Theo Quỹ Tiền tệ Quốc Tế (IMF), sự xuất hiện bùng nổ của AI và ứng dụng của chúng đã biến đổi nơi làm việc trên toàn thế giới, gần 40% việc làm toàn cầu có thể bị gián đoạn bởi AI. Các ngành như y học, tài chính và âm nhạc đều đã cảm nhận được sự chuyển biến này. Cổ phiếu của các công ty gắn liền với sự bùng nổ của AI đã tăng vọt, như nhà sản xuất chip Nvidia (NVDA) tăng hơn 219% trong 12 tháng qua, và Microsoft (MSFT) tăng gần 50%.
Dimon cho biết JPMorgan - ngân hàng lớn nhất thế giới theo vốn hóa thị trường - đang xem xét tiềm năng của công nghệ AI trong hệ sinh thái của họ. Các bộ phận từ kỹ thuật phần mềm, dịch vụ khách hàng cho đến vận hành đều đang được nâng cấp bởi AI, tương tự với hiệu suất công việc nói chung của nhân viên.
Dimon viết: “Trong tương lai, chúng tôi cho rằng những ứng dụng AI này đem lại tiềm năng lớn trong việc nâng cao chất lượng công việc cũng như việc điều phối lực lượng lao động của chúng tôi. Nó giúp giảm thiểu một số công việc hoặc vai trò nhất định, nhưng đồng thời cũng tạo ra những công việc và vai trò mới”. Ngân hàng JPMorgan hiện có hơn 2000 chuyên gia AI và máy học, đồng thời gần đây ngân hàng đã bổ nhiệm vị trí hoàn toàn mới thuộc ban điều hành - Giám đốc quản lý và phân tích dữ liệu.
Dimon cũng chỉ ra những rủi ro đi kèm với sự bùng nổ công nghệ này. Ông viết: “Bạn có thể đã biết rằng có những kẻ xấu sử dụng AI để cố gắng xâm nhập vào hệ thống của các công ty nhằm đánh cắp tiền và tài sản trí tuệ hoặc đơn giản là quấy rối và gây ra thiệt hại”.
Vào tháng 1, JPMorgan cho biết họ đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể các vụ tấn công diễn ra hàng ngày nhằm vào hệ thống của họ, điều này cũng nêu bật lên những thách thức an ninh mạng ngày càng leo thang mà ngân hàng và các công ty khác tại Phố Wall đang phải đối mặt.
JPMorgan Chase - ngân hàng lớn nhất Hoa Kỳ - hiện đầu tư 15 tỷ USD mỗi năm vào an ninh mạng và tuyển dụng 62.000 kỹ sư công nghệ, một phần nhằm củng cố khả năng phòng vệ của ngân hàng trước tội phạm mạng.
Dimon cảnh báo các nhà đầu tư một lần nữa rằng Mỹ “có thể đang bước vào một trong những kỷ nguyên địa chính trị hung hiểm nhất kể từ Thế chiến thứ hai”. Trong khi các chỉ số kinh tế vĩ mô có vẻ khả quan và tỷ lệ lạm phát đang giảm bớt, ông nhận thấy nhiều rủi ro tiềm ẩn.
Các thị trường hiện đang định giá 70% đến 80% cơ hội hạ cánh mềm, giúp lạm phát được giảm bớt mà không gây ra suy thoái kinh tế. Dimon cho rằng tỷ lệ này là quá lạc quan. Ông nói: các nhà giao dịch đang đặt quá nhiều sự chú ý đến hoạt động hàng tháng của Cục Dự trữ Liên bang mà không xem xét các rủi ro chính sách và địa chính trị dài hạn.
Thay vì tập trung quá nhiều vào các dữ liệu về lạm phát hàng tháng và những thay đổi không đáng kể của lãi suất, các nhà đầu tư nên suy nghĩ về những chuyển biến trong 1 hoặc 2 năm tới.
“Tác động của các lực lượng địa chính trị và kinh tế này là rất lớn và có thể coi là chưa có tiền lệ. Rất khó để có thể nhìn được bức tranh toàn diện cho đến khi chúng diễn ra trong những năm tới” - ông chia sẻ.
(Theo CNN Business)