Theo CEO của Gojek Việt Nam Phùng Tuấn Đức, tất cả những sự thay đổi sắp tới đều có chung mục tiêu duy nhất là đem lại những trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.
Mở rộng quy mô GoViet, phát triển “siêu ứng dụng”
- Vì sao GoViet lại hợp nhất vào Gojek, thưa ông?
Đây là kết quả của một quá trình chuẩn bị từ rất lâu rồi. Để có được nền tảng công nghệ mới, áp dụng được nhất quán trên tất cả các nước, thì Gojek không chỉ hợp nhất ứng dụng ở Việt Nam, Thái Lan mà còn nâng cấp các nền tảng có sẵn đang hoạt động ở Indonesia, Singapore. Sự thay đổi ngày hôm nay nằm trong kế hoạch để Gojek có thể phát triển lâu dài ở Việt Nam và thị trường quốc tế.
Sau thời gian đầu hoạt động thì GoViet có bước tăng trưởng mang tính thần kỳ. Trong vòng 1 năm, GoViet đã hoàn thành 100 triệu đơn hàng. Sau 6 tháng kế tiếp thì con số đó đã lên gấp đôi thành 200 triệu. Hiện nay, hàng tháng GoViet có hàng triệu người sử dụng. Số lượng đối tác tài xế và nhà hàng là 150.000 và 80.000 trong chưa đầy 2 năm hoạt động ở Việt Nam. Việc hợp nhất lần này là cần thiết để tiếp tục mở rộng quy mô GoViet và biến nó trở thành “siêu ứng dụng”, phục vụ nhiều nhu cầu hơn.
- Việc hợp nhất ứng dụng và thương hiệu với Gojek để trở thành Gojek Việt Nam sẽ kéo theo nhiều thay đổi lớn. Ngoài bộ đồng phục của tài xế, ông hãy chia sẻ thêm về những sự thay đổi cụ thể?
Trong đợt ra mắt tới này, khách hàng vẫn sử dụng 3 dịch vụ là gọi xe (GoRide), đặt đồ ăn (GoFood) và giao nhận hàng hoá (GoSend) như hiện tại. Tuy nhiên những tính năng trên ứng dụng sẽ có những thay đổi. Thứ nhất, giao diện ứng dụng của khách hàng sẽ đẹp hơn, mượt hơn, dễ thao tác hơn để khách hàng lựa chọn sản phẩm cũng như đặt hàng. Ứng dụng dễ sử dụng hơn và bổ sung các tính năng liên quan đến sự an toàn của khách hàng, như chia sẻ hành trình chuyến đi, cuộc gọi khẩn cấp...
- Hiện nay, Gojek Indonesia có khoảng 20 dịch vụ khác nhau, trong khi đó tại Việt Nam mới chỉ có 3 dịch vụ cơ bản gồm gọi xe máy, giao hàng, giao thức ăn. Ông có dự định sẽ triển khai thêm những dịch vụ nào ở Việt Nam?
Ở Việt Nam, lượng xe hai bánh rất đông giúp việc thực hiện các dịch vụ thuận tiện. Các nhu cầu cũng rất sát sườn với đa số người Việt Nam, như đi lại, ăn uống, giao hàng, đồng thời mang lại thu nhập tốt hơn cho những tài xế hai bánh. Đó là lý do GoViet chỉ triển khai ba dịch vụ ở Việt Nam thời gian đầu.
Trong 20 loại hình dịch vụ của Gojek, có 3 mảng quan trọng nhất (tam giác vàng) là di chuyển, giao vận và thanh toán. Ở Việt Nam, chúng tôi đã triển khai dịch vụ di chuyển và giao vận tốt rồi. Còn lại mảng thanh toán sẽ là mảng chủ chốt mà Gojek muốn triển khai trong giai đoạn sắp tới. Mảng di chuyển cũng còn nhiều cơ hội để mở rộng, ví dụ như gọi xe 4 bánh.
