Tối ngày 7 tháng 3 năm 2015, trong một ngôi nhà ở huyện Chương Mỹ, Hà Tây cũ, nay là thành phố Hà Nội, một bức thư của một nhóm các nhà thơ Việt Nam, Cuba, Mỹ và Colombia đã được viết ra. Đó là bức thư ngỏ của các nhà thơ này gửi tới Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raúl Castro. Bức thư được viết bằng ba thứ tiếng: Việt, Anh và Tây Ban Nha. Toàn văn bức thư như sau:

Thư Gửi Tổng Thống Barack Obama và Chủ tịch Raúl Castro

Hà Nội, ngày 7 tháng 3 năm 2015

Là các nhà văn, nhà thơ, và những người có thiện chí, và trong tinh thần của tình bạn bền lâu, chúng tôi, những người ký tên dưới đây, tán thành và khuyến khích phá bỏ các rào cản, cùng việc mở cửa hướng tới sự hợp tác và trao đổi văn hóa giữa các dân tộc.

Để đạt được mục đích này, chúng tôi hoan nghênh sáng kiến gần đây nhằm tiến tới quan hệ ngoại giao giữa Cuba và Mỹ như là một cơ hội để đem lại hòa bình,  hiểu biết, và sự tôn trọng lẫn nhau giữa hai quốc gia đã phân cách quá lâu. Chúng tôi biết ơn cả hai chính phủ đã đáp ứng những ích lợi của chính dân tộc họ, và cổ vũ sự phát triển của những trao đổi văn hóa hữu ích như là một bước để tiến tới quan hệ ngoại giao toàn diện.

{keywords}
Bức thư được soạn thảo

 

Chúng tôi kêu gọi tất cả mọi người từ mọi quốc gia xin cùng chúng tôi ký vào bức thư này, một bức thư được viết nhân dịp hai mươi năm thiết lập  quan hệ giao giữa nước Mỹ và Việt Nam.

Martha Collins, U.S.A.

Alex Pausides, Cuba

Nguyen Quang Thieu, Vietnam

Fernando Rendón, Colombia

Fred Marchant, USA

Larry Heinemann, USA

Luong Tu Duc, Vietnam

Kevin Bowen, USA

Robert Scanlan, USA

Nguyen Ba Chung, USA      

A letter to Presidents Barack Obama  and Raúl Castro.    

Hanoi, 7 March 2015

As writers, poets, and people of good will, and in the spirit of abiding friendship, we the undersigned endorse and encourage the lifting of barriers and the opening of doors to cooperation and culture exchange among all peoples.

To this end, we applaud the recent initiative toward diplomatic relations between Cuba and The United States as an opportunity to bring about peace, understanding, and mutual respect between two countries that have been separated for too long. We are grateful to both governments for responding to the interests of their respective people, and encourage the advancement of meaningful cultural exchange as a step toward full diplomatic relations.

We appeal to people from all countries to join us in signing this letter, which is written on the occasion of twenty years of diplomatic relations between the United States and Vietnam.

Martha Collins, U.S.A.

Alex Pausides, Cuba

Nguyen Quang Thieu, Vietnam

Fernando Rendón, Colombia

Fred Marchant, USA

Larry Heinemann, USA

 Luong Tu Duc, Vietnam

Kevin Bowen, USA

Robert Scanlan, USA

Nguyen Ba Chung, USA

Carta a los presidentes Barack Obama y Rául Castro

Hanoi, 7 de Marzo de 2015.

En nombre de los escritores, los poetas y todas las personas de buena voluntad, y en el espíritu de una larga tradición de amistad, apoyamos toda iniciativa que rompa las barreras y abra las puertas a la cooperación y el intercambio cultural entre todos los pueblos. En este sentido, aplaudimos la reciente iniciativa encaminada a la normalización de las relaciones diplomáticas entre los Estados Unidos y Cuba, como una oportunidad para alcanzar la paz, la cooperación y el respeto mutuo entre los dos países, que han estado separados por tanto tiempo.

Agradecemos a los dos gobernantes por responder a los intereses de sus respectivos pueblos, a favor del avance y mejoramiento de los intercambios culturales como primer paso hacia el establecimiento de relaciones diplomáticas plenas.

