Dự án cầu đường Nguyễn Khoái được HĐND TP.HCM thông qua chủ trương đầu tư từ năm 2016 với tổng mức 1.250 tỷ đồng nhưng suốt nhiều năm không triển khai.

Đến cuối năm 2023, dự án này được HĐND TP.HCM điều chỉnh chủ trương, tổng vốn tăng lên hơn 3.700 tỷ đồng, do thay đổi quy mô.

Theo đó, cầu đường Nguyễn Khoái tổng chiều dài gần 5km, phần cầu dài khoảng 2,5km, rộng 6,5 - 25,5m và phần đường dài hơn 2,3km, rộng 26,5 - 61,5m.

Công trình sẽ bắt đầu từ đường D1 (kết nối Trường Đại học Sài Gòn với đường Nguyễn Văn Linh và khu dân cư Him Lam, quận 7), sau đó phần cầu chính vượt kênh Tẻ đi trên cao bằng cầu cạn theo đường Nguyễn Khoái. Cầu tiếp tục vượt rạch Bến Nghé nối vào đường Võ Văn Kiệt.

Cầu có 2 nhánh kết nối đường Trần Xuân Soạn (quận 7), 2 nhánh kết nối đường Tôn Thất Thuyết (quận 4) và 4 nhánh kết nối đường Võ Văn Kiệt (quận 1). Khi hoàn thành, công trình này giúp phương tiện chạy xuyên suốt trên cầu dài 2,5km từ quận 7 đi quận 1 và ngược lại.

W-img-4829-1.jpg
Bí thư Nguyễn Văn Nên thực địa dự án xây dựng cầu đường Nguyễn Khoái với kinh phí hơn 3.700 tỷ đồng.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đánh giá, dự án cầu đường Nguyễn Khoái có tính chất phức tạp cho nên sở ngành và các địa phương cần phối hợp chặt chẽ.

"Đây là dự án mà người dân thành phố và cả hệ thống chính trị mong đợi. Hiện nay, dự án đã có vốn, mọi thứ đã thênh thang, chỉ tập trung hành động. Sau khi hoàn thành sẽ tạo ra tuyến đường mới rất đẹp và thuận lợi cho người dân lưu thông, tháo gỡ khó khăn cho các ngành sản xuất kinh doanh. Do vậy, thành phố sẽ kiểm tra từng người đứng đầu trong mỗi hạng mục để đảm bảo toàn bộ dự án triển khai thông suốt”, Bí thư Nên nhấn mạnh.

w-img-4852-1.jpg
Mặt bằng tổng thể dự án cầu đường Nguyễn Khoái. Ảnh: Ban Giao thông.

Khởi công vào tháng 12/2024

Trước đó, báo cáo với lãnh đạo Thành uỷ, UBND TP.HCM, ông Lương Minh Phúc- Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban giao thông) cho biết, đến nay, đơn vị vẫn đang phối hợp với các bên liên quan để khẩn trương hoàn chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh dự án cầu đường Nguyễn Khoái.

Theo ông Phúc, dự kiến tiến độ trình thẩm định phê duyệt trước 30/6; duyệt thiết kế bản vẽ thi công – dự toán trước ngày 30/10; đến trước 31/12 sẽ hoàn tất công tác đấu thầu lựa chọn tư vấn giám sát, nhà thầu thi công và khởi công dự án.

Song song đó, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và di dời công trình tiện ích (hạ tầng kỹ thuật) cũng được triển khai, bắt đầu từ tháng 4/2024 và mục tiêu hoàn thành trong tháng 12.

Ông Phúc cho biết, dự án này thành phố xác định mục tiêu đến cuối năm 2024 khởi công, thi công năm 2025, 2026 và dự kiến đưa vào khai thác trong 2027.

img-4848-1.jpg
Cầu, đường Nguyễn Khoái đoạn vượt kênh Bến Nghé để kết nối với đại lộ Võ Văn Kiệt (quận 1). Ảnh: Ban Giao thông.
Khắc phục khiếm khuyết về bài học kết nối đại lộ Đông Tây

Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường, dự án cầu đường Nguyễn Khoái làm chậm hơn so với kế hoạch nhưng đã khắc phục khiếm khuyết kết nối, bài học từ dự án đại lộ Đông Tây (đại lộ Võ Văn Kiệt).

Cụ thể, sau khi đưa dự án đại lộ Võ Văn Kiệt vào khai thác, TP.HCM phải bỏ kinh phí để xây dựng hàng loạt đường kết nối với cầu Nguyễn Văn Cừ, cầu Nguyễn Tri Phương…

Lãnh đạo UBND TP cho biết, từ bài học này, khi thiết kế tuyến, cầu đường Nguyễn Khoái đã kèm theo các tuyến nhánh để đảm bảo kết nối đa hướng. Công trình sẽ có 4 nhánh rẽ kết nối giữa đường Trần Xuân Soạn, quận 7 lên xuống cầu vượt kênh Tẻ. Đồng thời kết nối giữa đường Tôn Thất Thuyết, quận 4 lên xuống cầu cạn trên đường Nguyễn Khoái.