“Những chia sẻ của CEO Google, Sundar Pichat sau chuyến ghé thăm Việt Nam (VN) đã tiếp thêm lửa cho cuộc tranh luận về tiềm năng phát triển công nghệ, về sức cạnh tranh và vị trí của các chuyên gia công nghệ Việt trong sân chơi toàn cầu”, ông Nguyễn Thế Trung, CEO Công ty Công nghệ DTT vừa chia sẻ trên Tuần Việt Nam.
Người đứng đầu Google khuyến cáo,“trước khi bước ra thị trường toàn cầu, giới khởi nghiệp Việt Nam nên tập trung vào thị trường trong nước trước", ông có đồng tình như vậy không?
Từ góc độ của một người quản lý Pichat nói vậy là hợp lý. Với những doanh nghiệp đã có sản phẩm dịch vụ thì không thể bỏ qua thị trường trong nước.
Tuy nhiên nếu nhìn từ vai trò lãnh đạo, đặc biệt là lãnh đạo khởi nghiệp thì tầm nhìn toàn cầu rất quan trọng. Thị trường trong nước là cần thiết và làm bệ phóng nhưng nếu sản phẩm công nghệ không bắt kịp tiêu chuẩn toàn cầu thì nguy cơ bị đào thải rất cao.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Tổng Giám đốc điều hành Google Sundar Pichai. (Ảnh: TTXVN) |
Không ít người tin rằng, khởi nghiệp thành công là phải bước được ra các sân chơi bên ngoài. Cách nghĩ này đã khiến nhiều người chưa quan tâm đến thị trường nội địa. Ông đánh giá thế nào về tiềm năng, cơ hội tại Việt Nam cho các doanh nhân khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ?
Tôi cho rằng ai khởi nghiệp cũng đều khao khát có thị trường trong nước, nơi mình hiểu nhất. Tuy nhiên rào cản do thiếu vắng hệ sinh thái phù hợp để khởi nghiệp thành công tại thị trường trong nước là lý do đẩy chúng ta phải nghĩ tới thị trường quốc tế.
Tôi biết có những công ty đã khởi nghiệp thành công tại thị trường trong nước giờ lại không muốn đầu tư vì lo rủi ro. Vì vậy tôi cũng đồng ý với ý kiến là thị trường trong nước là chưa đủ thuận lợi. Hi vọng là thời gian tới sẽ có những thay đổi.
Ông giải thích thế nào về “hiện tượng đơn lẻ” Nguyễn Hà Đông? Làm thế nào chúng ta có thêm cá nhân/sản phẩm nổi bật?
Trong công nghệ phần mềm, với các bài toán kỹ thuật thì kỹ sư Việt Nam đều có thể giải được. Tuy nhiên vấn đề chúng ta đang vướng lại nằm ở:
- Năng lực tạo ra bài toán khả thi có lợi cho kinh doanh. Ví dụ kỹ thuật đang áp dụng với dịch vụ Uber. Rõ ràng không quá khó, nhưng chúng ta vẫn lúng túng để giải các dạng bài toán gắn với kinh doanh thực tế.
- Bên cạnh đó là chất lượng. Ngày nay việc phát triển chức năng đã chuyển sang các yếu tố phi chức năng như tốc độ xử lý, khả năng nhân rộng nhanh, bảo mật tốt, trải nghiệm người dùng tuyệt hảo… điều này kỹ sư VN còn yếu. Vì thế các phần mềm trong khuôn khổ một người hoặc nhóm nhỏ như của Hà Đông thì mới chỉ một vài kỹ sư xuất sắc mới có thể làm không thua kém nước ngoài;
Những tài năng như Nguyễn Hà Đông luôn được các công ty lớn săn đón. Tôi được biết bạn ấy cũng đã được mời đến thung lũng Silicon, được CEO Google gặp trực tiếp…. Ông nghĩ thế nào về cách mà các ông lớn đó ủng hộ, hỗ trợ?
Việc ủng hộ có thêm nhiều Hà Đông là mong muốn của các ông lớn nền tảng như Google, Apple, Facebook nên họ muốn hỗ trợ là đương nhiên.
"Google đã có một chương trình phát triển tài năng tại Việt Nam và tuyển được 10 sinh viên tài năng vào làm việc cho hãng", CEO Pichat . |
Nếu chúng ta ở trong hệ sinh thái của họ thì họ sẽ hỗ trợ, nâng niu, giữ gìn. Nhưng dù có hỗ trợ, giữ gìn kiểu gì thì họ cũng không làm thay xã hội chúng ta được vì hai hệ sinh thái khác nhau.
Trong chuyến ghé thăm Việt Nam, CEO Pichat cho biết vài tuần trước đã đọc một cuốn sách về anh em nhà Wright, những người đã biết phớt lờ tất cả những dèm pha của xã hội để chế tạo, phát minh ra máy bay. Ông Pichat đúc kết, “nhóm nhỏ nhưng cam kết cao và tin vào những gì mình làm thì vẫn có thể thay đổi được thế giới". Còn ông, ông nghĩ thế nào về sức mạnh của những nhóm nhỏ nếu làm việc với niềm tin mạnh mẽ sẽ có thể làm thay đổi thế giới?
Về cơ bản các thay đổi đều đến từ những nhóm nhỏ, các nhóm lớn sẽ rất khó đột phá. Tất cả các công ty Internet thành công trên thế giới hiện nay đều xuất phát từ những nhóm nhỏ.
Tuy nhiên sẽ có rất nhiều nhóm nhỏ phải hi sinh để chúng ta có một nhóm nhỏ thành công. Vấn đề là tỷ lệ thành công là bao nhiêu. Nó giống như ta vãi một nắm thóc xuống ruộng hay thả một đàn cá con xuống hồ, bao nhiêu sẽ sống sót, bao nhiêu sẽ lớn mạnh đi xa hơn cái hồ ban đầu? Kết quả thế nào là tùy thuộc vào môi trường của cái hồ đó, chất lượng nước ra sao, có được khơi thông dòng không, có đủ thức ăn không, có nhiều đàn cá dữ trong đó không?
Lời bàn của ông Pichat là đúng trong hệ sinh thái của ông ấy. Nhưng chưa chắc đúng trong hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam. Theo tôi đánh giá khoảng cách giữa hai hệ sinh thái này đang là số một đứng sau dấu phảy với rất nhiều số không.
Cảm ơn ông!
Hoàng Đan