Nằm ở cửa ngõ phía Tây của TP.HCM, công trình xây dựng cầu Tân Kỳ - Tân Quý bắc qua kênh Tham Lương (quận Bình Tân) được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại trên các tuyến đường Mã Lò, Tân Kỳ - Tân Quý ra quốc lộ 1.

Dự án còn góp phần kéo giảm ùn tắc, đồng bộ với tuyến đường cùng tên nhằm tạo thành đường kết nối giao thông quan trọng cho khu vực với sân bay Tân Sơn Nhất.

w dji 0575 1 429.jpg
Hiện trạng cầu Tân Kỳ- Tân Quý đình trệ đã 6 năm nay. Ảnh: Nguyễn Huế.

Thế nhưng, sau 6 năm triển khai, dự án vẫn đang dang dở. Hằng ngày người dân ở khu vực phải sử dụng cầu thép tạm hai bên dự án cầu mới để di chuyển theo hướng kết nối quốc lộ 1 với đường Tân Kỳ- Tân Quý, Mã Lò.

Theo ghi nhận, hiện bên trong công trình xây dựng cầu Tân Kỳ- Tân Quý không có công nhân, cỏ cây mọc um tùm, vật liệu xây dựng nằm ngổn ngang. Phần dẫn lên cầu vẫn chưa được hoàn thiện, còn trơ các phần khung thép. Nhiều hạng mục bỏ không lâu ngày đã có dấu hiệu xuống cấp. 

Bà Trần Thị Giang, người dân sống trên đường Tân Kỳ - Tân Quý, bức xúc cho biết, công trường ngổn ngang, trở thành "nút thắt cổ chai" gây tắc nghẽn giao thông vào mỗi buổi sáng sớm và chiều.

“Hằng ngày phải chạy qua cầu tạm, chịu cảnh tắc nghẽn giao thông khiến chúng tôi rất bức xúc. Nhìn cây cầu đang xây dở đã lộ hình hài nhưng đình trệ suốt 6 năm qua thật lãng phí”, bà Giang nói.

Còn bà Hải Yến (chủ quán ăn gần đoạn giao với quốc lộ 1) cho biết, việc thi công cầu ngưng trệ kéo dài, khiến lượng xe các tỉnh lân cận vào trung tâm TP.HCM và ngược lại gặp khó khăn.

"Vào giờ tan sở, các xe chen chúc nhau đoạn đường dẫn lên cầu tạm, mệt mỏi vô cùng. Mỗi lần xe cộ chạy qua là cầu lại rung lên bần bật, khiến người đi đường nơm nớp lo sợ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn", bà Yến nói.

Theo bà Yến, người dân đang mong ngóng cơ quan chức năng sớm triển khai hoàn thành dự án để việc đi lại thuận tiện hơn.

Theo tìm hiểu, hiện khu vực thi công cầu có hai dự án hạ tầng lớn đang triển khai gồm: Mở rộng đường Tân Kỳ- Tân Quý (quy mô tổng mức đầu tư hơn 237 tỷ đồng, mở rộng mặt đường từ 8m lên thành 30m) và xây dựng cải tạo kênh Tham Lương-Bến Cát rạch Nước Lên với kinh phí hơn 8.200 tỷ đồng.

Hai dự án trên đang gấp rút thi công nên việc tái khởi động lại dự án cầu Tân Kỳ- Tân Quý là việc làm cần thiết, cấp bách để đồng bộ hạ tầng khu vực, góp phần giải quyết tình trạng kẹt xe và đồng thời kết nối giao thông khu vực với sân bay Tân Sơn Nhất.

Tái khởi động vào tháng 5, hoàn thành trước 31/12/2024

Hồi tháng 8/2016, cầu Tân Kỳ - Tân Quý bị sự cố, không thể tiếp tục khai thác. Trong bối cảnh ngân sách TP.HCM hạn hẹp, dự án xây mới cầu Tân Kỳ - Tân Quý được bổ sung vào dự án BOT cải tạo nâng cấp quốc lộ 1 đoạn An Sương - An Lạc vào năm 2018. Dự án có tổng mức đầu tư 312 tỷ đồng. Hợp đồng, nhà đầu tư sẽ hoàn thành cuối năm 2018, sau đó dự kiến hoàn vốn sau 111 tháng thu phí thông qua trạm BOT An Sương - An Lạc trên quốc lộ 1, cách đó khoảng 500m.

Đến cuối năm 2018 dự án đã thực hiện khoảng 70% khối lượng, nhưng đình trệ do vướng mặt bằng. Sau đó, quận Bình Tân đã hoàn thành giải phóng mặt bằng nhưng dự án vẫn chưa thể tiếp tục do vướng mắc liên quan hợp đồng BOT đã ký bởi dự án không phù hợp Nghị quyết 437 của Quốc hội (không được làm trên đường hiện hữu).

Để sớm hoàn thành công trình dang dở, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, cuối năm 2022, HĐND TP.HCM đã thông qua Nghị quyết chấp thuận chi 491 tỷ đồng để hoàn thành cầu, chuyển từ hợp đồng BOT sang đầu tư công.

Công trình do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) làm chủ đầu tư.

W-img-5125-2.jpg
Dự kiến cuối năm 2024, dự án sẽ về đích. Ảnh: Tuấn Kiệt.

Theo Ban Giao thông, hiện việc chấm dứt hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) với nhà đầu tư cũ là Công ty cổ phần đầu tư phát triển hạ tầng (IDICO) đã hoàn thành.

Dự kiến, tháng 5/2024, UBND quận Bình Tân sẽ bàn giao mặt bằng để Ban Giao thông tổ chức thi công dự án trở lại. Theo kế hoạch, thời gian thi công hoàn thành dự án kéo dài 8 tháng. Đến ngày 31/12, sẽ hoàn thành cầu và thông xe.