Sáng tạo, đổi mới vì cộng đồng
- Ngày càng nhiều doanh nghiệp, start-up nhảy vào thị trường vận tải thông minh hay giao hàng nhanh, theo ông “miếng bánh” thị trường liệu có đủ cho tất cả?
Tôi nghĩ “miếng bánh” này sẽ còn phình to hơn nữa. Quan trọng là các doanh nghiệp tham gia sẽ đi được đến bao lâu, bởi tôi nghĩ chiến lược kinh doanh không chỉ là chiếm thị phần, mà còn là giữ thị phần. Thị trường Việt Nam còn tiềm năng phát triển rất cao, vì vậy sẽ còn rất nhiều cơ hội cho các công ty khác có thể tham gia vào thị trường, mang lại lợi ích cho khách hàng. Cũng chính vì thế, khách hàng sẽ là người được hưởng lợi nhiều nhất.
- Thời điểm Uber rời thị trường Việt Nam, hàng loạt ứng dụng gọi xe Việt ra đời "như nấm sau mưa", thế nhưng chỉ sau một thời gian ngắn lại lặng lẽ biến mất. Ông nghĩ vì sao GoViet có thể tồn tại và còn phát triển rất mạnh mẽ ở thị trường Việt Nam?
Nếu các hãng chỉ tập trung vào dịch vụ vận tải thì rất khó để có được sự phát triển bền vững. Thứ nhất là thu nhập của tài xế sẽ bị hạn chế. Họ chỉ có một số khung giờ trong ngày có lượng đơn hàng để hoạt động nên sẽ rất khó để duy trì được lượng tài xế. Với GoViet thì tài xế có thu nhập ổn định trong ngày từ việc chạy xe.
Thứ hai, GoViet tận dụng được nền tảng của Gojek rất nhiều. Hệ thống công nghệ vốn trước đã rất hiện đại, qua lần nâng cấp này sẽ còn ưu việt hơn. Ở Việt Nam, việc vận hành một ứng dụng gọi xe là khá phức tạp, nhiều hãng lần đầu làm ở thị trường này sẽ rất bỡ ngỡ. Làm sao để có thể phân bổ được các chuyến đi cho tài xế hợp lý, cân đối được thưởng cho tài xế và khuyến mãi cho khách hàng. Đó mới chỉ là việc gọi xe giữa tài xế và khách hàng. Còn giao đồ ăn thì có đến ba đối tượng là khách hàng, nhà hàng và tài xế. Vì vậy, các hệ thống máy móc, thuật toán để tính ra những phương án xử lý tối ưu nhất sẽ rất phức tạp.
- Tầm nhìn của Gojek khi đặt chân vào thị trường Việt Nam là gì?
Dù là Gojek hay GoViet thì công ty luôn có hai sứ mệnh. Thứ nhất, luôn bắt đầu mọi thứ từ trải nghiệm khách hàng. Chúng tôi luôn tư duy trong cuộc sống hàng ngày của khách hàng có nhu cầu gì mà chúng tôi có thể giải quyết bằng công nghệ, bằng cách kết nối họ với những nhà cung cấp dịch vụ, sản phẩm. Mong muốn thứ hai là tạo ra tác động cho hệ sinh thái của chúng tôi, đặc biệt là các đối tác, mang lại thu nhập tốt và ổn định cho họ. Do đó, Gojek là doanh nghiệp phát triển nhanh nhất về số lượng các dịch vụ mình đưa ra. Số lượng sản phẩm của Gojek là nhiều nhất mà bất kỳ siêu ứng dụng nào trong khu vực hiện nay có thể cung cấp được, vượt xa các đối thủ.
Việc luôn sáng tạo, đổi mới dựa trên nhu cầu khách hàng và giá trị đem lại cho cộng đồng khiến Gojek là công ty duy nhất ở Đông Nam Á đã hai lần lọt vào danh sách top 20 công ty thay đổi thế giới do Fortune bình chọn. Gojek muốn mang đến cho Việt Nam những giá trị tương tự như Gojek đã tạo ra ở Indonesia.
Thanh Châu (thực hiện)