Llamamos  a los pueblos de todas las naciones a hacer suya esta carta, escrita en ocasión de los veinte años de la normalización de las relaciones diplomáticas entre los Estados Unidos y Vietnam.

Marta Collins, USA

Alex Pausides, Cuba

Nguyen Quang Thìeu, Vietnam

Fernando Rendón, Colombia

Fred Monedu, USA

Cary Heinemann, USA

Luong Tu Duc, Vietnam

Kevin Boen, USA

Robert Scanlan, USA

Nguyen Ba Chung, USA

{keywords}
Các nhà thơ soạn thảo thư

 

Con đường đi tới bức thư này là những câu chuyện vô cùng giản dị nhưng đầy tinh thần thi ca và tình bạn. Trước khai mạc hội nghị quảng bá văn học Việt Nam, nhà thơ Colombia ,Fernando Rendón, đã về thăm làng Chùa của tôi cùng với một nữ thi sỹ Ấn Độ. Tôi bận công việc nên không về với ông được. Dịch giả Phạm Long Quận đã đưa ông về. Sau này tôi mới biết rằng : trong lần đến thành phố Medellín tham dự liên hoan thơ quốc tế năm 2011. Tôi đã trả lời phỏng vấn một tờ báo Colombia về đời sống thi ca Việt Nam. Trong đó, tôi có nói về những người nông dân làng Chùa cày cấy và làm thơ.

Bài phỏng vấn dài hai trang báo với tít là một trong những câu nói của người làng Chùa “ Thơ ca không làm ra lúa vàng, gạo trắng, nhưng làm ra giấc mơ cho người gieo trồng”. Chính vì thế mà nhà thơ Fernando quyết định tìm về làng Chùa. Và ở đó, những người nông dân yêu thơ làng Chùa đã nấu cỗ đón ông. Họ đọc thơ cho ông nghe và viết thơ tặng ông. Nhà thơ Fernando đã sống một ngày với những nông dân làng Chùa mà theo lời ông thì ông như sinh ra và lớn lên ở cái làng đó . Ngay đêm đó khi trở về khách sạn, ông đã thức đến gần sáng để viết một bài thơ về Việt Nam với cảm hứng  và suy ngẫm từ những người nông dân của một làng quê Việt Nam. Bài thơ có tên : VIỆT NAM.

Fernando Rendón

                      

VIỆT NAM

Kính tặng những người nông dân làng Chùa

Kính tặng nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều

và người bạn của tôi: Phạm Long Quận.

                             

Những người nông dân làng Chùa, chúa tể của những vần thơ

Họ uống những ly rượu tinh ngần được cất từ lúa gạo.

Để có được ngày hôm nay,

biết bao máu và nước mắt đã đổ xuống.

Họ buộc phải cầm súng chống lại quân thù

để giành lại cuộc đời

"Một hạt thóc vàng,chín giọt mồ hôi"

Những đôi môi mở ra

Những giai điệu diệu kỳ

Thấm vào các thính giác chúng tôi

Lớp lớp quân thù đã đến và buộc phải cút đi

Chúng giống như nạn đói

như giá rét

như cái chết.

"Một hạt thóc vàng,chín giọt mồ hôi"

Mỗi tiếng hát được bắt nguồn từ cội rễ thời gian

Cuộc kháng chiến trường kỳ của các bạn

nuôi dưỡng hy vọng lớn lao của nhân loại

Với máu lửa âm nhạc của các bạn gieo xuống

và gặt hái một đời sống mới.

Bởi vì:"Một hạt thóc vàng,chín giọt mồ hôi"

Mùa xuân lặng lẽ chuẩn bị với ngàn hoa

cho cuộc tổng phản công mãnh liệt của gieo trồng

Những người nông dân nghiêng mình trên những cánh đồng

Để cấy những cây lúa như đang vuốt ve Đất Mẹ

Những âm hưởng cuộc sống vang lên

trường tồn,

liên tục

nảy mầm bất tận

làm lay động những tâm hồn.

Nhưng đó là vì :"Một hạt thóc vàng,chín giọt mồ hôi"

Những làn hương khói

những mâm ngũ quả

những bông hoa,những chén nước và biết bao ẩm thực

Ngập tràn trên các ban thờ tổ tiên

Ngôn ngữ cày cấy

Những hạt đời bật mầm

giữa trùng trùng thách thức

và gian khó tột cùng.

