến tận giờ đây tất cả những hình ảnh ấy vẫn ăm ắp nhớ thương trong trái tim anh. Thoáng trong nụ cười thân tình của anh, tôi thấy một nỗi buồn khi nhớ về quê cũ. Nơi ấy sông Gianh một chiều xưa, vang lên tiếng cười lũ trẻ chăn trâu trong rừng rực hoàng hôn như một đền đài huy hoàng trước lúc hoang đổ. Nơi ấy tại ngôi làng bé nhỏ cạnh bến đò Phú Trịch, cậu bé Hữu Dỵ tròn xoe mắt nhìn những con tò he đủ màu sặc sỡ được người anh rể hào phóng mua cho làm quà.
Những con tò he, khi là hình con gà, con vịt, khi là hình Tôn Ngộ Không thần thông quảng đại, lúc lại là những bông hoa, cánh lá… đã hút hồn cậu bé. Cậu trở nên mê mải với trò chơi dân gian này, đến nỗi người anh rể cũng phải chiều chuộng mua bột, mua sáp về để cậu nặn tượng. Có lẽ từ những con tò he và những miếng bột nặn ấy, Nguyễn Hữu Dỵ đã bắt đầu trò chơi màu sắc của cuộc đời mình.
Tuy nhiên với một chàng trai tỉnh lẻ không được học vẽ một cách bài bản, thi vào các trường mỹ thuật chuyên nghiệp là một việc khó khăn. Năm 1972, Hữu Dỵ thi đậu vào Khoa Ngữ Văn, Đại học Vinh. Khi tốt nghiệp, anh được giữ lại trường làm giảng viên. Nhưng không thể từ khước nó, niềm đam mê hội họa. Ngược lại, mỗi ngày Hữu Dỵ càng nhận ra nó vẫn nhen nhóm trong lòng mình và chờ một cơn gió to để có thể bùng lên thành ngọn lửa lớn.
Năm 1987, anh thi đỗ vào trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Khoa Hội họa. Đến khi tốt nghiệp năm 1991, anh lại trở về Đại học Vinh công tác, nhưng chuyển sang giảng dạy bộ môn Mỹ thuật tại Khoa Giáo dục Tiểu học. Vậy là có thể nói ước mơ của anh đã thành hiện thực. Với công việc này, Hữu Dỵ đã truyền lửa cho bao thế hệ sinh viên. Nhiều người đã trở thành các họa sĩ khá thành danh, họ luôn dành cho người thầy của mình những tình cảm kính trọng, yêu mến.
Tôi ngỏ ý muốn xem tranh của Hữu Dỵ. Vậy là giữa trưa nắng gần 40 độ của miền Trung vào hạ, trên chiếc ô tô phủ bụi của anh, chúng tôi đến nhà họa sĩ ở một con phố gần chợ Vinh. Xưởng vẽ nằm trên tầng 3, nơi từ đó có thể nhìn ra một góc thành Vinh đầy những tán bằng lăng tím ngắt. Nơi hàng ngày mỗi bình minh hé rạng hay hoàng hôn dần tắt, Hữu Dỵ say sưa chụp ảnh mặt trời, một góc phố, một dáng cây bằng điện thoại hay iPad rồi “post” lên facebook để chia sẻ với bạn bè.
Nơi đó, bước ra lan can là một không gian nhỏ của hoa, cây cảnh và những chú chim ríu rít trong lồng. Mỗi một cảnh tượng, sự vật, một sắc màu dường như đều ẩn chứa một câu chuyện nhỏ, và Hữu Dỵ tìm thấy niềm vui trong những câu chuyện ấy. Anh muốn kể lại cho mọi người cùng biết, đôi khi bằng những tấm ảnh, những vần thơ, đôi khi bằng sự bày tỏ của cây cọ và những gam màu…
Tranh của Hữu Dỵ, bởi vậy, giống những câu chuyện nhỏ. Khi anh kể cho chúng ta về tuổi thơ của mình bên dòng Gianh bình yên và quặn xót, lúc lại là câu chuyện về lễ hội Đền Cuông, chuyện về người trở lại thăm quê, về nguồn, buổi họp chợ, mưa miền Trung… Đôi khi chỉ là một niềm “tự cảm” với những màu sắc nhập nhằng sáng tối, những ảo ảnh mặt người ngô nghê, khờ dại mà đầy ám ảnh. Có những bức tranh, như “Tự cảm”, “Tuổi thơ tôi”, “Tiếng chuông chiều”…, màu sắc khi ấy không còn để diễn đạt hình khối sự vật, mà giống như cảm xúc tự thân nó đang lên men.
Những ảnh hình mang hơi hướng nghệ thuật dân gian, váng vất nét thân quen như các họa tiết đình chùa miếu mạo. Những thiếu nữ không rõ mặt mặc áo tứ thân buông tà trong gió bay tỏa khắp xung quanh. Một Thị Nở đang trần truồng ngơ ngác giữa vườn chuối, nét thô kệch trên cơ thể không áo của chị lại được diễn tả bằng những nét vẽ tài tình đầy lôi cuốn. Một khuôn mặt không rõ là thực hay ảo, là nam hay nữ, là người hay mặt nạ giống như trong một vở tuồng…
Những cảm xúc cứ thế ào ạt trong tranh Hữu Dỵ, khi buồn khi vui, khi tràn nhớ nhung nuối tiếc, có lúc lại chới với, mông lung. Nhiều tác phẩm được Hữu Dỵ diễn tả bằng phong cách hiện thực lãng mạn, nhưng cũng nhiều khi anh vẽ hết sức thoải mái, không nệ vào bất cứ lối vẽ nào, mà mặc cho cảm xúc cuốn ngòi bút đi. Anh vẽ bằng nhiều chất liệu: sơn dầu, bột màu, phấn màu, giấy dó, đôi khi dùng chất liệu tổng hợp và thậm chí vẽ cả bằng sơn xịt, vẽ trên giấy mếch lót vải.
Hữu Dỵ cười thân tình: “Giấy này (giấy mếch lót vải) từ trước tới giờ chỉ có ở hiệu may!”. Rồi người họa sĩ chỉ cho tôi xem bức tranh với những màu sắc nhòa nhạt ảo mờ như một giấc mơ. Một bức khác nữa, dáng thiếu nữ ngồi tựa đầu trên ghế, sầu như buổi xế chiều vừa tắt nắng.
Khi hoàng hôn phủ một màu loang loáng buồn xuống thành Vinh, tôi tạm biệt xưởng vẽ nhỏ của Hữu Dỵ để trở về với Hà Nội. Trên chiếc xe ô tô phủ bụi vẫn còn vương hơi nóng ban ngày, Hữu Dỵ vẫy tay chào để lại đến với một cuộc rượu cùng bè bạn. Chiếc điếu cày đẹp nhất tôi từng biết đến, vẫn được giữ khư khư trong xe anh, phía sau tay lái. Bất chợt tôi nhìn xuống tay mình, nơi cuốn sổ nhỏ tình cờ được mở ở trang ghi số điện thoại của Hữu Dỵ. Với tôi từ lúc này, 10 con số đó không còn xa lạ nữa…
Phạm Quỳnh An