- 16 bị can lừa dối khách hàng trong việc mua bán xăng dầu ở cây xăng trên đường Trần Khát Trân (Hà Nội) đã tự nguyện nộp tổng số tiền hơn 1,6 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.
Nhân viên hùn tiền mua chip gian lận
Ngày 18/5, Công an Hà Nội đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển VKSND TP Hà Nội đề nghị truy tố 16 bị can hành vi Lừa dối khách hàng. Trong số 16 bị can có 12 người là sếp và nhân viên cửa hàng xăng dầu số 436 Trần Khát Chân.
Theo kết luận điều tra, cửa hàng xăng dầu số 436 Trần Khát Chân (Hà Nội) thuộc Công ty cổ phần xăng dầu chất đốt Hà Nội do Nguyễn Thị Hồng Hạnh (SN 1966) làm cửa hàng trưởng.
Cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện hành vi gian lận ở cây xăng Trần Khát Chân. |
Khoảng tháng 4/2014, 2 trưởng ca là Trần Thanh Trình và Nguyễn Mạnh Hà đã gặp cửa hàng trưởng Nguyễn Thị Hồng Hạnh để xin ý kiến về việc lắp chip điện tử gian lận vào các cột bơm nhằm chiếm đoạt xăng dầu của khách, “cải thiện” đời sống cho nhân viên.
Được cửa hàng trưởng đồng ý, Trình và Hà đã thu tiền “chung chi" của nhân viên cửa hàng để mua chip điện tử gian lận. Đem tổng số tiền 70 triệu đồng thu được, Trình và Hà gặp Hồ Trọng Tuấn (SN 1973) - Trưởng phòng thị trường Công ty cổ phần xăng dầu chất đốt Hà Nội để nhờ Tuấn tìm người gắn chip điện tử gian lận vào các cột bơm xăng của cửa hàng.
Được sự giúp đỡ của Tuấn, chip điện tử đã được cài sẵn chương trình để gian lận từ 1-6% lượng xăng dầu bán ra cho khách hàng được lắp đặt tại cây xăng với giá 25 triệu đồng/1 chip.
Để tránh sự phát hiện của mọi người, buổi tối muộn, khi cửa hàng đã đóng cửa, Hồ Trọng Tuấn đưa một người tên Lê Đức Phong tới cửa hàng xăng dầu 436 Trần Khát Chân để tiến hành lắp đặt chip điện tử gian lận.
Các cột bơm xăng số 2, 4 và 5 sau đó được gắp chip điện tử để "móc túi" khách hàng. Chip được Phong nối đường dây vào công tắc tắt bật tại phòng ghi hóa đơn bên trong cửa hàng và chip hoạt động thông qua công tắc này.
Các đối tượng cung cấp, lắp chip điện tử gian lận bị bắt giữ cùng tang vật. |
Một thời gian sau, để tránh việc sử dụng công tắc dễ bị phát hiện, cửa hàng xăng này đã thay bằng hệ thống điều khiển từ xa cho 3 con chip với giá 21 triệu đồng.
3 bộ điều khiển được để trong hòm đựng tiền để các nhân viên cây xăng thay nhau điều khiển. Khách hàng nào để mắt đến việc thiếu hụt lượng xăng mua, nhân viên sẽ tạm thời tắt chip để tránh bị nghi ngờ, phát hiện.
Gắn chip gian lận, mỗi người thu hàng trăm nghìn/ca
Khi chip điện tử gian lận hoạt động, lượng xăng thực chảy ra được tính qua đồng hồ công tơ mét đo xăng bao giờ cũng thấp hơn so với đồng hồ đếm hiển thị trên màn hình để tính tiền cho khách.
Đến cuối ca, sau khi kiểm tra đồng hồ cơ tính xăng, đối trừ đi số đo khi nhận từ ca trước sẽ ra số xăng thực tế bán cho khách hàng. Phần tiền thu được bán cho khách hàng trong ca sau khi trừ đi tiền phải thanh toán, nộp lên công ty theo số đo hiển thị trên đồng hồ công tơ mét đo xăng sẽ được chia đều cho nhân viên.
Với cách làm gian dối nêu trên, trung bình mỗi ca bán hàng, trưởng ca và nhân viên được chia từ 400.000 - 600.000 đồng/người (tùy theo doanh số bán hàng).
Đến tháng 5/2015, Trần Thanh Trình được điều động về làm cửa hàng trưởng cửa hàng xăng dầu Yên Viên. Tại đây, Trình tiếp tục nhờ "chuyên gia" đến lắp 3 con chip điện tử để gian lận xăng của khách.
Riêng tại cửa hàng xăng dầu Yên Viên, tổng số tiền gian lận khoảng 120 triệu đồng, nhưng do cửa hàng này chưa bị xử lý hành chính về hành vi lừa dối khách hàng nên không đủ yếu tố cấu thành tội “Lừa dối khách hàng”.
Do đó, Cơ quan CSĐT đã ra quyết định tách hồ sơ vụ án, có văn bản chuyển hồ sơ đến Chi cục QLTT Hà Nội đề nghị xử lý hành chính và xem xét xử lý hơn 2.000 lít dầu các đối tượng đã chiếm đoạt còn tồn tại trong kho của cửa hàng Yên Viên.
T.Nhung