Việt Nam

Người là Con đường

Hãy mang chúng tôi trở về!       

{keywords}

Trong buổi hội thảo thơ “ Thơ ca nơi lữu giữ tâm hồn Việt”, nhà thơ Fernando đã phát biểu trên diễn đàn rằng : ông sẽ mang tinh thần đời sống thi ca của người làng Chùa về Colombia và muốn tinh thần ấy lan tỏa trên xứ sở của Trăm năm cô đơn. Tinh thần ấy là gì ? Đó chính là tinh thần sống của những người làng Chùa bao đời nay cũng như mọi con người trên những làng quê nước Việt: cày cuốc và gieo hạt, làm thơ và yêu con người, khi có giặc đến thì đánh giặc để bảo vệ đất đai của tổ tiên… Bởi thế mà những người làng Chùa đã viết những suy nghĩ của mình trên tường của những ngôi nhà dọc đường làng của họ:

•    Thơ ca là ngũ cốc trên cánh đồng người

•    Người yêu thơ, ta yêu người. Nếu người không yêu thơ, ta sẽ yêu người hơn

•    Một chữ có ÂN thì nở hoa, vạn chữ chỉ có OÁN thì sinh sâu bọ

•    Tay ta gieo hạt, miệng ta gieo lời

•    Trước mặt người làng Chùa là cánh đồng. Rộng hơn cánh đồng là chân trời. Nhưng rộng hơn chân trời là lòng người.

•    Người làng Chùa làm thơ vì vui, vì buồn, vì tuyệt vọng và làm thơ vì cái chết nhưng không bao giờ làm thơ vì lòng hận thù.

•    Mất nửa đời học làm thơ, mất cả đời học làm người

•    Ban ngày người làng Chùa gieo cấy trên cánh đồng, ban đêm gieo cấy trong giấc mơ.

•    Thơ ca là một cuộc sống mà ta chưa được sống trước khi đọc nó.

•    Cảm xúc và tư tưởng là dòng nước và ngôn từ là hai bờ của con sông

•    Thơ ca cũng như hạt lúa, cần thời gian ngậm đòng im lặng trong tâm hồn

•    Người làng Chùa tặng kẻ ăn mày cơm áo, tặng kẻ khổ đau thơ ca

•    Cây nở hoa bởi rễ đã mang hoa.

•    Thơ không phải là đám mây bay trên bầu trời mà là đám mây bay trong lòng người ngước nhìn.

Buổi tối ngày 28 tháng 2, anh em bạn bè Hà Đông của tôi đã tổ chức một buổi gặp mặt với các nhà thơ Mỹ, Cuba, Colombia ở nhà tôi. Tôi đã đến Mỹ nhiều lần, tôi đã đến Colombia và tôi đã học ở Cuba hơn bốn năm. Bởi thế tôi yêu những nhà thơ chân chính của những xứ sở này. Và một điều sâu thẳm trong lòng mình là tôi muốn những nhà thơ của những đất nước đang còn ngăn cách và thù địch ngồi xuống bên nhau, uống một ly rượu, đọc một bài thơ và nói với nhau về vẻ đẹp và khát vọng của dân tộc mình như những nhà thơ cựu binh Mỹ và Việt Nam đã làm mà tôi từng chứng kiến.

Những phút đầu tiên của cuộc gặp gỡ đó không phải đã dễ dàng. Nhưng rồi, thi ca đã minh chứng quyền lực thiêng liêng của nó. Họ bắt đầu nói chuyện với nhau. Mà họ không thể không đến với nhau bởi trong tâm hồn họ lúc đó chỉ là những điều đẹp đẽ và nhân văn. Bởi buổi tối đó chỉ có tình bạn với những ký ức xúc động và đẹp đẽ, chỉ có tinh thần của thi ca và âm nhạc vang lên. Nghệ sỹ flute Nguyễn Thị Diệu Quỳnh của dàn nhạc giao hưởng Việt Nam đã thổi những giai điệu đẹp nhất soạn cho flute với phần đệm piano của nghệ sỹ Hồ Tùng.

