“Tận dụng nền tảng công nghệ thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành dịch vụ” do bà Nguyễn Thái Hải Vân, Giám đốc điều hành Grab Việt Nam trình bày là một trong những báo cáo chính của tại hội thảo chuyên đề “Phát triển các mô hình kinh doanh mới trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì tổ chức sáng 11/11.
Đây là 1 trong 10 hội thảo chuyên đề của Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế lần thứ ba về Công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2021, chủ đề “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong kỷ nguyên số”.
CEO Grab Việt Nam Nguyễn Thái Hải Vân. |
Bà Nguyễn Thái Hải Vân nhận định, hành vi người tiêu dùng thay đổi hoàn toàn trong bối cảnh đại dịch đã thúc đẩy việc tiêu dùng và các hoạt động trên thương mại điện tử được diễn ra mạnh mẽ, kéo theo nhiều dịch vụ, ngành nghề truyền thống thay đổi theo và tạo ra cơ hội cho các ngành liên quan như logistic.
Nhu cầu sử dụng các dịch vụ trên nền tảng số cũng ngày một nâng cao, không chỉ phục vụ các nhu cầu thiết yếu (như hoạt động kinh doanh, giáo dục) mà còn cả giải trí, tiêu thụ content cũng thay đổi tức thời. Các doanh nghiệp đang nắm bắt công nghệ, chuyển đổi sang kinh doanh trực tuyến đã biến nó thành cơ hội.
“Covid đã mang những thử thách lớn, nhưng nếu chúng ta nắm bắt được cơ hội thì sẽ đẩy nhanh tiến trình số hóa theo chủ trương 4.0 nhanh hơn rất nhiều”, bà Vân nói.
Bà Vân cũng cho rằng: “Chuyển đổi số không phải là những gì xa xôi, câu chuyện vĩ mô hoàn toàn có thể áp dụng được vào lĩnh vực đời thường, cuộc sống, thiết yếu hàng ngày”.
Nêu ví dụ, lãnh đạo Grab cho hay, với các cam kết chuyển đổi số lâu dài ở Việt Nam, Grab Việt Nam đã đưa nền tảng của mình ứng dụng vào cuộc sống hàng ngày thông qua dự án Grab Connect để tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân, hay việc đưa các tiểu thương ở chợ truyền thống lên ứng dụng trong bối cảnh đại dịch. Đây là cách thực tế để có thể giáo dục về kiến thức chuyển đổi số đối với các đối tượng kinh doanh nhỏ, lẻ.
Dù vẫn còn một khoảng cách lớn với nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng nhìn chung Việt Nam có tất cả những yếu tố quan trọng nhất để sẵn sàng cho chuyển đổi số, đó là sự sẵn sàng của thị trường và các chủ trương, chính sách thúc đẩy từ Chính phủ. Dù vậy, bà Vân cho rằng, Việt Nam cần phải thúc đẩy hơn nữa các kiến thức về chuyển đổi số.
Để thúc đẩy hơn nữa chuyển đổi số tại Việt Nam, theo bà Vân nên có thêm khung pháp lý riêng dành cho các nền tảng số, các mô hình kinh tế chia sẻ trên nền tảng số hay các mô hình kinh doanh mới. Lý do là bởi hiện nay, các nền tảng số và mô hình kinh doanh đang phát triển rầm rộ, nhưng về khung pháp lý vẫn còn có những độ trễ nhất định so với thực tế nên còn nhiều quy định chồng chéo, điều này khiến giảm tiến độ chuyển đổi số do vẫn có nhiều vướng mắc.
Việt Nam cũng nên ứng dụng công nghệ đổi mới sáng tạo bằng việc đầu tư vào giáo dục, đầu tư thúc đẩy cho startup và hệ sinh thái cho startup cần làm mạnh hơn nữa.
Ngoài ra, thanh toán không dùng tiền mặt là tất yếu, nên phải tiếp tục đẩy mạnh hơn về thói quen, định chế cũng như an toàn, để đảm bảo cho thúc đẩy phát triển toàn diện.
Duy Vũ
Một người bán online được 1,3 tỷ đồng chỉ trong 2 giờ
Lễ hội mua sắm 11/11 khiến doanh số và đơn hàng của các nhà bán lẫn sàn thương mại điện tử tăng mạnh, có nhà bán hàng đạt doanh thu 1,3 tỷ đồng chỉ sau 2 giờ.