Facebook và Bain & Company vừa công bố những nghiên cứu về công cuộc chuyển đổi số đang bùng nổ ở khu vực Đông Nam Á. Báo cáo nhận xét Việt Nam như là quê hương của chuyển đổi kỹ thuật số, đang ở tuyến đầu thúc đẩy sự thay đổi và nắm bắt những cơ hội để phát triển dựa trên nền tảng số hóa sau đại dịch.   

{keywords}
Bên trong kho hàng một sàn thương mại điện tử tại Việt Nam. (Ảnh: Hải Đăng)

Nghiên cứu khảo sát khoảng 16.700 người tiêu dùng kỹ thuật số và hơn 20 nhân sự cấp cao tại 6 quốc gia Đông Nam Á, trong đó có 3.579 người tham gia khảo sát đến từ Việt Nam.

Kể từ khi bắt đầu đại dịch, khoảng 70 triệu người Đông Nam Á trên 15 tuổi đã trở thành người tiêu dùng số. Ước tính đến hết năm 2021, số lượng người tiêu dùng số của khu vực sẽ đạt con số 350 triệu. Riêng tại Việt Nam, cứ 7 trong số 10 người tiêu dùng đều được tiếp cận kỹ thuật số và sẽ có 53 triệu người tiêu dùng số trên cả nước vào cuối năm 2021.

Tốc độ tăng trưởng người tiêu dùng số thúc đẩy mức tăng chi tiêu của khu vực lên tới 80%/năm và dự kiến tổng giá trị mua sắm trực tuyến sẽ tăng gấp đôi tính đến năm 2026. Trong đó, Việt Nam được kỳ vọng là thị trường có tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, với tổng giá trị hàng hóa thương mại điện tử (eCommerce GMV) ước đạt con số 56 tỷ USD vào năm 2026, tăng 4,5 lần so với giá trị ước tính của năm 2021.

Số danh mục hàng hóa mà người tiêu dùng Việt Nam mua sắm trực tuyến đã tăng 50%. Số gian hàng online được mua cũng tăng 40%, kéo theo mức tăng 1,5 lần tổng chi tiêu bán lẻ trực tuyến trên cả nước so với năm 2020.

Tại Việt Nam, mức mua sắm online cho từng nhóm hàng cũng tăng gần gấp đôi. Riêng nhóm hàng chăm sóc cá nhân và làm đẹp đạt hiệu quả thâm nhập thị trường trực tuyến gấp 3 lần.   

Khảo sát cho thấy cách người tiêu dùng Việt mua sắm có thay đổi lớn. Họ bắt đầu xem trọng các kênh trực tuyến trong từng chặng của hành trình mua sắm so với các kênh trực tiếp.

Chẳng hạn, mạng xã hội tiếp tục là kênh số 1 cho quá trình khám phá sản phẩm, dịch vụ. Khảo sát cho thấy, 14% lựa chọn bảng tin trên mạng xã hội và 22% lựa chọn video trên mạng xã hội là kênh hàng đầu để tìm hiểu thông tin.

Đến giai đoạn đánh giá, người tiêu dùng Việt có xu hướng tìm kiếm các nội dung đánh giá sản phẩm trên mạng xã hội và các nền tảng thương mại điện tử, với tỷ lệ phản hồi lựa chọn mỗi kênh đều đạt 26%.

Khi phải đưa ra quyết định mua hàng, các sàn thương mại điện tử và nền tảng mua sắm trên mạng xã hội là những kênh chủ chốt, với thị phần chi tiêu tương ứng đạt 33% và 19%.  

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, lần đầu tiên việc thanh toán sử dụng tiền mặt có nguy cơ bị soán ngôi với sự sụt giảm đáng kể từ 60% 2020 chỉ còn 42% năm 2021. Sức hút từ các hình thức hình thức thanh toán không dùng tiền mặt phản ánh qua mức tăng sử dụng ví điện tử lên đến 82% và tăng chuyển khoản ngân hàng lên tới 18%.

Số nền tảng trực tuyến mà người tiêu dùng trực tuyến ở Đông Nam Á ghé thăm và thực hiện mua sắm đã tăng từ con số trung bình 5,2 trong năm ngoái lên 7,9 trong năm nay. Tại Việt Nam, 49% người tiêu dùng đã chuyển đổi lựa chọn trang thương mại điện tử trong vòng 3 tháng qua.

Sau đại dịch, người tiêu dùng tại Việt Nam sẽ duy trì tới 72% thời gian của họ cho các hoạt động thường xuyên tại nhà thay vì ra ngoài. Việc ăn uống và mua sắm online tại nhà sẽ được duy trì đều đặn, chiếm tương ứng 84% và 78% thời gian của người tiêu dùng.

Hải Đăng

Giao dịch không tiền mặt tăng mạnh trong tháng 9, tháng 10

Giao dịch không tiền mặt tăng mạnh trong tháng 9, tháng 10

Trong hai tháng gần đây, các giao dịch thanh toán số trên nhiều lĩnh vực ghi nhận sự gia tăng mạnh so với cùng kỳ.