Đặc biệt, nghệ sỹ rối nước Chu Lượng, Phó Giám đốc Nhà hát múa rối nước Thăng Long, người luôn giành ưu tiên cao nhất cho các nhà văn nước ngoài khách của Hội Nhà văn khi muốn xem biểu diễn rối nước, người đã vẽ những bức chân dung đẹp các văn nghệ sỹ Việt Nam và quốc tế mà anh đã là bạn lâu năm của họ.  Và sau buổi gặp gỡ đó, những người bạn Hà Đông của tôi đã mời các nhà thơ nước ngoài quay lại thăm mảnh đất Hà Tây cũ sau khi hội nghị quảng bá văn học và liên hoan thơ Châu Á- Thái Bình Dương kết thúc. Và họ đã trở lại.

Tôi đã dẫn các nhà thơ Mỹ, Cuba và Colombia đi thăm những người bạn Hà Đông của tôi. Đó là anh Đỗ Đức Hiểu, Giám đốc Công ty Đông Dược Phúc Hưng là anh Trịnh Hữu Sỹ, Phó trưởng Phòng CSGT Hà Nội, là anh Lê Phương Chung, Giám đốc Công ty giấy Ngọc Việt. Đây là những người bạn thường xuyên sinh hoạt văn chương với anh em văn nghệ sỹ Hà Đông. Họ là những người luôn đứng sau chúng tôi để trợ giúp chúng tôi ở mọi nghĩa trong những hoạt động thơ ca và văn học. Anh Đỗ Đức Hiểu giới thiệu với các nhà thơ nước ngoài về những cây lá Việt Nam đã làm nên những vị thuộc kỳ diệu có tên là Thuốc Nam. Đó là những cây cỏ, hoa lá quen thuộc với đời sống con người Việt Nam từ ngàn đời nay. Đó là rượu nấu bằng nếp cái hoa vàng và được hạ thổ 15 đến 18 năm.

Và trong vali của các nhà văn Mỹ, Cuba, Colombia khi rời Việt Nam đều mang theo có nụ vối và rượu nếp cái hoa vàng. Còn anh Lê Phương Chung cùng gia đình anh đã nấu một bữa phở bò truyền thống mời khách. Tôi là một người nghiện phở và có thể nói khá sành phở nên có thể nói : phở bò của gia đình anh Lê Phương Chung thuộc loại phở bò xuất sắc nhất Hà Nội. Nhưng gia đình anh chỉ nấu phở bò trong những dịp đặc biệt để đãi những người khách đặc biệt. Khi anh Sỹ nói những lời tâm sự với các nhà thơ nước ngoài thì tất cả họ đều ngạc nhiên. Họ không hiểu được vì sao một sỹ quan cảnh sát lại có thể nói về thi ca và về văn hóa với một sự hiểu biết như vậy.

Và trong buổi tối trong ngôi nhà của anh Lê Phương Chung ở huyện Mỹ Đức, Hà Nội ( Hà Tây cũ), nhà thơ Fernando Rendón đã bật ra một sáng kiến. Ông đề nghị các nhà thơ của bốn nước có mặt trong buổi tối ấy : Việt Nam, Cuba, Mỹ và Colombia hãy viết một bức thư gửi Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raúl Castro. Lá thư kêu gọi Chính quyền Mỹ hãy mau chóng phá bỏ lệnh cấm vận Cuba và bình thường hóa quan hệ với đất nước này.

Các nhà thơ Việt Nam và nước ngoài có mặt trong buổi tối đó đã hoàn toàn nhất trí với sáng kiến của nhà thơ Colombia và coi đó như là một sự kiện hậu Liên hoan thơ Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 2 và Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam lần thứ 3. Nhà thơ, giáo sư ngôn ngữ Martha Collins, người đã dịch thơ của nhiều nhà thơ Việt Nam ra tiếng Anh và xuất bản tại Mỹ được chọn làm người chấp bút. Anh Lê Phương Chung đã cho nhân viên mở kho và chọn một cuộn giấy loại tốt nhất để các nhà thơ thảo thư.

{keywords}
Nhà thơ Martha Collins chấp bút bức thư

  Khi giấy được mang đến, các nhà thơ chợt im lặng. Mà không chỉ các nhà thơ mà cả những người khác đã tham dự buổi tối đặc biệt này như anh Trịnh Hữu Sỹ, gia đình anh Đỗ Văn Hiểu và đầy đủ thành viên gia đình anh Lê Phương Chung. Tôi thấy trong lòng mỗi nhà thơ và cả những người bạn không làm thơ đang ngồi ở đó vang lên bức thư của mình. Mọi người thống nhất sẽ viết một bức thư thật ngắn, thật giản dị.

Sau đó, lá thư sẽ được gửi tới các nhà thơ và những người yêu thi ca, yêu hòa bình trên toàn thế giới để xin chữ ký ủng hộ. Trong một khoảng khắc tôi nhận thấy rằng: cho dù họ là những giáo sư tên tuổi, những nhà thơ danh giá nhưng những lời mở đầu của bức thư lúc đó lại không dễ dàng. Nó không khó khăn bởi ngôn từ hay những gì khác nữa mà nó khó khăn bởi chính cảm xúc và sự thiêng liêng lúc đó.

Có một điều gì đó thực xúc động và thiêng liêng đang tràn ngập ngôi nhà. Tôi nhận ra đó là thi ca với toàn bộ ý nghĩa của nó. Thi ca chân chính không bao giờ có biên giới. Nó vượt lên trên mọi thù hận. Nó phá vỡ các biên giới vô lý và các rào cản phi nhân tính để các dân tộc đến với nhau trong trong sự tôn trọng cao nhất, trong tình yêu thương chân thành nhất và trong khát vọng chung mãnh liệt về thế gian này. Bức thư thật ngắn, thật xúc tích và thật giản dị, nhưng nó chứa trong đó khát vọng về hòa bình, tình bạn và lẽ công bằng.

Khoảng 9 giờ 30 phút tối ngày 7 tháng 3 năm 2015, bức thư đã được soạn xong bằng tiếng Anh. Nhà thơ, dịch giả Nguyễn Bá Chung dịch bức thư ra tiếng Việt. Dịch giả Phạm Long Quận dịch sang tiếng Tây Ban Nha cho hai nhà thơ nói tiếng Tây Ban Nha là Fernando Randón ( Colombia) và nhà thơ Alex Pausides ( Cuba) nghe và góp ý rồi chuẩn hóa bản tiếng Tây Ban Nha. 10 giờ tối, các nhà thơ đầu tiên ký vào bức thư đó: Ferando Rendón, Martha Collin, Alex Paudise, Kevin Bowen, Lary Heineman, Nguyễn Bá Chung, Lương Tử Đức, Fred Marchant và Nguyễn Quang Thiều.

Bức thư này sẽ được dịch ra một số thứ tiếng khác và được gửi tới các nhà thơ, nhà văn, trí thức và những người yêu hòa bình trên toàn thế giới. Mỗi người nhận được bức thư này nếu đồng ý ký ủng hộ thì sẽ lại gửi tiếp cho những người khác. Và tôi nghĩ, cho dù bức thư đề cập đến việc bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Cuba nhưng nó mang thông điệp chung về hòa bình, hữu nghĩ và sự công bằng cho mọi con người, mọi dân tộc trên toàn thế giới. Một bức thư rất bình thường mà ai cũng có thể nghĩ ra và làm được. Chỉ có một điều khác là chính những nhà thơ Mỹ và Cuba là những người hiểu thái độ ngồi viết bức thư này của họ có ý nghĩa như thế nào.

Có một chi tiết rất nhân văn mà tôi muốn kể với các bạn. Đó là trước khi bắt tay viết bức thư, anh Trịnh Hữu Sỹ vui mừng thông báo với các nhà thơ và mọi người có mặt ở đó cháu nội thứ hai của anh vừa chào đời. Thế là trước khi viết bức thư thì các nhà văn đã cùng nhau viết lời chúc phúc cho cháu. Mọi lời chúc phúc đều nói đến một thế giới hòa bình và một con đường rộng mở cho một thế hệ mới của thế gian này. Chiếc bút để viết lời chúc phúc và bức thư bây giờ thuộc quyền sở hữu của cậu bé sơ sinh ấy. Cậu bé ấy có tên là Trịnh Hoàng Tuệ. Tất cả những gì mà chúng ta làm hôm nay là để cho một tương lai tốt đẹp cho những cậu bé và cô bé như thế của chúng ta. Và cậu bé Trịnh Hoàng Tuệ là một trong những cô bé, cậu bé sẽ đón nhận một tươi lai tươi sáng.

Tối ngày 8 tháng 3, trong bữa cơm chia tay một số các nhà văn nước ngoài về nước do Chủ tịch Hữu Thỉnh chủ trì, tôi đã báo cáo nhà thơ Hữu Thỉnh và truyền đạt tới các nhà thơ nước ngoài về sự kiện viết lá thư đó. Tất cả đều vỗ tay ủng hộ bức thư và sẵn sàng ký vào bức thư đó. Tôi cũng nói với họ rằng : các nhà thơ của bốn dân tộc : Việt Nam, Mỹ, Cuba và Colombia có đủ lý do nhất để viết bức thư đó. Bởi giữa các dân tộc này đã từng phải đi qua chiến tranh, đi qua thù địch…nhưng họ đã xóa bỏ thù địch như Việt Nam và Mỹ và đang xóa bỏ thù địch như Mỹ và Cuba.

Chính vì điều đó mà các nhà thơ Mỹ muốn nói với mọi người rằng lá thư này được viết trong một năm đặc biệt ở tại Hà Nội. Đó là năm mà Mỹ và Việt Nam kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ và đang ngày càng có những bước tiến quan trọng và đa diện trong quan hệ song phương . Những nhà thơ Việt Nam và Mỹ có mặt trong buổi tối đó chính là những nhân chứng của lịch sử quan hệ giữa hai nước từng là kẻ thù của nhau trong một thời gian khá dài và nhiều máu chảy.

Khi các chính trị gia, các ngoại giao của Việt Nam và Mỹ chưa thể đến với nhau, bắt tay nhau, chúc rượu nhau và nói những lời của tình yêu và tự do thì các nhà thơ, nhà văn của hai đất nước này đã làm điều đó. Và họ đã đi qua không ít những thách thức, những đe dọa để cất tiếng nói chân thực về tự do, về nền văn hóa của hai dân tộc, về vẻ đẹp tâm hồn của con người hai xứ sở thông qua thi ca và văn học.

Trong buổi tối đó, tôi đề nghị các nhà thơ Mỹ, Cuba và Colombia hãy mời nhau đến thăm đất nước mình và dùng ngôn ngữ của thi ca để bắt đầu các cuộc đối thoại. Các nhà thơ của ba nước bắt đầu  những bước đầu tiên xúc tiến trao đổi văn hóa. Nhà thơ Fernando Rendón, Chủ tịch Lên hoan thơ Quốc tế Medellín, Colombia, Tổng thư ký Phong trào thơ thế giới, đã chính thức mời nhà thơ Cuba Alex Pausides và nhà thơ Mỹ Kevin Bowen tham dự Liên hoan thơ tại Colombia vào tháng 7 tới. Đấy là một câu chuyệnnhỏ  trong không ít câu chuyện đã diễn ra trong thời gian Liên hoan thơ Châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 2 và Hội nghị Quảng bá Văn học Việt Nam lần thứ 3.

Những câu chuyện ấy chính là những chiếc chìa khóa mở ra bao điều tốt lành và ý nghĩa không chỉ cho các nhà thơ, nhà văn Việt Nam hay nền văn học Việt Nam mà cho mọi con người sống ở mọi nơi trên thế gian này. Trong buổi tối đó, nhà thơ Fernando nói: “Một hành động nhân văn chỉ có thể sinh ra từ một cảm xúc và một ý thức nhân văn”.

Và tôi đang nghĩ đến một chuyến đi rất gần của các nhà thơ Mỹ và Cuba đến Việt Nam. Tôi muốn Hội Nhà văn tổ chức những cuộc đọc thơ dọc đất nước cho các nhà thơ đại diện của ba dân tộc : Việt Nam, Mỹ và Cuba. Sự hiện diện của các nhà thơ của ba dân tộc này có lý do đặc biệt của nó và sẽ nói lên một phần không kém quan trọng trong những gì mà nhân loại đã và đang làm cho một thế gian mà con người hằng mơ tới, một thế gian không chiến tranh, không thù hận, không đói ngèo và ngập tràn tinh thần thi ca.

Nguyễn Quang Thiều